Bác Nhàn khụy xuống gọi "Con ơi" rồi gắng gượng đứng dậy, lách qua hàng người chạy theo nhoài tay về phía song sắt ô cửa. Chạy được vài bước chân bác ngã xuống ngất lịm. Bố chạy đến bế bác Nhàn, mẹ mở cửa chiếc taxi rồi bảo tài xế chạy đến bệnh viện.
Mẹ xoa dầu gió cho bác Nhàn, thở dài nói với bố:
- Chị ấy khổ quá! Chẳng biết thằng Thủy đã biết nó là thằng con nuôi bất hiếu!
- Chị Nhàn muốn giấu thì mình nên tôn trọng quyết định của chị ấy.
Tôi tò mò:
- Anh Thủy không phải là con ruột của bác Nhãn hả bố mẹ?
Bố kéo vạt áo thấm những giọt nước mắt kể cho tôi nghe về những phận người dạt trôi mưu sinh.
***
Những tối, Huân, chàng trai mồ côi đánh cá dưới bến sông thường hẹn gặp người con gái làng Pháo trên con đê đầu làng. Chiếc nhẫn, vòng tay kết từ vạt cỏ thay lời hẹn ước. Gia đình giàu có làng Pháo muốn ngăn cấm mối tình của đứa con gái duy nhất nên đã nhiều lần xui đám thanh niên chặn đánh Huân. Bao lần cô gái giữ chân đám thanh niên để Huân nhảy xuống sông bơi về con thuyền. Nhưng vòng tay yếu đuối của tiểu thư con nhà giàu chẳng thể níu giữ mối tình bị cha mẹ ngăn trở.
Ảnh minh họa |
shutterstock |
Một ngày, cô gái làng Pháo lên xe hoa cùng cậu cả nhà bán vàng trên phố huyện. Dưới con thuyền, Huân nhìn người mình yêu theo chồng về phố trong tiếng pháo tan nát cõi lòng. Sớm hôm sau tỉnh cơn say, Huân bỏ lại con thuyền mục, lên chuyến xe khách vào miền Nam.
Gã xe ôm thả Huân xuống một xóm trọ. Lúc này, lục lại chiếc ba lô Huân mới phát hiện toàn bộ số tiền mang theo cùng giấy tờ tùy thân đã bay biến theo vết rạch sau túi. Huân ngồi xuống vỉa hè ôm mặt hứng chịu những cú đấm của gã xe ôm. Người đi đường xúm lại xem, chẳng lời can ngăn. Gã xe ôm nhặt viên gạch định giáng lên đầu Huân thì bàn tay một người phụ nữ trung tuổi kịp ngăn lại. Người phụ nữ hỏi han sự tình khiến gã xe ôm gào lên: "Nó quỵt tiền xe". Sau khi nghe câu chuyện của Huân, bác Nhàn cho Huân vay tiền trả tiền xe và thuê một phòng trọ gần phòng bác. Bác Nhàn chẳng chút hoài nghi về một người vừa gặp mặt. Bác tìm một công việc cho Huân nhưng chẳng công ty nào nhận một người không giấy tờ tùy thân.
Hằng ngày, Huân ra chợ đợi người ta đến thuê. Có những tháng tiền đi làm chẳng đủ nộp tiền phòng trọ. Bác Nhàn lại nộp giúp Huân số tiền còn thiếu. Nhiều hôm đi làm về thấy Huân đun nước pha mì tôm, bác bảo Huân sang ăn cơm cùng. Bác cưu mang giúp đỡ Huân như một người em trai dù chẳng máu mủ họ hàng.
Hôm ấy, Huân từ chợ người trở về với chiếc túi rỗng không. Huân nằm trên manh chiếu cũ nhớ về dòng sông quê, dù buồn lặng nhưng vẫn hào phóng cho cá tôm đắp đổi miếng ăn qua ngày. Chẳng như thành phố hoa lệ. Hoa của người giàu, lệ cho người nghèo.
***
Tối Giáng sinh, bác Nhàn bật khóc khi nghe những đứa trẻ hát bài thánh ca. Bác nhắc về đứa con trai đã lâu chưa gặp lại. Vùng quê cạnh xóm đạo, bác từng hết lòng chăm sóc, vun vén cho gia đình. Nhưng chồng bác vẫn bội bạc bằng những đêm vụng trộm với người phụ nữ góa chồng làng bên.
Nhiều lần bác Nhàn ướm lời với chồng để giữ lại gia đình. Nhưng tiếng chuông nhà thờ chẳng thể đánh thức tâm trí người đàn ông đang mê muội trong cơn say ái tình. Chồng bác đáp lại tấm lòng của bác bằng vẻ mặt cau có cùng lá đơn ly hôn. Sau ngày hai vợ chồng ra tòa, bác thành kẻ trắng tay. Gia đình chồng bác đã lo lót tiền bạc để chiếm lấy quyền nuôi dưỡng cậu con trai duy nhất. Bác Nhàn rời khỏi nhà chồng trong tiếng chuông nhà thờ vỡ tan vào chiều nhạt nắng. Bác bước lên một chuyến xe không định trước rồi đến khu công nghiệp này.
Đêm ấy, bác Nhàn gọi Huân sang phòng, bác đưa cho Huân chiếc hộp màu đỏ. Bác bảo: "Chiếc nhẫn là kỷ vật ngày cưới mẹ tặng chị, chị cho chú mượn lấy vốn làm ăn".
Huân rưng rưng nước mắt, thầm nghĩ chẳng biết bao giờ mới trả hết món nợ ân tình cho bác. Huân mua chiếc xe máy cũ từ tiền bán chiếc nhẫn vàng.
Buổi sớm, chiếc xe khách vừa đến bến, những gã xe ôm lao về phía cửa xe giành giật khách. Bao năm quen với bình yên nơi bến thuyền nên Huân chỉ đứng lẫn trong dòng người chờ đợi.
"Em gái về đâu...". Giọng một gã to béo cổ đeo sợi dây chuyền gắn chiếc nanh thú rừng chèo kéo một cô gái khiến Huân chú ý. Cô gái lưỡng lự định móc trong túi thứ gì đó nhưng chợt dừng lại khi chạm vào đôi mắt lo lắng của Huân.
Cô bước đến đưa mảnh giấy cho Huân, bảo Huân đưa đến địa chỉ ghi trong mảnh giấy. Gia đình người họ hàng của cô gái vừa trả phòng cách đây không lâu. Người chủ trọ cũng không biết thông tin của họ. Huân cảm thấy bối rối khi chạm phải đôi mắt lo âu của cô gái.
Huân chợt nghĩ đến những cạm bẫy nơi thị thành. Ban nãy nếu không lên xe Huân, cô sẽ trở thành món hàng của gã đàn ông to béo. Mấy lần, Huân chạy xe chở những gã say đến quán cà phê trá hình. Huân gặp lại những cô gái từng lên xe của gã. Bộ quần áo thôn quê hoán đổi thành áo dây váy ngắn. Môi hồng má phấn chẳng thể che mờ vết bầm tím trên mặt sau trận đòn của những gã bảo kê. Huân thở dài rồi bảo cô gái vừa gặp lên xe về khu trọ mình tìm phòng.
Huân đưa cô gái đến gặp bac Nhàn. Bác lại dang rộng vòng tay cưu mang cô gái như từng che chở cho Huân. Bác vun vén cho Huân và cô gái miền rừng tên Thắm nên duyên chồng vợ.
Một đêm, bác Nhàn gõ cửa phòng đôi vợ chồng trẻ, trên tay bác bế đứa trẻ sơ sinh. Bác bảo:
- Chị vừa nhặt nó trên đường đi làm về, cũng may chưa có điều gì làm tổn thương thằng bé.
Thắm thở dài:
- Dạo này ở xưởng may em làm có nhiều đứa con gái bụng to lùm lùm mà vài hôm sau cái thai chợt biến mất, cũng may mà thằng nhỏ được sinh ra!
Huân hồ hởi:
- Phải chăng thằng bé đến từ điều ước trong hôm Giáng sinh của chị!
Mấy hôm sau, bác Nhàn xin nghỉ việc ở công ty. Bác ngược xuôi làm thủ tục
giấy tờ nhận con nuôi.
***
Cô y tá hỏi: "Ai là người nhà của bệnh nhân Nhàn đề nghị lên phòng gặp bác sĩ".
Bố mẹ tôi cùng đứng dậy đi về phía căn phòng cuối hành lang theo hướng chỉ tay của cô y tá.
Tôi nhìn những sợi dây truyền nước đang nối vào cánh tay gầy guộc của bác Nhàn, chợt nghĩ đến anh Thủy. Chẳng biết ở trong tù anh có cảm thấy nóng ruột khi bác Nhàn đang nằm bất động trong phòng cấp cứu. Tôi nhớ hôm đến công viên cùng bố mẹ. Trên chiếc ghế đá, tay anh Thủy đang đặt lên bờ vai ả đàn bà xăm hình cánh hoa hồng.
Tôi từng nghe mấy người trong xóm trọ nói chuyện với nhau "Thằng Thủy bị rằng buộc với ả giang hồ nhiều hơn chục tuổi. Ả dọa nếu bị ruồng bỏ, ả sẽ biến thằng Thủy thành thây ma ngoài nghĩa địa". Thấy gia đình tôi đi qua, anh Thủy vội đeo chiếc khẩu trang lên mặt.
Anh Thủy từng là niềm tự hào của xóm trọ chúng tôi. Năm cấp hai, anh từng đạt nhiều giải thưởng học sinh giỏi cấp thành phố. Vậy mà anh lại chẳng thi đỗ cấp ba. Bác Nhàn hỏi vì sao? Anh bảo cảm thấy chán nản khi bạn bè gọi anh là thằng không cha. Anh lại hỏi bác cha anh là ai nhưng chỉ nhận lại sự im lặng và giọt nước mắt nơi khóe mắt bác Nhàn. Anh Thủy bỏ học đi làm phụ hồ, không chịu đựng nổi vất vả bụi bặm miền công trường, anh lại bỏ nghề đi theo nhóm côn đồ ngoài bến xe.
Một lần, tôi ngồi đợi bố ở quán trà đá cạnh cổng bến xe. Tôi chú ý khi bà bán trà đá chỉ tay về phía nhóm thanh niên phía bên kia con đường. Bà bảo: "Chẳng biết thằng thanh niên mặt mũi thư sinh kia con cái nhà ai mà đánh người không ghê tay". Tôi nhận ra anh Thủy cùng vài gã xăm trổ đang đập phá bàn ghế quán bia.
Tối ấy, anh Thủy sang phòng hỏi mượn bố tôi chiếc xe máy. Anh bảo đưa bác Nhàn đi viếng đám ma. Bố tôi lưỡng lự định không đưa chìa khóa xe khi thấy mặt anh đỏ bừng cùng hơi thở phả mùi rượu. Nhưng nghĩ đến ân tình với bác Nhàn, bố gỡ cả chiếc mũ bảo hiểm trên tường đưa cho anh. Đêm ấy, anh Thủy không về trả xe. Bố sang phòng gặp bác Nhàn đang vội vàng khóa cửa. Thấy bố bác òa khóc, bác bảo "thằng Thủy đua xe bị tai nạn giao thông". Bố luống cuống về phòng gọi mẹ rồi đưa bác Nhàn đến bệnh viện.
Anh Thủy chỉ xây xát nhẹ nhưng anh bộ đội bị anh Thủy đâm vào thì không qua khỏi. Khoản tiền bác Nhàn dành dụm, vay mượn để đền bù cho gia đình người bị nạn vẫn không đủ bù đắp để anh Thủy đổi lại những năm tháng tự do.
Bác Nhàn tỉnh lại cũng vừa khi bố mẹ quay về phòng cấp cứu. Bác rưng rưng nước mắt:
- Chị sẽ sớm trả lại khoản tiền vay cô chú.
- Chị đừng nói thế. Cả đời này vợ chồng em cũng không báo đáp hết những ân tình của chị.
***
Một ngày gia đình tôi cùng bác Nhàn đến trại giam thăm anh Thủy. Vài tháng trôi qua, anh Thủy gầy hơn trong bộ quần áo phạm nhân dính mùn cưa. Anh nói với bác Nhàn:
- Trong này con sẽ học tốt nghề mộc để mai sau đáp đền những ân tình của mẹ.
Tôi chợt nghĩ đến căn bệnh bác đang mang trong người, mong rằng anh Thủy sẽ kịp trở về để cuộc đời bác Nhàn an yên như cái tên của bác!
Bình luận (0)