Áp lực của người trẻ

21/12/2018 07:14 GMT+7

Giới trẻ ngày nay đối diện với nhiều áp lực hơn. Thế nhưng không phải ai cũng biết cách để ứng phó với vấn đề này.

So sánh “con nhà người ta”

Một trong những điều mà giới học sinh (HS) ám ảnh nhất, đó là tâm lý hay so sánh với bạn bè cùng trang lứa của phụ huynh. Những câu nói “tại sao con người ta học giỏi còn con mình học tệ thế”, “sao cùng tuổi mà con người ta làm nở mặt nở mày bố mẹ”... khiến không ít HS mệt mỏi và căng thẳng.
Trần Anh Bình, HS Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Q.Tân Bình, TP.HCM), cho biết bố mẹ có thói quen so sánh với “con nhà người ta”. Chỉ cần nghe thấy bạn bè có thành tích học tốt hơn, đạt giải thưởng trong các cuộc thi... là so sánh và sau đó chê bai, la mắng. “Mỗi lúc như vậy, mình rất chán nản và cảm thấy vô cùng áp lực”, Bình tâm sự.
Nhưng có lẽ, điều áp lực nhất với HS, là những kỳ thi. Nếu các HS lớp 10, 11 cảm thấy mệt mỏi bởi việc học, với những kỳ thi học kỳ thì HS cuối cấp càng lo lắng hơn gấp nhiều lần.
“Nửa năm nay em ngủ mỗi đêm chỉ được 2 - 3 giờ đồng hồ, còn lại dành hết thời gian cho việc học, ôn bài. Áp lực thi cử khiến em mệt mỏi vô cùng. Suốt ngày chỉ có học và học. Học trên trường, học thêm, ôn luyện để thi thử... nên em không có thời gian nghỉ ngơi, thậm chí chẳng có những bữa cơm gia đình. Em đang rất lo cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới”, Nguyễn Minh Ánh, HS Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Đồng Nai), chia sẻ.
Đấy là chưa kể việc chọn nghề, chọn trường của một số HS cũng không được toàn quyền quyết định mà bị phụ huynh chi phối. HS băn khoăn, không biết phải như thế nào. Họ cảm thấy khó khăn khi phân vân nên chọn theo sở thích của bản thân hay nghe theo “lệnh” của bố mẹ.

Nửa năm nay em ngủ mỗi đêm chỉ được 2 - 3 giờ đồng hồ, còn lại dành hết thời gian cho việc học, ôn bài. Áp lực thi cử khiến em mệt mỏi vô cùng

Nguyễn Minh Ánh, HS Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Đồng Nai)

Có cả trường hợp HS cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng vì hoàn cảnh gia đình, kinh tế gia đình không được đủ đầy khá giả như người khác. Mới đây, tiến sĩ Thái Thanh Trúc (giảng viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM) cùng các đồng nghiệp thực hiện nghiên cứu đối với HS THPT ở TP.HCM và cho ra kết quả: HS gia đình kinh tế mức nghèo bị stress cao hơn 1,5 lần học sinh nhà khá giả. “HS thường hay so sánh hoàn cảnh kinh tế của mình và gia đình trong môi trường xã hội, môi trường học tập nên nếu thấy sự “thua sút” của mình sẽ có thể dẫn đến stress", ông Trúc cho hay.

Việc làm sau khi ra trường

Khác HS, sinh viên (SV) đối diện với nhiều áp lực khác.
Cao Phan Ngân, SV Trường ĐH Lao động xã hội TP.HCM, chia sẻ: “Hình như suốt cả 4 năm học thì đều bị áp lực bủa vây. Năm nhất là nỗi lo thích nghi với môi trường sống mới, cũng như làm thế nào để học đại học hiệu quả. Những năm sau đó phải cố gắng để học thật tốt, không bị nợ môn, chạy đua với thời gian để làm khóa luận, làm đồ án... Còn năm cuối cùng áp lực thi tốt nghiệp, tìm việc làm...”.
Không ít SV còn lo cơm áo gạo tiền khi ngồi trên ghế giảng đường. Có những hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải tự bươn chải kiếm sống, làm thêm kiếm tiền để đóng học phí đỡ đần bố mẹ ở quê. Cũng theo nhiều SV, “áp lực càng thêm áp lực”, khi mà họ sống xa nhà, một mình đối diện với mọi khó khăn.
Tìm một điểm tựa để chia sẻ
Theo thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, khi gặp khó khăn, điều bạn trẻ cần làm trước tiên là tìm cho mình một điểm tựa, như gia đình, người thân, bạn bè, thậm chí là người mình tin tưởng... để sẻ chia.
Cùng quan điểm, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy, Giám đốc Công ty Chẩn đoán và phát triển tinh thần Khơi Nguồn (TP.HCM), khuyên khi thấy mệt mỏi, hãy tìm đến ai đó hoặc cái gì đó trút ra hết đi. Rồi bình tâm lại, tâm tĩnh thì trí sáng và sẽ thấy "ánh sáng cuối đường hầm".

Nỗi lo sự nghiệp, gia đình...

Khi đã ra trường, kiếm được việc làm, người trẻ lại phải đối diện với vô số áp lực khác.
Huỳnh Bích Thủy, làm công việc PR một nhãn hiệu điện thoại, cho biết: “Mình đối diện với sự căng thẳng trong công việc hằng ngày, hằng giờ. Phải xử lý công việc thế nào cho hiệu quả, phải suy nghĩ để cho ra ý tưởng mới, phải giải quyết những mâu thuẫn với đồng nghiệp... Tất cả điều đó khiến mình không có thời gian chăm chút cho bản thân”.
Ca sĩ Hương Tràm chia sẻ dù đã và đang có được những thành công trong sự nghiệp âm nhạc, nhưng cũng phải đối diện với nhiều áp lực. Chính điều đó đã khiến Hương Tràm có những lúc không kiểm soát được bản thân, có những hành động tự hủy hoại cơ thể, và mong muốn tìm đến chuyên gia tâm lý để có được những lời khuyên giúp cân bằng được cuộc sống.
Nhiều người trẻ tâm sự họ luôn phải cố gắng hết mình cho công việc để khẳng định năng lực bản thân, cũng như tìm kiếm cơ hội làm bước đệm cho cuộc sống. Nhưng chính điều đó làm cuộc sống của họ ngày càng nặng nề.
Cố gắng làm việc, dành nhiều thời gian cho công việc, để rồi quên chuyện yêu đương. Từ đó người trẻ lại đối diện với áp lực khác, những dò hỏi, thúc bách từ gia đình: “Đã có người yêu chưa, cùng tuổi con là ở quê lấy vợ lấy chồng cả rồi”, “Bao giờ thì chị cho tôi có cháu bồng?”...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.