Với tôi, một người làm báo nhiều năm, trong số những chính khách có dịp tiếp cận thì có lẽ ông là một trong những nhà lãnh đạo rất chân tình, không quan cách và tác phong giản dị lạ thường.
Rồi không hiểu sao, tức thì, tôi bốc máy gọi cho anh Nguyễn Công Khế, khi đó là Tổng biên tập báo Thanh Niên, "cầu cứu" thử xem "anh Hai Nghĩa" là ai mà nghe “có vẻ quen quen”. Có gì thì còn để lát nữa nếu gặp tôi còn biết mà nói chuyện. Anh Nguyễn Công Khế nghe tôi thắc mắc đã không nhịn được rồi cười phá lên khiến tôi phát ngượng. Anh nói: "Hai Nghĩa là anh Trương Vĩnh Trọng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương đó. Ủa, cậu không biết thật à ? Ảnh vừa ra Trung ương nhận công tác mới mấy bữa nay mà!"
Rồi cũng từ bữa đó, báo Thanh Niên chúng tôi có điều kiện được gần gũi ông nhiều hơn. Ông chính là người thay mặt Ban Nội chính Trung ương chỉ đạo trực tiếp vụ điều tra băng nhóm xã hội đen Năm Cam ở TP Hồ Chí Mình khi vụ việc ngày càng trở nên phức tạp bởi dính dáng tới nhiều quan chức cao cấp, có những người đang là Uỷ viên Trung ương Đảng nên cần phải xử lý thận trọng. Đây có thể xem như một vụ án điển hình và nổi cộm thời điểm đó. Trong chiến dịch đánh án đó, ông luôn tỏ rõ là một lãnh đạo có bản lĩnh, tận tâm và mạnh mẽ trong chỉ đạo, không dung tha tội ác và cái xấu đang có nguy cơ len lỏi vào bộ máy công quyền của chúng ta.
Cho tới khi vụ án Năm Cam khi và đồng bọn bị lôi ra ánh sáng rồi kết thúc thắng lợi, báo Thanh Niên chúng tôi có tập hợp các bài viết về vụ án trên thành một cuốn sách gần 700 trang với tựa đề "Phá đường dây tội ác lớn nhất Việt Nam”, tôi có đến thăm ông và tặng ông cuốn sách. Ông Hai Nghĩa tươi cười nhìn qua cuốn sách rồi nói vói tôi rất tình cảm: "Mày tặng sách anh thì phải ghi mấy dòng vào để còn lưu giữ kỷ niệm giữa chúng ta chứ?" Tôi thưa với ông rằng, đó không phải là sách của cá nhân tôi viết mà là tập hợp hàng trăm các bài viết của một số tác giả vì vậy tôi không dám đề tặng. Ông nói: "Không sao, thành công của vụ án này có nhiều lực lượng tham gia, báo Thanh Niên cũng có công lớn trong đó. Quốc Phong là người trong trong Ban biên tập, thay mặt báo ký cũng được chứ sao!" Rồi ông đã tự rút nắp bút đưa cho tôi, xem như đương nhiên tôi phải viết mấy chữ tặng ông. Lúng túng giây lát, tôi quyết định viết lời tặng vào cuốn sách, đại thể tôi viết rằng, trong chiến công chung này, nhờ có sự chỉ đạo của Anh mà dẫn tới thành công và báo Thanh Niên xin bày tỏ sự biết ơn tới người Anh đáng kính đã vì sự bình yên của đất nước...
Ông tỏ ra rất vui, nở nụ cười đôn hậu và đi ra phía chiếc tủ lấy chai rượu vang rót ra như muốn để hai chúng tôi cùng chia vui trước thắng lợi đó.
Sau thời gian đó, thì thoảng ông cũng hay nhắn tin cho tôi và hẹn tôi lên uống rượu để hỏi chuyện. Không có gì cao sang, nhiều lần chỉ là mấy thứ đồ khô quen thuộc của Nam Bộ nhưng không hiểu sao tôi thấy ấm áp lạ thường mỗi dịp như thế.
Từ ngày ông giữ trọng trách Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương cho tới khi là Uỷ viên Bộ Chính trị và là Phó Thủ tướng, cứ khoảng mùng 4, mùng 5 Tết, tôi lại cảm động khi nhận được lời chúc Tết của ông trực tiếp qua điện thoại trực tiếp, tuy ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa: "Chúc nhà báo "đâm mấy thằng gian bút chẳng tà !" (ông mượn ý thơ của cụ Nguyễn Đình Chiểu-TG). Thật là tình cảm nhưng cũng thật ý nghĩa ! Nó như tiếp thêm nguồn sinh lực mới cho anh em làm báo chúng tôi vượt qua thử thách...
Tôi luôn nhớ mãi hình ảnh ông với dáng ngồi giản dị, chân khoanh tròn trên ghế gỗ gụ trong phòng khách hồi ông còn ở nhà công vụ phố Chùa Một Cột cũng như trước đó, ở Khu công vụ phố Đội Cấn, Hà Nội...
Anh Trương Vĩnh Trọng, xin phép được mãi gọi Anh là Hai Nghĩa như ngày nào !
Bình luận (0)