Sáng 4.10, tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ 15 của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (Ủy ban) tổ chức thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả hoạt động và quản lý, sử dụng Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Quỹ) giai đoạn 2018 - 2019.
Kế hoạch hoạt động cần 7 thứ trưởng 7 bộ ký nên chậm
Đại diện cơ quan thẩm tra nêu ý kiến về báo cáo của Chính phủ, ông Bùi Sĩ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban, cho biết một trong những hạn chế của Quỹ là chưa khắc phục được tình trạng chậm phê duyệt kế hoạch hoạt động làm ảnh hưởng đến hoạt động những tháng đầu của kế hoạch. Tới 8.8, Hội đồng quản lý Quỹ mới ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch hoạt động giai đoạn 2019 - 2020.
Bên cạnh đó, theo ông Lợi, tỷ lệ giải ngân của Quỹ thấp, 6 tháng đầu năm chỉ đạt 20%. Trong đó, nhiệm vụ chi chủ yếu cho 2/9 nhiệm vụ của Quỹ là truyền thông và xây dựng mô hình điểm không khói thuốc lá.
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng "nghe báo cáo có những cái không chấp nhận được".
“Vì sao lại chậm phê duyệt kế hoạch, từ đầu năm mà đến tháng 8 mới phê duyệt được kế hoạch, cái này đâu phải chỉ năm này mà là từ năm 2014 đến bây giờ? Kế hoạch chậm thì ở các tỉnh, địa bàn làm sao người ta triển khai được? Đến bây giờ mới quyết toán được 20%, mà còn mấy tháng nữa thì làm sao làm hết được? Nói thật kiểu phê duyệt kế hoạch chậm, rồi đưa về cho các tỉnh thì không khéo lại có cái hợp lý hoá hồ sơ để thanh toán”, ông Phương nêu hàng loạt câu hỏi, và đề nghị Ban Quản lý Quỹ phải làm rõ nguyên nhân.
Giải trình về vấn đề này, thừa ủy quyền của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), giải thích trong Ban Quản lý Quỹ có Bộ trưởng Bộ Y tế là trưởng ban, 7 thứ trưởng các bộ liên quan là phó ban, nên muốn xây dựng kế hoạch thì 7 thứ trưởng phải ký.
“7 thứ trưởng ký thì tất cả các vụ, cục của bộ đó phải xem xét, kế hoạch sau khi 63 tỉnh trình lên”, ông Khuê nói và cho biết, kế hoạch liên quan tới kinh phí nên cũng làm rất chặt chẽ, không khác gì tiền thu chi ngân sách.
Tuy nhiên, theo ông Khuê, có tỉnh năm 2018 không giải ngân được do thay đổi thông tư của Bộ Tài chính nên trả lại tiền. "Họ nói, chúng tôi khó, chúng tôi không làm được cái này, giả lại tiền! Thế sau đó, chúng tôi phải báo cáo Bộ Tài chính, sửa đổi, tập huấn, vận động, tuyên truyền để các tỉnh làm”, ông Khuê phân trần.
|
Còn việc các khoản chi của Quỹ chủ yếu sử dụng cho công tác tuyên truyền, ông Khuê giải thích, tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng nhất, đầu tiên, vì nó góp phần thay đổi nhận thức, chỉ có điều hiệu quả của tuyên truyền thì chưa thấy, sờ được ngay, nên mong các đại biểu thông cảm.
"Quốc hội muốn bỏ thì bỏ thôi nhưng đây là vấn đề sức khỏe nhân dân"
Một vấn đề được đặt ra tại phiên họp là sự tồn tại của Quỹ, khi vừa qua đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ xây dựng lộ trình để bãi bỏ Quỹ.
Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban, cho rằng tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bà vẫn bảo vệ Quỹ, vì chỉ cách đây mấy năm, chính Quốc hội sau khi tranh luận đã quyết định có quỹ này, giờ phải đánh giá lại xem nó có cần thiết nữa không?
Theo bà Thúy Anh, Quỹ cũng có vấn đề vì chỉ có nguồn thu từ tiền đóng của doanh nghiệp, mà theo quy định còn 2 nguồn thu khác là nguồn tài trợ đóng góp từ thiện của cơ quan tổ chức cá nhân trong và ngoài nước, nguồn thu hợp pháp khác.
Giải trình về vấn đề này, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê với tư cách là Giám đốc Quỹ nói: "Chúng tôi tha thiết nếu được thì duy trì Quỹ, vì đây là vấn đề sức khỏe nhân dân, vấn đề cộng đồng chứ không phải của một cá nhân nào".
“Quốc hội mà bỏ thì bỏ thôi nhưng đây là sức khỏe nhân dân. Ngày xưa khi thông qua luật này, chị Mai (bà Trương Thị Mai, Trưởng ban Dân vận T.Ư, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội - phóng viên), nói là luật này không phải vì tiền mà là nhân văn, vì sức khỏe con người”, ông Khuê nói, và cho rằng luật Phòng, chống tác hại thuốc lá có được quỹ này là rất may mắn, cũng là công sức của các đại biểu Quốc hội.
“Chúng tôi cũng chia sẻ để thấy rằng chúng tôi cũng phải nỗ lực rất nhiều. Đây là vấn đề cộng đồng, rất khó. Cũng phải làm sao để tránh chuyện sử dụng kinh phí không hiệu quả. Bản thân anh em chúng tôi ở trong quy hoạch nọ kia, không bao giờ dám làm cái gì, làm việc cũng rất là sợ, lo lắng”, ông Khuê giãi bày, và khẳng định việc chi tiêu, lên kế hoạch của Quỹ là rất chặt chẽ, thậm chí còn quá thận trọng.
Bình luận