Sáng 18.4, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022 với chủ đề “Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm trong tình hình mới”.
Nông sản sẽ được ưu tiên kiểm tra an toàn thực phẩm trong tháng hành động |
DUY TÍNH |
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc do sử dụng sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn.
Gắn trách nhiệm của UBND các cấp để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác an toàn thực phẩm. Nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền ở địa phương, giữa các cơ quan chức năng và các đoàn thể chính trị xã hội trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
Phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM sẽ tăng cường xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm và giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.
Theo Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, công tác thanh kiểm tra trong tháng hành động hướng đến các đối tượng: Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, trong đó tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền; cơ sở bị phản ảnh. Lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo quy định khi cần thiết.
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022 diễn ra từ ngày 15.4 đến hết ngày 15.5.
Theo Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, trong năm 2021, TP.HCM xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm mà nguyên nhân do rượu tại Q.8, Tân Bình và Bình Tân với 22 người ăn uống, trong đó có 15 người mắc và 7 người tử vong do ngộ độc rượu.
Ngoài ra, năm 2021 Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đã xác minh, điều tra các trường hợp nghi ngờ ngộ độc rượu xảy ra tại Q.1, 8, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình và H.Bình Chánh với 34 người ăn, uống, trong đó có 24 người mắc và 14 người tử vong. Một số vụ chưa đủ cơ sở kết luận là ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Q.1, Tân Bình và H.Bình Chánh có 9 người mắc và 7 người tử vong.
Trong 3 tháng đầu năm 2022, công tác an toàn thực phẩm được đảm bảo, TP.HCM không có vụ ngộ độc thực phẩm nào.
Bình luận (0)