Trong khoảng 3 tuần qua, trên website của Apple liên tục cập nhật và đăng tuyển 12 vị trí nhân sự quản trị trung cấp, tập trung quản lý chuỗi cung ứng và kiểm tra kỹ thuật. Trong đó, tuyển 3 vị trí tại TP.HCM và 9 vị trí tại Hà Nội. Cụ thể, tại Hà Nội, tuyển dụng các vị trí như giám đốc điều hành với yêu cầu “điều hành nhóm lãnh đạo” tại Việt Nam trực tiếp lẫn gián tiếp. Tại TP.HCM, hãng tuyển vị trí giám đốc bán lẻ...
Cửa hàng bán lẻ là bước đầu tiên
Thực tế, câu chuyện Apple chuyển nhà máy sản xuất tai nghe không dây AirPods từ Trung Quốc sang Việt Nam đã được tiết lộ từ tháng 7.2019, nhằm tránh lệ thuộc vào một thị trường. Thông tin này lại được xác tín lần nữa khi thương chiến Trung - Mỹ leo thang vào cuối năm qua. Trong đại dịch Covid-19, không chỉ Apple mà nhiều tập đoàn lớn bị gãy chuỗi sản xuất khi Trung Quốc tạm ngưng sản xuất để tập trung phòng chống dịch bệnh. Vì vậy, Covid-19 có thể coi là “cú hích” mạnh khiến các hãng công nghệ lớn rời Trung Quốc nhanh hơn.
Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có Apple Store, nhưng Công ty TNHH Apple Việt Nam được thành lập từ tháng 10.2015 và bắt đầu hoạt động từ tháng 2.2016. Liên lạc qua điện thoại với văn phòng tại TP.HCM, người ở công ty cho biết họ không có trách nhiệm chia sẻ thông tin hay cung cấp, xác nhận bất cứ điều gì liên quan đến Apple vào Việt Nam.
Chuyên gia tư vấn chiến lược Đỗ Hòa, Giám đốc Công ty Tinh Hoa Quản Trị, nhận định: “Về đầu tư, thông tin từ cuối năm ngoái cho thấy, Apple đã thông qua đối tác là Foxxcon (Đài Loan) đầu tư nhà máy lắp ráp tại Ấn Độ. Ngoài đầu tư này, hiện cả Foxxcon và Pegatron chuyên lắp ráp cho Apple đều có nhà máy lớn tại Trung Quốc, chiếm 30% đơn hàng của hãng. Như vậy, nếu muốn giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc, hãng này chắc chắn phải xây tiếp nhà máy khác, không mở rộng ở Trung Quốc nữa. Sau Ấn Độ, cộng thêm động thái này của Apple, có thể hy vọng có một nhà máy của Apple tại Việt Nam, chỉ sản xuất một số bộ phận nào đó trong sản phẩm, bổ sung cho dây chuyền lắp ráp đã được xây dựng tại Trung Quốc và Ấn Độ. Câu chuyện đầu tư sâu, nếu có, cũng của thì tương lai, chưa thể trong năm nay được”.
Nên ràng buộc tuyển nhân sự cao cấp người Việt
Liên quan việc tuyển dụng nhân sự cấp cao của Apple, ông Robert Trần lưu ý Việt Nam nên điều chỉnh luật đầu tư giống Singapore. Đó là bắt buộc các tập đoàn đầu tư vào Việt Nam phải sử dụng vị trí quản lý cao nhất tổng giám đốc (CEO) là người Việt hoặc ít nhất là Việt kiều. Singapore coi đây là điều khoản bắt buộc với các tập đoàn lớn đầu tư nước ngoài.
Chính sách bắt buộc phải sử dụng CEO là người Singapore đã giúp nhân sự của quốc đảo này phải luôn nỗ lực không ngừng để vươn lên, vô hình trung thúc đẩy họ phát triển nhanh hơn, sớm có nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đồng quan điểm, TS Trương Ngọc Châu, Khoa Công nghệ thông tin (Đại học Bách khoa Đà Nẵng), nhận xét sinh viên ngành công nghệ thông tin được đào tạo tại các trường đại học uy tín như Bách khoa TP.HCM, Bách khoa Đà Nẵng, Bách khoa Hà Nội... đều có đủ kiến thức chuyên ngành tốt để làm việc cho các tập đoàn công nghệ lớn như Apple, Intel...
Bình luận (0)