Ngày 29.10, Bộ trưởng Tư pháp Ả Rập Xê Út Sheikh Saud al-Mojeb Saudi đã đến Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) để phối hợp điều tra về cái chết của ông Khashoggi, theo Hãng thông tấn Anadolu. Nhà báo đối lập này mất tích từ hôm 2.10 sau khi vào lãnh sự quán và sau đó phía Ả Rập Xê Út thừa nhận ông đã thiệt mạng “trong lúc ẩu đả” với những người muốn đưa ông về nước. Chính quyền Riyadh đã bắt 18 nghi phạm nhưng từ chối dẫn độ sang Thổ Nhĩ Kỳ xét xử theo yêu cầu của phía Ankara. Đến nay, cũng chưa tìm được thi thể nạn nhân.
[VIDEO] Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ yêu cầu Ả Rập Xê Út điều tra minh bạch vụ sát hại nhà báo Khashoggi
Cùng ngày, tờ Express của Anh loan tin tình báo nước này đã biết trước về kế hoạch nhằm vào nhà báo xấu số ngay từ tháng 9. “Chúng tôi nắm được các cuộc trao đổi liên quan đến tổng cục tình báo của Ả Rập Xê Út (GID) vào tuần đầu tiên của tháng 9. Mệnh lệnh chủ chốt là bắt ông Khashoggi đưa về nước nhưng cũng để ngỏ cho “những cách xử lý khác”. Chúng tôi biết người ra lệnh là thành viên hoàng gia nhưng không có bằng chứng nào liên kết vụ việc với thái tử Mohammed bin Salman”, nguồn tin giấu tên từ Cơ quan Tình báo và an ninh Anh (GCHQ) nói với Express. “Vào ngày 1.10, chúng tôi biết về sự di chuyển của một nhóm người, bao gồm các thành viên GID đến Istanbul, và mục tiêu của họ quá rõ ràng”, theo nguồn tin, “thông qua các kênh liên lạc, chúng tôi cố cảnh báo các đồng nghiệp phía Ả Rập Xê Út” để hủy bỏ nhiệm vụ.
Ông ấy không đơn giản là một nhà báo đối lập bị sát hại vì chỉ trích chính quyền. Sự thật phức tạp hơn nhiều
Tom Wilson thuộc Viện Nghiên cứu Henry Jackson Society
Trước câu hỏi tại sao tình báo Anh không chia sẻ thông tin cho các đồng minh khác, đặc biệt là Mỹ vì ông Khashoggi sống ở nước này trong thời gian dài trước khi đến Thổ Nhĩ Kỳ, nguồn tin nói trên chỉ trả lời ngắn gọn: “Chúng tôi đã làm hết sức”. Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng phía London cũng không muốn dính líu sâu vào vụ việc vì ông Khashoggi là một nhân vật rất phức tạp. Theo tờ The New York Times, nhà báo này từng có quan hệ thân cận với Hoàng gia Ả Rập Xê Út và nắm nhiều thông tin nội bộ quan trọng nhưng đồng thời luôn phản đối các chính sách đối nội, đối ngoại của thái tử Mohammed, trong đó có can thiệp vào cuộc nội chiến ở Yemen. Vài tháng trước khi bị sát hại, ông Khashoggi đã “có cuộc trò chuyện thân thiện” với em trai ông Mohammed là hoàng tử Khalid bin Salman, thời điểm đó đang giữ vị trí Đại sứ Ả Rập Xê Út tại Mỹ, kênh NBC News dẫn nguồn giấu tên tiết lộ. Mới đây, tờ Le Figaro loan tin Hoàng gia Ả Rập Xê Út đang định chọn ông Khalid thay thế ông Mohammed. Vị hoàng tử này đã được triệu về nước sau vụ án ở Istanbul và đến nay vẫn chưa trở lại Mỹ.
“Từng rất thân cận với hoàng gia, Khashoggi có quan hệ mật thiết với các cựu lãnh đạo tình báo Ả Rập Xê Út và từng là bạn của Osama bin Laden. Ông ấy không đơn giản là một nhà báo đối lập bị sát hại vì chỉ trích chính quyền. Sự thật phức tạp hơn nhiều”, Express dẫn lời chuyên gia Tom Wilson thuộc Viện Nghiên cứu Henry Jackson Society ở London nhận định. Bên cạnh đó, một học giả Trung Đông giấu tên và là bạn thân của Khashoggi tiết lộ trước khi bị sát hại, nhà báo này có ý định tung ra bằng chứng cho thấy liên quân do Ả Rập Xê Út dẫn đầu đã “sử dụng vũ khí hóa học tại Yemen”, điều mà Riyadh luôn bác bỏ.
Bình luận (0)