Điều đáng nói là những vụ tai nạn này đều xảy ra tại các dự án lớn, nơi mà đáng lẽ ra vấn đề an toàn lao động phải được đặt lên hàng đầu.
Vụ thứ nhất xảy ra chiều 14.5, tại KCN Giang Điền, H.Trảng Bom (Đồng Nai) khi các công nhân đang thi công thì bức tường cao khoảng 8 m, dài 109 m sập làm chết 10 công nhân và 14 công nhân khác phải nhập viện cấp cứu.
Trong khi “sức nóng” của vụ tai nạn này chưa kịp lắng xuống thì ngày 25.5 tiếp tục một vụ tai nạn khác xảy ra tại thủy điện Plei Kần (xã Đắk Nông, H.Ngọc Hồi, Kon Tum) khiến 6 công nhân rơi từ độ cao hàng chục mét xuống dòng sông chảy xiết. 3 trong số 6 công nhân đã ra đi mãi mãi, những người còn lại phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương...
Là PV có mặt tại thủy điện xảy ra tai nạn nói trên, chúng tôi thấy đơn vị thi công đã cắm nhiều biển cảnh báo và biển cấm xung quanh công trường. Đơn vị thi công cũng đã lắp đặt hệ thống lan can để bảo vệ công nhân làm việc trên thành đập.
Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án thủy điện Plei Kần, UBND tỉnh Kon Tum đã yêu cầu chủ dự án phải đảm bảo an toàn lao động cho công nhân trong suốt quá trình lao động; giám sát chặt chẽ đội ngũ công nhân thực hiện dự án nhằm đảm bảo an toàn khi thi công. Thế nhưng, sự cố đáng tiếc vẫn xảy ra.
Một công trình khi xây dựng luôn có sự hiện diện của các đơn vị chức năng: thi công, thiết kế, giám sát… để theo dõi, đảm bảo chất lượng công trình và phòng tránh những rủi ro. Sự an toàn của người lao động, ngoài ý thức của bản thân họ, còn phụ thuộc rất lớn vào sự phối hợp, điều tiết của những đơn vị chức năng này. Vì thế, dù khách quan hay chủ quan, khi tai nạn lao động xảy ra, cũng không thể chối bỏ trách nhiệm của những đơn vị này.
Bình luận (0)