Asghar Farhadi: Nhà làm phim Iran với biệt tài tạo bi kịch hôn nhân

Thế Sang
Thế Sang
14/06/2020 07:00 GMT+7

Trong số phim ảnh lấy đề tài hôn nhân, tác phẩm The past (tạm dịch: Quá khứ ) của đạo diễn Asghar Farhadi là sự mổ xẻ tỉ mỉ về những dư chấn của đời sống vợ chồng , con cái.

Nhà văn kiệt xuất của nước Nga Lev Tolstoy từng viết trong quyển tiểu thuyết lấy đề tài hôn nhân - tình yêu Anna Karenina (Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn, 2018; Dương Tường và Nhị Ca dịch): "Mọi gia đình sung sướng đều giống nhau, nhưng mỗi gia đình bất hạnh lại khổ sở theo cách riêng". Câu này phù hợp với nhà làm phim Iran nổi tiếng là Asghar Farhadi khi hơn một thập niên qua, ông khai phá đề tài hôn nhân với những bi kịch "theo cách riêng" trên màn bạc. Hạnh phúc, với các nhân vật trong các tác phẩm như About Elly (tạm dịch: Chuyện về Elly - 2009), A separation (Cuộc chia ly - 2011), The salesman (Người bán hàng - 2016) và đặc biệt là The past (2013) đều tương đồng nhưng ở mỗi câu chuyện, Asghar Farhadi kể cho khán giả những lát cắt gai góc của đời sống hôn nhân. Trong số đó, The past là trải nghiệm cực kỳ thú vị trong số những phim cùng lấy đề tài như nó. 

Hôn nhân: chiếc lồng son hay vũng lầy cho mỗi người?  

Bộ phim The past mở đầu với cảnh người đàn ông Iran Ahmad (Ali Mosaffa đóng) trở về Pháp để hoàn tất thủ tục ly hôn với vợ cũ là Marie (Bérénice Bejo). Tình cờ anh bắt gặp cậu bé Fouad (Elyes Aguis) - con trai của anh chàng Samir (Tahar Rahim) - người tình sắp cưới của Marie. Mâu thuẫn ngay lập tức nổ ra khi bé Fouad bực bội với người đàn ông lạ mặt bỗng dưng xuất hiện, cậu đòi bỏ về nhà cha Samir. Còn cô nàng Marie, mặc dù đang bụng mang dạ chửa với Samir, nổi điên khi thằng bé trở nên bất trị. Từ mâu thuẫn ban đầu đó, đạo diễn từng đoạt giải Oscar đẩy khán giả vào đường dây chuyện phim chứa đựng vô vàn những cãi vã, toan tính và những giọt nước mắt. 

Chồng tương lai của Marie và Ahmad hay cự cãi với nhau nhiều điều

Ảnh: Filmiran

The past là bộ phim được lòng các nhà phê bình điện ảnh phương Tây, được chấm 93% trên Rotten Tomatoes. Song đa phần đều đánh mạnh vào yếu tố kịch bản, thế mạnh trong tay nghề làm phim của đạo diễn sinh năm 1972. Với The past, kịch bản phim chậm rãi bày ra trên màn ảnh câu hỏi mà sau khi xem xong nhiều khán giả vẫn còn bồi hồi: hôn nhân là gì, nó là chiếc lồng son đối với cuộc đời mỗi con người hay là vũng lầy kéo họ xuống? Asghar Farhadi đã kể lại mối quan hệ giữa Marie với ba người đàn ông trong đời cô hết sức chậm rãi để từ đó khán giả tự có những câu trả lời riêng. 

Ngôi sao Bérénice Bejo nhận giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes 2013 nhờ vai diễn có chiều sâu trong The past

Ảnh: Getty Images

Vẫn là phong cách làm phim từ tốn như các phim trước, Asghar Farhadi biến The past thành một lưỡi dao bén và mổ xẻ đời sống hôn nhân đương đại trên tất cả các khía cạnh vừa sâu vừa ngọt. Nhân vật của nữ diễn viên Bérénice Bejo một mặt luôn muốn hoàn thành nhanh và gọn thủ tục ly hôn với ông chồng người Iran, một mặt muốn cưới anh chàng Samir càng sớm càng tốt. Người đàn ông thứ ba chưa bao giờ xuất hiện trong phim đó là chồng đầu tiên của cô, hai người có với nhau đứa con gái là Lucie (Pauline Burlet). Vì thương mẹ nhưng còn bồng bột, Lucie đã cố liên lạc với vợ của Samir và gây ra một hậu quả khủng khiếp. Với những người trong cuộc, đời sống hôn nhân như một vũng lầy, nó tạo nên san chấn tinh thần cho tất cả những nhân vật trong phim, và thiệt thòi hơn cả đó là con cái của họ. 

Khi Asghar Farhadi thôi đặt nặng chuyện đạo đức

Hôn nhân tan vỡ là đổ trách nhiệm lên đầu nhau? Marriage story (Câu chuyện hôn nhân - 2019) của đạo diễn Noah Baumbach là minh chứng tiêu biểu cho điều đó. Nhưng hôn nhân dưới lăng kính của Asghar Farhadi không hẳn là câu chuyện dẫn nhau ra tòa và tranh cãi ai đúng - ai sai, ai thắng - ai thua. Nhà làm phim 48 tuổi mô tả hôn nhân với tất cả sự phức tạp, muôn mặt của nó.

Bố mẹ có hôn nhân không hạnh phúc thì con cái là những nạn nhân chịu nhiều thiệt thòi nhất được Asghar Farhadi đề cập trong phim A separation

Ảnh: Filmiran

Ở tác phẩm About Elly, bộ phim được các nhà phê bình phim gọi là "kiệt tác", Asghar Farhadi chỉ mới chạm đến tiền đề của hôn nhân. Diễn viên Taraneh Alidoosti vào vai Elly, cô giáo theo một gia đình trung lưu Iran đi nghỉ mát nhưng không may vướng vào bi kịch. Thực chất, Elly đang trốn chạy vị hôn phu vì cô cảm thấy cuộc hôn nhân với anh chàng đó không mang lại hạnh phúc. Nào ngờ, gia đình trung lưu kia lại cố gắng mai mối cô với một chàng trai khác. Từ đó, nhà làm phim đặt lên bàn cân vấn đề đức hạnh của phụ nữ, liệu Elly có thật sự giữ phẩm hạnh với người chồng sắp cưới hay cô là tuýp phụ nữ ham chơi? Một lần nữa, người đẹp Taraneh Alidoosti tiếp tục hợp tác với "cha đẻ" của Dancing in the dust trong phim The salesman. Cô vào vai Rana, vợ của một thầy giáo địa phương, cả hai chuyển đến ngôi nhà mới không lâu thì trong một lần đi tắm và quên khóa cửa nhà, chuyện không lành đã xảy đến với Rana. Bộ phim là hành trình người chồng tìm lại công lý cho vợ, và Asghar Farhadi đã không ngần ngại phô lên màn ảnh vấn đề đạo đức và tiết hạnh của con người. Với A separation thì sao? Ông mô tả cuộc ly hôn phức tạp của cặp đôi Simin và Nader lồng trong bối cảnh chính trị Iran. Phụ nữ, tôn giáo và chính trị trong những bộ phim trên hết sức phức tạp. Tác phẩm xuất sắc này vẫn không quên đan cài vào nó chuyện con người lừa gạt nhau và cuối cùng, họ phải đối diện với tòa án lương tâm, loại tòa án vô hình nhưng quyền lực nhất, soi xét tất cả nhân vật của Asghar Farhadi. 

Sự đau khổ của con người không ai giống ai. Tôi có thể dành cả đời làm về chủ đề này mà không biết mệt

Đạo diễn Asghar Farhadi 

Nhà làm phim Asghar Farhadi tại Liên hoan phim Cannes 2013

Ảnh: Francois Mori

Đời sống hôn nhân trong các phim trên của Asghar Farhadi không quá ồn ào. The past là đặc biệt hơn cả vì ông miêu tả hôn nhân tan vỡ trên đất Pháp. Cả ba phim trên, hôn nhân được giải quyết ở hiện tại thì trong The past, chuyện hôn nhân như toa xe lửa đâm sầm từ quá khứ, nó tác động đến vợ chồng, những người làm cha mẹ và cả con cái của họ. Nhà phê bình Alexa Dalby chỉ ra rằng: "Bộ phim gói ghém chủ đề về sự tan vỡ của đời sống vợ chồng, không ai lắng nghe nhau và bị mắc kẹt trong những điều xưa cũ".
Nhưng người lớn, sau những cuộc "thương lượng" với nhau bất thành, họ có là nạn nhân của chính mình? Tác giả Deborah Young viết trên Hollywood Reporter thẳng thắn trả lời câu hỏi đó: "Cũng như các phim trước đó của ông, bộ phim lần này lại lấy bối cảnh gia đình và trẻ em một lần nữa là nạn nhân chính". Trên chuyên trang Metacritic, phim được chấm 8,5/10 và được gắn nhãn "phải xem". Có thể thấy, Asghar Farhadi đã không quá chú trọng vào yếu tố đạo đức con người trong phim mà ông lật đi lật lại sự tác động của mái ấm gia đình đối với mỗi số phận con người trong những không gian văn hóa cụ thể. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.