Sáng 9.9, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM 53) và các hội nghị liên quan đã khai mạc theo hình thức trực tuyến. Việt Nam với tư cách Chủ tịch ASEAN 2020 chịu trách nhiệm tổ chức hội nghị.
Thúc đẩy 3 vấn đề ưu tiên
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh bối cảnh đặc biệt hiện nay khi ASEAN đang được “thử lửa” trong môi trường đầy biến động với những thách thức chưa từng thấy, nhất là sự bùng phát dịch Covid-19. Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh này, “Gắn kết và chủ động thích ứng” không chỉ đơn thuần là chủ đề của 2020, mà đã trở thành “thương hiệu” của ASEAN, “giúp chúng ta tay trong tay, ngẩng cao đầu đối diện với khó khăn thách thức, đoàn kết cùng vượt sóng gió, tự tin tiến lên”.
Trong ngày 9.9, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị Ủy ban Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) lần thứ 27 và Phiên họp đặc biệt của Hội đồng Điều phối ASEAN về phát triển tiểu vùng. Chiều cùng ngày diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 lần thứ 21, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Nhật Bản, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Hàn Quốc và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 10.
|
Chỉ còn 4 tháng nữa năm 2020 sẽ khép lại, Thủ tướng đề nghị các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN quan tâm thúc đẩy 3 vấn đề ưu tiên. Một là, tiếp tục đề cao đoàn kết, giữ vững thống nhất trong ASEAN. Hai là, tập trung đẩy lùi dịch Covid-19 và thúc đẩy phục hồi bền vững. Ba là, phát huy hiệu quả vai trò trung tâm của ASEAN trong thúc đẩy đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin; đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng, bình đẳng, tin cậy lẫn nhau trong quan hệ giữa các quốc gia; giải quyết hòa bình các tranh chấp, khác biệt trên cơ sở luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và tinh thần các văn kiện quy chuẩn của ASEAN về ứng xử chung ở khu vực, trong đó có Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)...
Quan ngại về những diễn biến phức tạp trên Biển Đông
Trong thảo luận, các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN nhất trí khuyến nghị tăng tần suất họp Cấp cao ASEAN - Úc từ 2 năm/lần thành thường niên, trao quy chế đối tác phát triển cho Ý và Pháp, đồng thời tiếp tục xem xét các đề xuất xin trở thành đối tác đối thoại đầy đủ của ASEAN. Các bộ trưởng cũng thông qua các biện pháp cải tiến quy trình, phương thức làm việc của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF).
Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, các bộ trưởng tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì, thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông. Trước những diễn biến phức tạp thời gian qua, các bộ trưởng nhất trí ASEAN cần kiên trì lập trường nguyên tắc, trong đó kêu gọi các bên tiếp tục kiềm chế, không quân sự hóa, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp, đồng thời, cần tiếp tục đề cao hơn nữa luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.
Hội nghị cũng nhắc lại tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC, nỗ lực xây dựng COC hiệu lực, thực chất, phù hợp luật pháp quốc tế và Công ước luật Biển. Ngoài ra, ASEAN sẽ tiếp tục hỗ trợ Myanmar giải quyết tình hình nhân đạo tại bang Rakhine, trong đó tập trung triển khai các dự án hỗ trợ công tác hồi hương. ASEAN cũng tái khẳng định lập trường ủng hộ Bán đảo Triều Tiên hòa bình, ổn định, không có vũ khí hạt nhân, kêu gọi các bên nối lại đối thoại. Hội nghị cũng nhất trí ASEAN cần tiếp tục nỗ lực hợp tác đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống như khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh và an toàn hàng hải, biến đổi khí hậu, dịch bệnh...
Đại diện VN, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ quan ngại về những diễn biến phức tạp, vụ việc nghiêm trọng xảy ra thời gian qua trên Biển Đông trái với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm gia tăng căng thẳng và gây phương hại tới hòa bình, an ninh trên Biển Đông. Phó thủ tướng đề nghị ASEAN giữ vững đoàn kết và lập trường nguyên tắc, trong đó, cần tiếp tục đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, khung khổ điều chỉnh mọi hoạt động trên tất cả các vùng biển và đại dương.
Bình luận (0)