Tòa án Myanmar truy tố bà Suu Kyi thêm 5 tội danh

Khánh An
Khánh An
15/01/2022 20:22 GMT+7

Bà Aung San Suu Kyi, Cố vấn Nhà nước của chính phủ dân sự Myanmar trước chính biến, tiếp tục bị truy tố về các tội danh tham nhũng.

Bà Suu Kyi tiếp tục bị truy tố thêm các tội danh mới

AFP

Tòa án thuộc chính quyền quân sự Myanmar vừa truy tố bà Aung San Suu Kyi, Cố vấn Nhà nước của chính phủ dân sự Myanmar trước chính biến, với 5 cáo buộc về tham nhũng, liên quan việc thuê và mua một trực thăng, theo AFP ngày 15.1 dẫn các nguồn tin.

Bà Suu Kyi (77 tuổi) bị bắt ngày 1.2.2021 khi quân đội tiến hành chính biến để nắm quyền, dẫn đến làn sóng biểu tình và bạo lực khiến nhiều người thiệt mạng.

Cũng theo các nguồn tin, cựu Tổng thống Myanmar U Win Myint cũng bị truy tố liên quan việc thuê, mua và bảo trì trực thăng. Tháng trước, tờ Global New Light of Myanmar đưa tin ông Win Myint và bà Suu Kyi sẽ bị truy tố vì không tuân thủ các quy định tài chính và gây thiệt hại khi thuê và mua một trực thăng cho cựu bộ trưởng phúc lợi xã hội, cứu trợ và tái định cư Win Myat Aye.

Theo đó, vị cựu bộ trưởng trên đã thuê trực thăng từ năm 2019-2021 và chỉ sử dụng 84,95 giờ trong số 720 giờ thuê. Ông Myat Aye hiện đang lẩn trốn cùng một số cựu nghị sĩ khác.

Vào ngày 10.1, tòa án Myanmar kết tội bà Suu Kyi về 3 tội danh liên quan việc nhập khẩu, sở hữu trái phép máy bộ đàm và vi phạm quy định về phòng chống Covid-19. Bà bị tuyên án 4 năm tù giam.

Trước đó vào tháng 12.2021, bà bị tuyên án 2 năm tù giam về tội danh kích động chống lại quân đội và vi phạm quy định về phòng chống Covid-19. Bà Suu Kyi dự kiến sẽ tiếp tục bị quản thúc tại gia chờ xét xử các vụ khác.

Trong một diễn biến khác, Reuters ngày 15.1 đưa tin Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã điện đàm với Thủ tướng Campuchia Hun Sen và cho rằng Campuchia với tư cách là chủ tịch luân phiên của ASEAN nên liên lạc với tất cả các bên liên quan khủng hoảng tại Myanmar.

Bên cạnh đó, ông Lý đề xuất ASEAN nên tiếp tục mời một đại diện phi chính trị từ Myanmar tham dự các cuộc họp của khối, cho đến khi chính quyền quân sự Myanmar đồng ý áp dụng đồng thuận 5 điểm đã đạt được tại cuộc họp của ASEAN vào tháng 4.2021.

Đồng thuận 5 điểm gồm chấm dứt bạo lực tại Myanmar, thúc đẩy đối thoại, phân phối viện trợ, bổ nhiệm đặc phái viên và cử phái đoàn do đặc phái viên này dẫn đầu đến Myanmar để gặp “tất cả các bên liên quan”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.