Cô Nicolette Baker sống ở thành phố Truro, hạt Cornwall (Anh). Ngay từ khi sinh ra, cô đã mắc hội chứng động mạch mạc treo tràng trên (SMAS). Tuy nhiên, ban đầu, các bác sĩ lại chẩn đoán đó là chứng chán ăn tâm thần nghiên trọng và kéo dài suốt đời, theo nhật báo The Daily Mirror (Anh).
Hội chứng động mạch mạc treo tràng trên gây ra những bất thường trong hệ thống mạch máu ổ bụng, khiến cô Nicolette Baker không thể ăn hay uống và chỉ nặng có 20 kg |
SHUTTERSTOCK |
Ở người mắc SMAS, hệ thống mạch máu trong ổ bụng họ phát triển bất thường, dẫn đến chèn ép các mạch máu trong ruột. Với trường hợp của cô Baker, vị trí mạch máu bị chèn ép là trong ruột non. Tình trạng này khiến cô bị đau bụng dữ dội khi ăn và uống.
Thức ăn và chất lỏng khi vào ruột người mắc SMAS sẽ bị ứ đọng, khiến dạ dày căng quá mức, gây nôn mửa. Cơn đau bắt đầu từ bụng sau đó lan ra lưng. Thức ăn trong dạ dày không thể tiêu hóa được nên bị thối rữa và gây nhiễm trùng.
Căn bệnh này khiến cô không thể ăn hay uống gì. Nói cách khác, nó có thể khiến cô chết đói theo đúng nghĩa đen. Khoảng 1/3 người mắc hội chứng động mạch mạc treo tràng trên chết vì suy dinh dưỡng.
“Mọi người có thể tượng tượng rằng ruột non bình thường sẽ có kích thước tương tự như một chiếc ống nước trong vườn. Nhưng với một người bị SMAS như tôi, ruột non lại hẹp chỉ bằng một chiếc ống hút bị chèn ép. Do đó, thức ăn và ngay cả chất lỏng cũng không thể đi qua mà không gây đau dữ dội. Qua thời gian, bệnh khiến tôi bị suy dinh dưỡng và mất nước nghiêm trọng”, cô Baker nói.
Hội chứng động mạch mạc treo tràng trên là căn bệnh cực kỳ hiếm gặp. Tỷ lệ mắc chỉ là 0,013%. Do đó, các bác sĩ ở Anh không biết nhiều về căn bệnh này.
Sau nhiều năm cố gắng điều tại các bệnh viện Anh nhưng tình trạng của cô vẫn không cải thiện. Cô Baker dự tính sẽ đến Đức vào tháng 2.2022 để được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật mới.
“Tôi không biết mình có qua khỏi ca phẫu thuật này hay không nhưng tôi đang cố gắng sống từng ngày. Mong ước mình có thể khỏe hơn đang mang lại cho tôi hy vọng sống”, cô Baker cho biết.
Ca phẫu thuật ở Đức có chi phí lên đến 50.000 bảng Anh (khoảng 1,5 tỉ đồng). Ngoài ra, cô Baker còn phải trả thêm các chi phí như chỗ ở, vé máy bay, bảo hiểm, xét nghiệm Covid-19 và nhiều chi phí khác.
Hiện tại, cô Baker đã lập một tài khoản trên trang gây quỹ cộng đồng Go Fund Me để giúp trang trải chi phí điều trị và đi lại, theo The Daily Mirror.
Bình luận (0)