Ấn tượng với “Cụng ly không hệ lụy” và bài rap về giao thông của gen Z

24/12/2022 06:00 GMT+7

Nhiều người ngỡ ngàng và vô cùng ấn tượng với những sản phẩm tuyên truyền an toàn giao thông của gen Z.

Các bạn đã rất sáng tạo với những sản phẩm như “Cụng ly không hệ lụy”; hay viết vè, sáng tác nhạc rap để tuyên truyền giao thông…

Tại cuộc thi Thiết kế sản phẩm tuyên truyền an toàn giao thông mới đây, do Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ, Thành đoàn TP.HCM tổ chức, nhiều người cho biết rất ấn tượng với sự sáng tạo của gen Z thông qua các sản phẩm.

Sơn và áp phích tuyên truyền “Cụng ly không hệ lụy” của mình

NVCC

Làm thế nào để cụng ly không hệ lụy ?

Phạm Hồng Sơn, sinh viên Học viện Cán bộ TP.HCM, đã xuất sắc giành được giải nhất tại cuộc thi với sản phẩm poster (áp phích) tuyên truyền vô cùng ấn tượng: “Cụng ly không hệ lụy”.

Sơn cho biết bản thân là sinh viên ngành quản lý nhà nước và song ngành luật nên rất quan tâm đến vấn đề nhức nhối, được xã hội đặc biệt quan tâm là an toàn giao thông. Và khi nhìn thấy tên cuộc thi, Sơn nhớ lại những vụ tai nạn giao thông thương tâm do những người đã sử dụng rượu, bia gây ra mà mình từng chứng kiến. Đáng buồn hơn, những tai nạn đó lại khiến cho những người dân vô tội bị thương tật, thậm chí có người còn bị mất đi quyền được sống của mình.

“Do đó, mình muốn thiết kế một sản phẩm dự thi với tên gọi thật ấn tượng để góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về việc đã uống rượu, bia thì không được lái xe”, Sơn chia sẻ.

“Cụng ly không hệ lụy” là câu chủ đề, đồng thời cũng là tên của sản phẩm tuyên truyền. Sơn muốn thông qua câu nói ngắn gọn nhưng ấn tượng này, sẽ giúp mọi người đọc qua dễ ghi nhớ và luôn nhắc nhở bản thân rằng khi đã cụng ly thì phải ý thức có trách nhiệm tuân thủ luật an toàn giao thông, không lái xe, không được gây ra hệ lụy xấu cho bản thân và xã hội.

“Không chỉ là câu chủ đề ấn tượng, mình còn chọn nền sản phẩm chủ đạo là màu đỏ vì màu đỏ thường tượng trưng cho sự cảnh báo, gây chú ý. Hình đầu lâu thường được nghĩ đến là đại diện cho sự sinh tử, tính đe dọa, cái chết… nên việc thiết kế hình đầu lâu trên ly bia, ly rượu để mọi người nhìn vào và nhắc nhở bản thân việc sử dụng bia, rượu có thể dẫn đến những hệ lụy khôn lường”, Sơn lý giải về những nét đặc trưng trên áp phích.

Dưới ly bia, Sơn thiết kế một dàn xe từ trái qua phải là ô tô, xe đạp, xe gắn máy, xích lô để mọi người biết rằng đã sử dụng rượu, bia thì không chỉ không được điều khiển ô tô, xe gắn máy mà thậm chí điều khiển xe đạp, xe xích lô… cũng bị pháp luật nghiêm cấm. Đây là điều mà Sơn cho rằng nhiều người vẫn chưa nắm rõ.

“Trong thời gian tới, mình sẽ tiếp tục nghiên cứu, thiết kế những sản phẩm ấn tượng, liên quan những vấn đề thực tế hơn. Còn sản phẩm “Cụng ly không hệ lụy” mình nghĩ hiện nay đã rất hoàn thiện và có thể ứng dụng vào thực tế. Nên mình hy vọng sản phẩm được các cơ quan có thẩm quyền đưa vào sử dụng, tuyên truyền rộng khắp”, Sơn tâm huyết.

Rap về văn hóa giao thông

“Sáng sớm bước chân ra đường/thấy 3, 4 anh kiên cường nhấn ga lướt trên honda/phi qua bao con lươn, lượn quanh phố phường/Rồi mấy cô lấn làn cũng chẳng thấy xi nhan/Vậy mà cứ bang bang lướt qua không màng ngó xem ta có an toàn…”, những giai điệu mở đầu cho bài rap mà Nguyễn Đình Cao Trí Tín, sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, sáng tác và mang đến trình bày tại cuộc thi đã gây sự thích thú và ấn tượng cho nhiều người. Và bài rap này cũng xuất sắc giành được giải nhì tại cuộc thi.

Với năng khiếu về âm nhạc, Tín đã sáng tác nhạc rap để tuyên truyền về an toàn giao thông

Sinh ra trong gia đình có các thành viên đều yêu thích âm nhạc nên Tín cũng được truyền cảm hứng từ đó. Khi lớn lên, anh chàng tự mày mò học thêm trên mạng và từ bạn bè, đến năm lớp 10 Tín biết đàn hát và sau đó khoảng 2 năm thì bắt đầu tập tành sáng tác các bài nhạc, trong đó có cả nhạc rap.

“Trước khi tham gia sáng tác sản phẩm tuyên truyền an toàn giao thông thì mình đã có sáng tác vài bài hát nên khi nhận được thông tin cuộc thi, ngay lập tức mình có ngay ý tưởng là sáng tác nhạc rap để tuyên truyền. Vì hiện nay nhạc rap đang rất thịnh hành và phát triển đối với giới trẻ, nên khi sử dụng thể loại này để tuyên truyền về giao thông thì mình tin rằng sẽ dễ tiếp cận được nhiều đối tượng khác nhau, đặc biệt là giới trẻ”, Tín chia sẻ.

Mở đầu bài rap, Tín nêu ra những lỗi cơ bản mà người dân hay mắc phải khi tham gia giao thông như: vượt đèn đỏ, lấn làn, chạy quá tốc độ, uống rượu bia khi tham giao thông. Sau đó, Tín chỉ ra những hậu quả của việc vi phạm luật an toàn giao thông và cuối cùng là tuyên truyền mọi người phải tuân thủ luật lệ khi tham gia giao thông.

Sản phẩm rất sáng tạo

Nhìn nhận về sản phẩm tuyên truyền mà Sơn và Tín mang đến cuộc thi, chị Huỳnh Thị Như Lý, thành viên Ban giám khảo cuộc thi, đánh giá cao về tính sáng tạo của các bạn.

“Tôi khá ấn tượng vì các bạn rất sáng tạo. Ngoài tính sáng tạo thì các bạn là những người trẻ hiểu biết rất tốt về luật giao thông nên mới làm nên được những sản phẩm tuyên truyền hấp dẫn như vậy”, chị Lý nhìn nhận và cho biết đối với sản phẩm “Cụng ly không hệ lụy” thì không chỉ hình ảnh được thiết kế rất đặc biệt mà câu slogan (khẩu hiệu) cũng vô cùng ấn tượng.

“Nhìn vào poster là hiểu được liền và thấy sợ ngay nên người xem sẽ tự khắc nhắc nhở bản thân phải giảm ga, hạ tốc độ, không uống rượu bia khi lái xe… Tôi cũng thật sự ngỡ ngàng với bài rap. Bài nhạc này ngoài gây được sự chú ý còn để lại cho người nghe nhiều ấn tượng. Bài hát nào nghe qua có thể quên, nhưng bài rap này nghe rất dễ nhớ và sẽ nhớ rất lâu. Không chỉ với các bạn trẻ, mà cả tôi dù ở lứa tuổi ngoài 50, nhưng nghe bài rap vẫn thấy được sự đồng điệu cảm xúc, nên hiệu quả về mặt tuyên truyền sẽ là rất tốt”, chị Lý nhận định.

Cũng là những tuyên truyền về chấp hành luật giao thông nhưng qua lời ca mà Tín đưa vào trong bài rap đã trở nên sinh động, thú vị và ấn tượng hơn rất nhiều: “Này này anh gì ơi, chạy xe từ từ làm sao phải vội/Này này cô gì ơi, đèn vàng rồi mà còn vượt làm chi/Này này em gì ơi, đội vào cái nón bảo hiểm rồi hãy chạy đi… Hãy là người văn hóa khi tham gia giao thông/Những thức uống có cồn xin từ chối và nói không… Hãy đi đúng đường không việc gì phải vội bạn ơi/Chạy nhanh thắng gấp, nằm sấp như chơi/Vì đôi khi nhanh 1 giây là chậm 1 đời/Hãy là người văn hóa khi tham gia giao thông…”.

“Ở đây mình dùng những từ ngữ bình dị, đơn giản và một số câu bè hài hước nhằm thể hiện thực tế nhất của việc vi phạm luật giao thông hiện nay. Những câu bè hài hước này còn giúp người nghe cũng cảm thấy vui, dễ thương… từ đó giúp họ tiếp thu một cách thoải mái hơn từ giai điệu cho tới ý nghĩa mà bài hát gửi gắm”, chủ nhân của bài rap ấn tượng này chia sẻ và cho biết chính những câu chuyện mà bản thân gặp hằng ngày khi đi trên đường đã trở thành nguồn cảm hứng để Tín sáng tác bài rap tuyên truyền về văn hóa giao thông.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.