ASEAN mời đại diện phi chính trị của Myanmar dự hội nghị ngoại trưởng

Khánh An
Khánh An
03/02/2022 11:09 GMT+7

Nước chủ tịch luân phiên của ASEAN là Campuchia cho hay khối này sẽ mời đại diện phi chính trị của Myanmar dự hội nghị ngoại trưởng từ ngày 16-17.2.

Cờ của ASEAN và các nước tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta, Indonesia

reuters

Hãng Reuters ngày 3.2 đưa tin Bộ Ngoại giao Campuchia thông báo rằng một đại diện phi chính trị của Myanmar sẽ được mời dự hội nghị ngoại trưởng ASEAN trong tháng này, thay vì ngoại trưởng do chính quyền quân sự bổ nhiệm.

Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Campuchia Chum Sounry, các thành viên ASEAN chưa đạt đồng thuận về việc mời Ngoại trưởng Myanmar do thiếu tiến triển trong kế hoạch hòa bình của khối đối với thành viên Myanmar.

Campuchia hiện là chủ tịch luân phiên của ASEAN và dự kiến sẽ tổ chức hội nghị ngoại trưởng vào ngày 16 và 17.2.

“Trong khi đó, chúng tôi khuyến khích Myanmar cử đại diện dự họp bởi một cấp độ phi chính trị, thay vì để ghế trống”, Ngoại trưởng Chum Sounry phát biểu và cho biết Myanmar sẽ tự quyết định người đại diện.

Quân đội Myanmar kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 6 tháng

Trước đó vào ngày 2.2, Campuchia ra thông cáo bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về diễn biến ở Myanmar, bao gồm thông tin về bạo lực tiếp diễn và tình hình nhân đạo xuống cấp.

“Các nước ASEAN nhấn mạnh về sự khẩn cấp của việc lập tức dừng bạo lực và tất cả các bên kiềm chế tối đa”, theo tờ Khmer Times dẫn thông cáo.

Bên cạnh đó, thông cáo kêu gọi Myanmar áp dụng hiệu quả và toàn diện Đồng thuận 5 điểm đạt được tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào ngày 24.4.2021. Đồng thuận 5 điểm gồm chấm dứt bạo lực tại Myanmar, thúc đẩy đối thoại, phân phối viện trợ, bổ nhiệm đặc phái viên và cử phái đoàn do đặc phái viên này dẫn đầu đến Myanmar để gặp “tất cả các bên liên quan”.

Trong một diễn biến liên quan, hãng AFP đưa tin Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 2.2 kêu gọi “lập tức dừng mọi hình thức bạo lực” tại Myanmar, đồng thời bày tỏ hy vọng một đặc phái viên sẽ được phép đến nước này làm trung gian giải quyết khủng hoảng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.