Đề nghị bãi bỏ ngay Quỹ bảo trì đường bộ, Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Lê Hiệp
Lê Hiệp
13/08/2019 16:46 GMT+7

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị bãi bỏ ngay hoặc có lộ trình bãi bỏ hàng loạt các quỹ tài chính như Quỹ bảo trì đường bộ, Quỹ phòng chống thiên tai, Quỹ bình ổn giá xăng dầu...

Chiều 13.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2018”.

Nhiều quỹ thu chi bất cập, không hợp lý

Trình bày báo cáo của đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải, Trưởng đoàn giám sát, đánh giá hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ khá phức tạp, chưa rõ ràng, chưa có một văn bản pháp luật để thống nhất quản lý các quỹ. Bên cạnh đó, hiện nay cũng chưa có các cơ quan cả ở trung ương và địa phương được giao nhiệm vụ thống nhất quản lý các quỹ này.
Ông Hải cũng cho hay, nguồn thu hình thành các quỹ tài chính còn nhiều bất cập, chưa đảm bảo hoạt động độc lập với ngân sách nhà nước khi chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, hoặc trùng với nguồn thu của ngân sách nhà nước, trong khi các nguồn thu khác không đáng kể; tỉ lệ thu so với kế hoạch đạt thấp ở một số quỹ như Quỹ bảo trì đường bộ, Quỹ phòng chống thiên tai...
Trong khi đó, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ các quỹ còn trùng lặp, hiệu quả chưa cao khi nhiều quỹ được thành lập có chức năng, nhiệm vụ (có thể toàn bộ hoặc một phần) trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách.
Một số quỹ trong quá trình thực hiện các chức năng nhiệm vụ không mang lại hiệu quả kỳ vọng, hoặc rất khó đánh giá hiệu quả một cách tích cực, không đạt được mục tiêu hoặc phải thay đổi mục tiêu, hoặc chỉ thực hiện được một số nhiệm vụ đặt ra theo quy định.
Một số quỹ có các nội dung chi thực hiện nhiệm vụ không hợp lý, quá chú trọng vào các mục chi cho hoạt động truyền thông, báo chí, quảng cáo chiếm tỷ lệ rất lớn, trong khi nhiệm vụ tuyên truyền thuộc chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên ngành của Chính phủ.
“Một số quỹ có các nội dung chi không đúng với bản chất quỹ; việc chia sẻ nguồn thu giữa các địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan ở một số quỹ chưa thực sự hợp lý, còn nhiều bất cập”, ông Hải cho hay, đồng thời chỉ rõ, một số quỹ chi phí quản lý lớn hơn so với nội dung chi hoạt động; có quá nhiều quỹ tại địa phương làm phát sinh chi phí quản lý và tổ chức biên chế...

Đề nghị bãi bỏ hàng loạt quỹ

Từ đánh giá nói trên, đoàn giám sát đề nghị Quốc hội nghiên cứu ban hành nghị quyết về tăng cường quản lý, sử dụng các quỹ; Chính phủ xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện việc rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ, thực hiện cơ cấu lại, sáp nhập, dừng hoạt động hoặc giải thể đối với các quỹ hoạt động không hiệu quả, không đúng mục tiêu đề ra hoặc không còn phù hợp với tình hình kinh tế xã hội, trùng lặp về mục tiêu, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ; không có khả năng độc lập về tài chính, trùng lặp nguồn thu, nhiệm vụ chi với ngân sách nhà nước.
Cụ thể, báo cáo của Đoàn giám sát đề nghị bãi bỏ ngay các Quỹ bảo trì đường bộ T.Ư và địa phương; Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp; Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS; Quỹ hỗ trợ các hoạt động ngoại giao phục vụ kinh tế và Quỹ hỗ trợ vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; Quỹ Phòng chống chống thiên tai.
Đoàn giám sát cũng đề nghị xây dựng lộ trình bãi bỏ các quỹ: Phòng chống tác hại thuốc lá; Bình ổn giá xăng dầu; Dịch vụ viễn thông công ích. Theo ông Hải, Đoàn giám sát đề nghị cần nghiên cứu, xác định rõ lộ trình hoặc bãi bỏ ngay Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để mặt hàng xăng, dầu cũng được quản lý giá như các mặt hàng khác theo luật Giá mà không cần quỹ bình ổn.
Còn đối với Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Đoàn giám sát đề nghị xác định lộ trình bỏ quỹ này và bỏ quy định về chế độ thu gắn với lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và chuyển các nhiệm vụ chi của quỹ thành nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, Đoàn giám sát cũng đề nghị sáp nhập đối với các quỹ trùng lặp về mục tiêu, nhiệm vụ, phương thức hoạt động, đối tượng phục vụ hoặc trùng lặp về đối tượng hoặc trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước và thực hiện cơ cấu lại hoạt động đối với một số quỹ như: Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam; Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng; Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia va Quỹ phát triển khoa học công nghệ quốc gia. 
Một số quỹ tài chính khác ở địa phương, như Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã; Quỹ hỗ trợ nông dân; Quỹ đầu tư phát triển; Quỹ hỗ trợ phát triển đất; Quỹ bảo lãnh tín dụng;… Đoàn giám sát đề nghị thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động các quỹ, xem xét, sáp nhập để giảm đầu mối quỹ, giảm chi phí quản lý, tập trung nguồn lực tài chính để hình thành các định chế tài chính mạnh ở địa phương, có bộ máy quản lý chuyên trách đủ năng lực, phát huy vai trò và hiệu quả của các quỹ.
Cân nhắc khi bãi bỏ các quỹ
Tại phiên giám sát, nhiều thành phiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần cân nhắc đối với đề nghị bãi bỏ ngay các quỹ tài chính ngoài ngân sách của Đoàn giám sát.
Theo ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ, những quỹ mà Đoàn giám sát đề nghị bãi bỏ đều là những quỹ có tên tuổi, đang có đóng góp cho xã hội do đó việc bãi bỏ ngay hay có lộ trình để bãi bỏ phải hết sức cân nhắc và thận trọng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, việc kiến nghị cụ thể bãi bỏ quỹ nào có thể sẽ gây rối loạn xã hội với những tác động chúng ta chưa lường hết được. Do đó, bà Ngân đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết, trong đó đánh giá về thực trạng các quỹ tài chính ngoài ngân sách, đồng thời đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá thật kỹ các quỹ tài chính hiện nay để xây dựng kế hoạch, lộ trình về việc sắp xếp, sáp nhập hay giải thể các quỹ nếu hoạt động không hiệu quả.
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.