Như Thanh Niên đã đưa tin, vụ em bé ở Hà Nội trèo qua lan can rơi từ tầng 12 xuống đất không phải là lần đầu tiên xảy ra các tai nạn liên quan đến lan can chung cư.
Trước đó đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm. Để xảy ra các tai nạn thương tâm là do nhiều chủ đầu tư không tuân thủ quy định về quy chuẩn an toàn trong xây dựng công trình. Bên cạnh đó, không ít người còn thiếu kiến thức, ý thức trong việc bảo vệ an toàn khi sống trong các căn hộ chung cư.
Theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng và sức khỏe do Bộ Xây dựng ban hành năm 2008, đối với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi sử dụng thì lan can phải cấu tạo không cho trẻ em dễ trèo qua (không nên bố trí các thanh ngang để trẻ tựa chân trèo qua lan can) và không có lỗ hổng nhét lọt quả cầu đường kính 100 mm. Đối với nhà ở, cơ quan, trường học, công sở và các công trình công cộng thì tại lô gia và sân thượng ở những vị trí cao từ 9 tầng trở lên, chiều cao tối thiểu là 1,4 m. Lan can ở cầu thang và các vị trí khác từ 0,9 - 1,1 m.
Kiểm tra, khắc phục ngay các vi phạm
“Đọc bài báo mà thấy lo quá. Đề nghị ngành xây dựng phối hợp với các ngành liên quan và báo chí đi kiểm tra, rà soát lại tất cả chung cư về quy chuẩn an toàn xây dựng, phòng cháy chữa cháy… Nơi nào vi phạm thì nêu thẳng tên, phạt nặng và bắt phải khắc phục ngay. Tất cả vì an toàn cho người dân, người dân sẽ ủng hộ hai tay”, bạn đọc (BĐ) Phương Anh bức xúc viết.
Cùng quan điểm, BĐ Thập cho biết: “Nhìn cái hình lan can Báo Thanh Niên đăng mà thấy hoảng. Làm kiểu đó mà trẻ bước, leo lên thì không biết chuyện gì xảy ra. Đề nghị chung cư nào như thế thì khắc phục ngay, đừng để tai nạn xảy ra mới đi sửa chữa”.
Đừng vô tình “bắc thang” hại trẻ
Nói đến an toàn ở chung cư, rất nhiều BĐ cho rằng điều hết sức quan trọng là ý thức của cư dân. BĐ Bạch Vân cảnh báo: “Ban công không thể là nơi đặt bàn ghế để ăn uống, ngồi hóng gió... Đó chính là những “bẫy thang” mà người lớn vô tình tạo ra để “bắc thang” cho trẻ leo lên, cực kỳ nguy hiểm. Ai ở căn hộ chung cư phải hết sức lưu ý, đừng để tai nạn xảy ra, lúc đó hối hận cũng muộn rồi”.
BĐ Mỹ Huyền cho biết thêm: “Nhiều nhà thì đặt đủ thứ chậu cây, thùng xốp ở ban công. Đúng là quá nguy hiểm khi trẻ leo lên”. BĐ Huy Quang kể: “Tôi thấy nhiều căn hộ chung cư làm rào sắt bít hết chỗ ban công, nhìn như cái chuồng. Làm vậy có an toàn không, khi có hỏa hoạn thì thoát thế nào? Không thấy ai hướng dẫn...”. Còn BĐ Yến Phương thì lưu ý: “Ở chung cư tầng cao gió rất mạnh, ai sợ gió, sợ độ cao thì không nên ra đứng ngoài ban công làm gì. Con nít thì tuyệt đối không cho ra rồi”.
Tôi thắc mắc: khi đưa chung cư vào sử dụng, có kiểm tra toàn bộ không? Ai kiểm tra và chịu trách nhiệm? Tại sao có chuyện quy chuẩn an toàn xây dựng bị phớt lờ? Có bắt làm lại không? Đã có luật thì cứ theo luật mà làm, đừng du di gì hết. An toàn là trên hết, không phải chuyện chơi.
Ngọc
Không chỉ chung cư mà nhà phố cao tầng cũng phải tuân thủ quy chuẩn an toàn xây dựng. Thử nhìn những nhà chung quanh là biết: lan can rất thấp, lại làm thanh ngang (bước lên rất dễ), khe hở giữa các thanh rộng (dư lọt đầu trẻ)... Nhìn mà thấy lo.
Anh Tài
Nhà tôi có ban công nhưng tôi chẳng bao giờ ra đó, mà luôn luôn khóa cửa ra (cất chìa khóa không cho con nít biết), cửa sổ thì có song sắt nên mở thường xuyên cho có gió, có nắng... Vậy cho an toàn.
Xuân Vũ
|
Bình luận (0)