Aptis, chứng chỉ ngoại ngữ đầu tiên của Hội đồng Anh, được Bộ GD-ĐT cấp phép lại

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
11/11/2022 11:48 GMT+7

Một ngày sau khi thông báo hoãn thi chứng chỉ IELTS, Aptis để thực hiện theo Thông tư 11 của Bộ GD-ĐT, Hội đồng Anh đã được Bộ GD-ĐT cấp phép chứng chỉ ngoại ngữ Aptis, hoàn thiện nốt các thủ tục để cấp phép chương trình IELTS.

Ngày 11.11. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành Quyết định số 3646/QĐ-BGDDT về việc phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh Aptis giữa Công ty TNHH British Council (Việt Nam), Công ty TNHH Thương mại và Phát triển Giáo dục Việt Nam, Công ty Cổ phần Truyền thông giáo dục và thời đại, Công ty TNHH ETE Việt Nam, Công ty TNHH Công nghệ và Phát triển giáo dục thời đại và Hội đồng Anh (Vương quốc Anh).

Quảng cáo luyện thi Aptis "học giả" chứng chỉ thật trên mạng

n.l

Như vậy, Aptis là chứng chỉ đầu tiên của Hội đồng Anh đã được cấp phép liên kết tổ chức thi sau khi thực hiện Thông tư 11. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang đốc thúc phía Hội đồng Anh hoàn thiện nốt các thủ tục để cấp phép chương trình IELTS. Đồng thời, việc cấp phép cho các chứng chỉ khác cũng đang khẩn trương thực hiện.

Như Báo Thanh Niên đã thông tin, vào tối 9.11, Hội đồng Anh đã đột ngột thông báo hủy thi chứng chỉ IELTS và Aptis. Đến chiều ngày 10.11, tổ chức IDP Education Việt Nam cho biết đơn vị này "lấy làm tiếc phải thông báo rằng các kỳ thi IELTS sẽ tạm hoãn cho đến khi có thông báo mới".

Current Time0:00
/
Duration0:00

0:00
Bao giờ học viên được thi IELTS trở lại?

Động thái này được cho là nhằm hoàn tất hồ sơ theo quy định ở Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài.

Liên quan đến việc một số đơn vị thông báo dừng tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài, trong đó có IELTS đang gây xôn xao dư luận, chiều 10.11, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: “Thời gian qua, hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ nói chung, chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nói riêng của nước ngoài có xu hướng phát triển cả về quy mô, hình thức, ngôn ngữ. Hoạt động này đáp ứng nhu cầu của người dự thi lấy chứng chỉ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức tuyển dụng xác định được năng lực ngoại ngữ của người lao động. Bên cạnh những mặt tích cực, việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam cũng còn nhiều vấn đề bất cập. Cụ thể, hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam thời gian qua được triển khai tràn lan với rất nhiều loại chứng chỉ, nhiều ngôn ngữ khác nhau mà không được kiểm soát về chất lượng”.

Triển khai thực hiện Nghị định số 86/2018/NĐ-CP và Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT, Bộ GD-ĐT đang tiếp nhận hồ sơ đề nghị phê duyệt đề án liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Hữu Độ thông tin: Để được tổ chức liên kết thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, các bên liên kết cần làm hồ sơ đề nghị Bộ GD-ĐT phê duyệt theo quy định của Nghị định số 86/2018/NĐ-CP và Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT. Thứ trưởng Độ cũng cam kết: “Nếu hồ sơ đảm bảo các yêu cầu, Bộ GD-ĐT sẽ xử lý nhanh nhất để bảo đảm đúng quy định hiện hành (thời gian thẩm định và phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 86/2018 là 20 ngày). Sau khi phê duyệt, Bộ GD-ĐT sẽ đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử tại địa chỉ http://moet.gov.vn để người dân biết, lựa chọn đúng cơ sở dự thi lấy chứng chỉ và để xã hội cùng tham gia giám sát”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.