Món ăn lạ nhất Sài Gòn
Khách vắng, bà Ngô Thị Bạch Cúc (62 tuổi), bán bánh lọt xào tại hẻm 438 Lê Hồng Phong, phường 1, quận 10, vừa tranh thủ cắt rau vừa nói chuyện với tôi. Nhìn rổ rau xanh được cắt cẩn thận phần già, úa, bà chắc hẳn là một người tỉ mỉ và sạch sẽ.
Năm 1970, gia đình bà Cúc từ Campuchia về Việt Nam và ở tại khu chợ Lê Hồng Phong cho đến bây giờ. Bánh lọt xào là món ăn truyền thống của người Hoa. Bà Cúc từng được thưởng thức món ăn này khi còn ở Campuchia, do những người Hoa ở đó làm bán.
|
Trở về Việt Nam, mẹ bà là người đầu tiên bán món ăn này. Bà phụ mẹ từ khi còn nhỏ, chừng mười mấy tuổi rồi trở thành bà chủ, tiếp quản cơ nghiệp của gia đình khi mẹ nhắm mắt, xuôi tay.
“Bán món này tới giờ cũng đã 46 năm rồi. Món bánh lọt xào chỉ có trứng gà, trứng vịt, chả giò và rau giá, ăn chay được mà ăn mặn cũng được. Nó bình dân, dễ ăn lắm”, bà Cúc chia sẻ.
Nhắc tới bánh lọt, người ta thường liên tưởng tới những món chè đặc trưng của miền Tây. Những con bánh trong veo, nhiều màu sắc và dai dai kết hợp với nước cốt dừa béo ngậy.
Lần đầu nghe tới bánh lọt xào, tôi cũng thắc mắc không biết món này chế biến thế nào và ăn ra sao.
Bà Cúc cho biết: “Bánh lọt chè thì có pha thêm bột năng để tạo độ trong và dai cho bánh. Còn bánh lọt để xào thì làm 100% từ bột gạo, có màu trắng đục, ăn dẻo chứ không dai”.
|
Bà Cúc đặt bánh và hủ tiếu dưới Sa Đéc (Đồng Tháp) đem lên. Bánh lọt được xào sơ với dầu và màu dừa để bánh săn bề mặt và có màu hấp dẫn. Khách đến, bà Cúc mới xào thêm giá và trứng vì “món này phải ăn nóng mới ngon” bà nói.
Quán có món nước chấm đặc biệt do bà Cúc tự tay làm. Bà chọn loại ớt Ba Tri cay, thơm đem về xay cùng với tỏi và giấm cho ra loại nước sốt chua chua, cay cay ngon khó tả.
Không chỉ có nước chấm tự làm, nước mắm và nước tương để xào bánh lọt, hủ tiếu cũng đều được bà nấu cẩn thận.
“Tôi nấu nước đường trước, lược đàng hoàng rồi cho nước mắm vô đun sôi, hớt bọt rồi để nguội. Nước tương mình cũng phải nấu lên như vậy chứ bỏ đường vô không ăn nó chát. Nước mắm, nước tương mà làm sống là hư, không để được lâu”, bà chia sẻ.
|
‘Nghỉ sợ khách la’
Khách của bà đa phần là mối quen, đã gắn bó với món ăn này từ những ngày xưa cũ. Bà kể, có một cậu khách giới thiệu ca sĩ Thanh Duy đến quán ăn, rồi cậu Duy lại giới thiệu nhiều người khác đến. Thế là quán đông lắm, bán không kịp, bà Cúc cười nói.
Sống một mình, không chồng con nên bà Cúc có thói quen đi chùa, làm từ thiện. Mỗi lần đi bà phải đóng cửa hàng, ghi bảng để khách biết.
“Có ông chú đó là khách quen. Ông giới thiệu quán cho một người bạn Việt kiều về nước và dẫn người đó tới ăn mà trúng ngày tôi nghỉ bán. Ông trách tôi làm ông quê với bạn, tôi cười quá trời luôn. Sau này không dám nghỉ, nghỉ sợ khách la, toàn khách quen không mà”, bà hào hứng chia sẻ.
|
Anh Tân Nhân (36 tuổi) chia sẻ: “Cái quầy tuy nhỏ bé nhưng đã bán được 46 năm. Kiểu xào quen thuộc với trứng, có vị hơi ngọt như thường thấy trong các món Campuchia. Điểm nhấn là phần tỏi chiên thơm phức, giúp món này thêm hấp dẫn bội phần”.
Bà thương khách, nhất là dân chạy xe. Bà nói: “Mấy người chạy xe mình bán rẻ rẻ cho người ta chút để họ được no bụng, có sức mà đi. Có cậu nhà ở Tên Lửa hay chạy qua đây ăn mà ghiền món nước chấm cay, ăn có đĩa bánh lọt mà gần nửa chai nước.
Cậu nói tính tiền, tôi chẳng lấy vì có người ăn, người không ăn bù qua sớt lại. Nhìn cậu có vẻ là dân chạy xe, lần nào ăn cũng nói tôi để nhiều bánh. Bánh có nhiều tôi cũng không lấy thêm tiền, có đáng bao nhiêu đâu”.
|
Dịp cận Tết, chợ hoa và chợ Xuân người đông, quán bà cũng đông theo. Cái nhộn nhịp, đông đúc của chợ Tết có lẽ giúp bà vơi đi phần nào nỗi trống vắng.
“Tết tôi bán đắt lắm. Người ta đi chợ hoa, chợ Tết rồi ghé ăn, mua đem về. Ở đây Tết rất nhộn nhịp, tôi không ngủ, thức bán mấy ngày luôn. Đến 30, tôi nghỉ mới đi chợ mua đồ cúng vậy mà vui lắm", bà Cúc tâm sự.
|
Bình luận (0)