Riêng tại TP.Vinh, năm nay có 6.218 học sinh (HS) lớp 9 thi lên lớp 10, nhưng các trường công lập trên địa bàn chỉ đáp ứng được 2.500 chỉ tiêu. Vào trường công lập ở địa phương này đã trở thành cuộc chạy đua khốc liệt không chỉ HS mà cả phụ huynh trong những năm qua vì số trường THPT công lập quá ít trong khi HS tăng nhanh hằng năm.
Để con em mình có cơ hội học công lập, nhiều phụ huynh ở TP.Vinh đã phải dùng phương án gửi con em đến các huyện, thậm chí cả huyện miền núi cách xa cả trăm km để thi vào lớp 10. Điều rất nghịch lý là dân số TP.Vinh tăng nhanh trong những năm qua, nhưng số lượng trường THPT vẫn đóng đinh ở con số 3. Trường THPT Lê Viết Thuật ra đời năm 1976, là trường công lập thứ 3 của thành phố này và từ đó đến nay, đã 48 năm trôi qua, TP.Vinh chưa mở thêm một trường THPT công lập nào.
Quyết định số 522 ngày 14.5.2018 của Thủ tướng phê duyệt đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025, mục tiêu mỗi năm phân luồng 30% HS sau tốt nghiệp THCS theo học trường nghề, 70% vào khối THPT. Tuy nhiên, tỷ lệ HS rớt THPT ở TP.Vinh năm nay đã vượt 50%.
Chia sẻ với người viết, một lãnh đạo TP.Vinh cho biết mở thêm trường công lập là rất cần thiết, đáp ứng nhu cầu học tập của HS, tuy nhiên, thẩm quyền mở trường là của tỉnh. Trong khi đó, người đứng đầu ngành giáo dục Nghệ An cho biết việc mở thêm trường THPT ở TP.Vinh không thể thực hiện do quy định của Trung ương về tinh gọn bộ máy, biên chế và giảm đơn vị sự nghiệp công lập.
Nhiều trường nghề, cao đẳng đang bỏ không vì không có HS, trong khi HS quá chật vật để lách khe cửa hẹp vào công lập. Cuộc thi vào công lập THPT khó hơn thi đại học, tạo ra nút thắt cổ chai ở bậc chuyển tiếp THCS và THPT. Và nếu không tháo gỡ, HS và phụ huynh sẽ phải tiếp tục gánh chịu áp lực không đáng có này.
Bình luận (0)