Áp dụng xét nghiệm nhanh để sàng lọc

02/06/2021 06:21 GMT+7

Đề nghị này được Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đưa ra nhằm rà soát các nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng một cách nhanh chóng nhất.

“Thà bắt nhầm còn hơn bỏ sót”

Trong buổi cùng Đoàn công tác Chính phủ làm việc với TP.HCM sáng 1.6, Bộ trưởng Y tế đánh giá cao kinh nghiệm phòng, chống dịch của TP.HCM khi đã đưa ra quyết định đúng đắn, kịp thời giãn cách xã hội sau khi đúc kết từ các đợt bùng phát trước đó.
“Dấu hiệu của các bệnh nhân ban đầu khá mờ nhạt. Do đó, TP.HCM cần tăng tốc, mở rộng hơn nữa chứ không thể chờ toàn bộ vào xét nghiệm RT-PCR được. Tôi đề nghị toàn bộ người có biểu hiện sốt, ho, khó thở phải được xét nghiệm. Đơn vị nào vi phạm thì xử lý nghiêm. Với cơ sở phòng khám, y tế tư nhân, nhà thuốc... cần phối hợp xác định người có biểu hiện sốt, khó thở... và xét nghiệm với kháng nguyên (test nhanh). Đề nghị TP.HCM áp dụng triển khai thí điểm biện pháp này”, ông Long nhấn mạnh.
Lý giải về đề xuất này, Bộ trưởng Y tế cho rằng dù TP.HCM có công suất xét nghiệm cao, nhưng không thể xét nghiệm được cho hàng triệu người cùng lúc. Do đó, cần ưu tiên khu vực nguy cơ cao, người có nguy cơ mới sử dụng phương pháp RT-PCR. “Thành phố nặng về xét nghiệm RT-PCR quá, trong khi test kháng nguyên nhanh có thể được áp dụng để sàng lọc, rà soát nguy cơ ngẫu nhiên. Dĩ nhiên, độ chính xác tuyệt đối là chưa thể nhưng thà bắt nhầm còn hơn bỏ sót”, Bộ trưởng lý giải thêm.

TP.HCM lấy gần 200 ngàn mẫu xét nghiệm Covid-19, số ca nhiễm dự báo tiếp tục tăng

Dập tắt ngay ổ dịch lớn

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng TP.HCM chủ trương xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng là cần thiết, nhưng cũng phải trọng tâm, trọng điểm để sàng lọc. Bên cạnh đó, TP.HCM cần phòng chống dịch trên tinh thần phân cấp mạnh mẽ, trong đó cấp TP chỉ đạo; đồng thời thực hiện nghiêm túc quan điểm, chỉ đạo, các phương châm, nhiệm vụ trọng tâm về phòng chống dịch; không đối phó; kiên quyết chủ động, phòng ngừa công tác phòng chống dịch; ngăn chặn kiểm soát, không để dịch bệnh lây lan, dập tắt ngay ổ dịch lớn trong thời gian 1 - 2 tuần.
Việc TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, theo Phó thủ tướng, đây là quyết định rất đau, sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế - xã hội, nhưng kịp thời nhằm giải quyết quyết liệt, ngăn chặn dịch bệnh. Phó thủ tướng lưu ý sắp tới sẽ còn xuất hiện nhiều ca bệnh, nên nếu TP.HCM không quyết liệt, truy vết tới cùng thì nguy cơ lây lan càng rộng và không thể kiểm soát được. “Thắng hay không thắng là do kiểm soát được hay không”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Ca tử vong thứ 48 liên quan Covid-19 tại Việt Nam: Cụ ông 76 tuổi ở Lạng Sơn

Đề nghị tạm đình chỉ hoạt động Điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng

Liên quan đến Điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng làm lây lan dịch bệnh, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng khẳng định địa chỉ 415/8/4 Nguyễn Văn Công là điểm nhóm hoạt động chứ không phải hội thánh. Điểm nhóm này mới chỉ ký hoạt động cấp phường xã, chưa được công nhận là một tổ chức tôn giáo. Người đứng đầu điểm nhóm không phải là mục sư, vì mục sư là chức sắc tôn giáo, còn ở đây là được tín đồ tôn xưng đứng đầu nhóm. Điểm nhóm này hoạt động hợp pháp, tuân thủ luật pháp, tích cực tham gia phong trào địa phương. Tuy nhiên, do tính chất hoạt động, di chuyển làm dịch xảy ra là do chủ quan của người đứng đầu điểm nhóm và gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Về xử lý, ngoài khởi tố vụ án để điều tra, đại diện Bộ Nội vụ đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo UBND P.3, Q.Gò Vấp thông báo tạm đình chỉ hoạt động tôn giáo tại địa chỉ ở hẻm 415/8/4 Nguyễn Văn Công, Q.Gò Vấp để phục vụ công tác điều tra. Tùy kết quả điều tra vụ án mà đề xuất xử lý, có thể rút giấy phép hoạt động, xóa tên điểm nhóm này…

Bộ Nội vụ: "Truyền giáo Phục Hưng không phải Hội thánh, người đứng đầu không phải mục sư"

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.