Bà Cả Mọc xây 'trường thành' từ thiện

08/03/2024 17:09 GMT+7

Bà Cả Mọc là một người phụ nữ đã để lại tiếng thơm của người Hà Nội trắc ẩn trước muôn vàn cảnh khó của đồng bào.

Hợp thiện, tế sinh

Một thế kỷ trước, việc làm phúc, thiện nguyện ở Hà Nội có vai trò đặc biệt của bà Cả Mọc và những phụ nữ có tấm lòng thơm thảo, có khả năng kết nối vạn người trong những hành động thiết thực. Bà Cả Mọc là một người phụ nữ đã để lại tiếng thơm của người Hà Nội trắc ẩn trước muôn vàn cảnh khó của đồng bào.

Thời Pháp thuộc, các hội từ thiện tuy có nhưng vẫn có khoảng trống khi chưa hướng cụ thể vào người già neo đơn, người tàn tật và trẻ em cơ nhỡ. Một trong những người đầu tiên nhìn ra sự cần thiết phải có một hệ thống các cơ sở cho những đối tượng đó làm nơi nương tựa là bà Hoàng Thị Uyển (1870 - 1947), hay được gọi là bà Cả Mọc, một nhà từ thiện uy tín trong Hội Hợp thiện.

Bà Cả Mọc xây 'trường thành' từ thiện- Ảnh 1.

Bà Cả Mọc

TL CỦA NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ

Bà Cả Mọc là con gái nhà yêu nước Hoàng Đạo Thành, chị gái của nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy. Do về làm dâu cụ Tú làng Mọc Nguyễn Đôn, nên bà được gọi là bà Cả Mọc. Góa chồng từ năm 20 tuổi, cả đời bà ở vậy và phụng dưỡng mẹ chồng. Khi cha mất, bà lại nuôi các em cùng cha khác mẹ nên người. Năm 1931, bà đứng ra lập Hội Tế sinh, với tuyên ngôn ghi trên điều lệ: "giúp đỡ người già yếu, tàn tật, trông nom trẻ nhỏ".

Uy tín của bà Cả Mọc khiến Hội Tế sinh nhận được sự đánh giá cao và góp sức của nhiều người có địa vị xã hội cao như các bác sĩ Trần Văn Lai, Léon-Cerf, các nhà Nho học Hoàng Tăng Bí, Lê Dư, các nghị viên Ngô Thúc Địch, Phạm Lê Bổng, trong báo giới như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phạm Huy Lục, và các nhà giàu như Bảo Ký, Nguyên Ký, Cự Thành…

Bà Cả Mọc xây 'trường thành' từ thiện- Ảnh 2.

Ấn phẩm của Hội Tế sinh

TL CỦA NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ

Đặc biệt, một số phụ nữ là phu nhân các vị trên cũng nhiệt thành tham gia cố vấn cho hội đồng trị sự như phu nhân của GS Lê Thành Ý (cha của GS Lê Thành Khôi, người kết hôn với con gái dược sĩ Thẩm Hoàng Tín). Người em trai của bà Cả Mọc là thầy giáo Hoàng Đạo Thúy cũng làm thư ký cho hội đồng. Những điều ấy nói lên rằng, nền nếp và những quan hệ gia đình có tác động đến công việc từ thiện.

Sách bỏ túi giới thiệu Hội Tế sinh năm 1936 có đoạn: "Một phần lớn của trẻ con nước ta, trong cảnh nghèo nàn, không được chăn dắt, không được dạy bảo; phần giáo dục đã thiếu thốn, tính mệnh lại còn khó an toàn... Đau lòng vì thấy những nỗi ấy, nên các cụ, các bà từ thiện lập ra Hội Tế sinh đã 5 năm nay. Giữa lúc kinh tế khó khăn, các vị đã xây được một nhà bảo anh to lớn, cái nhà giữ trẻ có trước nhất ở Bắc Kỳ, cơ sở đến vài mươi ngàn bạc, công việc xong đến 3 năm nay".

Bà Cả Mọc xây 'trường thành' từ thiện- Ảnh 3.

Những hình ảnh hoạt động của Nhà Tế sinh

TL CỦA NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ

Tại nhà giữ trẻ của Hội Tế sinh, trẻ em được nuôi dạy hàng ngày, vừa học vừa chơi, đúng nghĩa mô hình một nhà trẻ hiện đại. Trụ sở hội cũng được mở rộng khi xây thêm nhà thương (nay là Bệnh viện đa khoa Hồng Hà ở số nhà 16 Nguyễn Như Đổ). Năm 1943, bà Cả Mọc với tư cách Hội trưởng đã mua một miếng đất ở ấp Phù Ninh, Phúc Yên (khu vực sân bay Nội Bài ngày nay) dùng làm nhà dưỡng lão và là nơi dạy giáo lý cho dân làng.

Tình thương có hậu thuẫn tri thức

Hoạt động của Hội Tế sinh có được sự tiếp ứng từ phong trào Hướng Đạo do Hoàng Đạo Thúy phát động, quy tụ nhiều thanh niên yêu nước đến Hội dạy học cho trẻ em. Ngoài bác sĩ Trần Duy Hưng còn có họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc dạy vẽ cùng các bạn bè dạy các môn thủ công, đan lát…

Bà Cả Mọc xây 'trường thành' từ thiện- Ảnh 4.

Các bài báo về Hội Tế sinh và hoạt động từ thiện

TL CỦA NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ

Tiếng vang của Hội Tế sinh trở thành điểm sáng nhân ái giữa thời khốn khó, như Vũ Trọng Phụng từng dành những lời tốt đẹp hiếm có trong văn chương của mình để nói về nơi đã đùm bọc nhân vật của mình.

Trong Trúng số độc đắc, ông Phụng viết: "Anh đã được mục kích hàng trăm trẻ con dưới mười tuổi, con nhà lao động, vô sản, sống một cuộc đời công cộng rất có tổ chức, được ăn, học, chơi, tắm, được thay quần áo mỗi ngày một lần…

Người hội trưởng là một bà già gần 80 tuổi mà thiên hạ gọi nôm là cụ Cả Mọc, vẫn tận tâm săn sóc lũ con cháu thiên hạ ấy chẳng kém con cháu của cụ và lại còn phải lo sao cho hội khỏi đóng cửa, bầy trẻ thơ kia khỏi bị vô thừa nhận một lần nữa, bởi có các hội viên rất hay quên đóng tiền.

Bà Cả Mọc xây 'trường thành' từ thiện- Ảnh 5.

Các nữ giáo sinh năm 1941

TL CỦA NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ

Thời thế có thay đổi, uy tín của bà Cả Mọc luôn bất biến. Các nguyên thủ đều kính nể và dành sự quan tâm đến công việc của bà. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Hội Tế sinh và công tác từ thiện của bà Cả Mọc là một cơ sở có ảnh hưởng đến công tác diệt giặc đói và diệt giặc dốt, nhất là nhiều trí thức và thanh thiếu niên tham gia Hội đi theo Việt Minh.

Điển hình là em trai của bà, Hoàng Đạo Thúy, đã trở thành một lãnh đạo quân sự của quân đội cách mạng. Tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện vẫn treo bức ảnh chụp bà Cả Mọc cùng Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh.

Từ cơ sở từ thiện bước đầu này của bà Cả Mọc, một số phụ nữ khác đã tiếp thu phương pháp giáo dục mới, để lập ra các cơ sở dạng ấu trĩ viên (vườn trẻ) cho trẻ em bình dân, đặt nền móng cho giáo dục mầm non của nước Việt Nam độc lập.

Những người rất gần với bà Cả Mọc này là họa sĩ Nguyễn Thị Khang, vợ thứ họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc; nhà sư phạm Lê Thị Tuất, người Việt Nam đầu tiên có chứng chỉ sư phạm hiện đại về giáo dục trước tiểu học, và bà Nguyễn Thị Ngọc Mùi, vợ nhà tư sản Nguyễn Sơn Hà.

Họ đều có liên quan trong một số dự án về lớp mẫu giáo thể nghiệm. Tháng 5.1943, bà Khang đã cùng nhà sư phạm Nguyễn Phúc Vĩnh Bang làm đơn xin Đốc lý Hà Nội cho sử dụng Ấu trĩ viên của thành phố (nay là Cung Văn hóa thiếu nhi Hà Nội) vào kỳ nghỉ hè để tập huấn cho nữ giáo sinh về giữ trẻ. Bà Khang đã nêu lên rằng: "Chúng tôi tin rằng thay đổi xã hội trước hết phải từ giáo dục, và mẫu giáo là cần nhất".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.