'Bà hoàng' sân khấu cải lương Thanh Nga qua hồi ức của những nghệ sĩ gạo cội

03/12/2018 10:50 GMT+7

Được mệnh danh là 'bà hoàng' của sân khấu cải lương trước năm 1975, NSƯT Thanh Nga không chỉ chinh phục khán giả bằng tài sắc mà còn khiến nhiều người ấn tượng bởi lối sống mẫu mực.

Đã 40 năm trôi qua, nhưng khi nhắc về cố NSƯT Thanh Nga, các đồng nghiệp của “Nữ hoàng sân khấu cải lương” một thời cho biết họ cứ ngỡ như mọi thứ chỉ mới vừa hôm qua. Hình ảnh và những vai diễn của bà vẫn còn sống trong lòng những người hâm mộ cũng như đồng nghiệp và gia đình. NSND Bạch Tuyết không nén được xúc động khi bà kể lại những năm còn học phổ thông đã lén vào hậu trường rạp Nguyễn Văn Hảo (nay là rạp Công Nhân, TP.HCM) để xin ảnh và chữ ký của thần tượng.
Bà Mai 'Gạo nếp gạo tẻ' thờ NSƯT Thanh Nga từ năm 13 tuổi
“Chị Thanh Nga đã kéo chúng tôi vào. Lúc đó, chúng tôi là những học trò hâm mộ chị, không dám nói một lời với chị. Sau khi bày tỏ lòng hâm mộ, muốn xin ảnh và chữ ký, chị hỏi tôi có biết hát không? Tôi thưa là biết hát tân nhạc. Chị Thanh Nga nựng má tôi và nói gương mặt này mà đi hát sẽ nổi tiếng. Không hiểu câu nói đó có phải là định mệnh đã đưa tôi dấn thân vào nghề hát hay không, nhưng đến năm 1963, chính tay thần tượng của tôi đã lên sân khấu trao huy chương vàng giải triển vọng Thanh Tâm cho tôi. Lúc đó, tôi đã cầm tay chị và nhắc lại câu nói hồi đó chị đã nói với tôi. "Chị ơi, bây giờ em đã làm được, em đã theo nghề diễn viên của chị". Chị Thanh Nga đã nói thêm nghề này cực khổ lắm đó em, ráng lên nữa nhé em”, NSND Bạch Tuyết không cầm được nước mắt khi nhớ lại.
NSND Bạch Tuyết nhớ mãi những lần được diễn cùng thần tượng Thanh Nga và được đàn chị chỉ dạy, quan tâm tận tình Ảnh: Hồng Nhi
Lớn tuổi hơn Thanh Nga nhưng NSND Kim Cương cho biết bà rất ngưỡng mộ Thanh Nga Ảnh: Hồng Nhi
Nhắc đến nghệ sĩ Thanh Nga, NSND Kim Cương bồi hồi nhớ lại kỷ niệm năm 1973, khi bà đến bệnh viện phụ sản thăm nghệ sĩ Thanh Nga sanh bé Cúc Cu (tức diễn viên Hà Linh): "Khi đó, chị em tôi nhìn nhau cười hạnh phúc, vì sau nhiều năm tháng cống hiến cho nghệ thuật, khi được làm vợ, làm mẹ, chúng tôi đã được phép sống cho riêng mình. Lúc đó, tôi cũng báo tin với Thanh Nga là mình đang có thai ba tháng. Và đó là kỷ niệm đẹp nhất mà tôi có được với Thanh Nga. Bởi chị em chúng tôi đều là người của công chúng, hiếm khi có dịp gặp nhau. Hôm nay, trước sự hiện diện đông đủ của các nghệ sĩ, người thân, khán giả yêu mến Thanh Nga, cho thấy Thanh Nga đã sống hết lòng với đời, với nghề nên mới có được tình cảm đáng quý dành cho người nghệ sĩ. Đó cũng là bài học dành cho chính chúng tôi trong cuộc sống hôm nay”.
Cố NSƯT Thanh Nga trong ký ức các nghệ sĩ Việt
Nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân, người thủ vai Trưng Nhị, em gái của Trưng Trắc (Thanh Nga thủ vai) trong vở Tiếng trống Mê Linh từng "làm mưa làm gió" một thời của đoàn Thanh Minh Thanh Nga cũng có những ký ức khá gần gũi về đàn chị. Bà kể thuở sinh thời con gái của bà bầu Thơ đối nhân xử thế rất gần gũi, chan hòa nhưng luôn có ý thức giữ hình ảnh nghệ sĩ trước mắt công chúng. “Tôi hát vai Trưng Nhị cài cái hoa trên vành tai chị nói với tôi “em đừng làm vậy coi không hạp đâu, phải cài dưới búi tóc như vầy”. Nói rồi chị lấy cái bông đó xuống liền, tự tay cài lại cho tôi. Nếu nói về chị Ba (ý nói nghệ sĩ Thanh Nga) thì chắc cô Trưng Nhị như tôi nói cả tháng không hết. Tôi thương chị một phần cũng vì sự quan tâm, chu đáo đó. Gặp lại Cúc Cu (diễn viên Hà Linh), tôi vẫn nhắc với cháu rằng ngày nhỏ mà đút được một muỗng cơm cho con là cả đoàn nhảy múa ăn mừng, khó nuôi lắm. Nên bây giờ khi thấy cháu được như vậy thì tôi rất cảm động và thương”, nữ nghệ sĩ nhớ lại.
Lối biểu diễn và phong cách hình ảnh của nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân chịu ảnh hưởng rất nhiều từ NSƯT Thanh Nga Ảnh: Hiền Trần
Bà cũng nhận xét giọng ca Bên cầu dệt lụa là người rất điệu đà và sợ người ta thấy mình không chỉn chu. “Thời gian sau khi đã ổn định bên Pháp, tôi hay đi về Việt Nam. Tôi mở một quán ăn ở quận 9, bên trong treo toàn ảnh của tôi với chị Ba. Họ ôm tôi chụp ảnh rồi nói nhớ “Trưng Trắc” mà “Trưng Trắc” không còn nên ôm “Trưng Nhị” cũng thấy an ủi phần nào. Nhiều khán giả tới ăn họ vẫn nhận ra tôi vì tôi lúc nào cũng trang điểm kỹ lưỡng, quần áo gọn gàng. Đến giờ tôi vẫn nhớ lời chị dặn là phải diện lên, phải đẹp, không được để khán giả thấy mình xấu, phải bảo vệ hình tượng trong lòng công chúng. Tại vì bất cứ lúc nào khi người ái mộ yêu cầu giao lưu, chụp ảnh mình cũng phải sẵn sàng”, nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân cười nói.
Sau khi Thanh Nga qua đời, “Trưng Nhị” đã tái biểu diễn lại những vai của đàn chị trong các vở diễn nổi tiếng tại Hà Nội. Và vì chịu sự ảnh hưởng từ phong cách nghệ thuật của Thanh Nga quá nhiều nên khi Hà Mỹ Xuân diễn nhiều khán giả đã phải trầm trồ rằng bà khiến họ có cảm giác như Thanh Nga vẫn chưa ra đi. “Nhiều người nói mỗi lần tôi diễn lại vai kinh điển của chị Ba, họ có cảm giác như chị Ba “nhập” về. Có một kỷ niệm khác cũng khá đáng nhớ là cũng trong một đợt đám giỗ của chị Ba, tôi đã hát lại vở Thái hậu Dương Vân Nga. Sau khi hát xong một phân cảnh, chị Mộng Tuyền và Bảo Quốc lại ôm tôi nói “trời ơi chị Ba hiện về chị Ba ơi”. Tôi đã nghĩ có lẽ do ngày chị còn sống tôi gần gũi chị nhiều quá nên bị nhiễm chị nặng lắm”, bà bồi hồi phân tích.
Nghệ sĩ Nam Hùng cho biết gọng ca Tiếng trống Mê Linh không chỉ là người có tài mà còn khiêm tốn Ảnh: Hiền Trần
Còn với nghệ sĩ Nam Hùng, ông rất sung sướng khi được gặp lại những bạn bè đồng nghiệp của đoàn Thanh Minh Thanh Nga. Từ ngày bệnh nặng, ông ít có dịp hội ngộ nghệ sĩ cùng thời với mình vì đi lại khó khăn. Nam nghệ sĩ có thâm niên hơn 60 năm với nghề hát cải lương tặc lưỡi tiếc nuối khi nhắc đến con gái của bà bầu Thơ: “Dễ gì mà lại có được một người như cô Nga nữa. Nói thật là tìm trăm năm cũng không thấy được cô đào nào vừa có sắc, có tài lại ngoan hiền, dễ thương như vậy. Mỗi lần có tuồng võ hiệp là tôi đứng ra biên đạo các thế võ cho cô Nga. Tôi cũng đóng vai phản diện nên diễn “đụng” với cô Nga nhiều lắm. Nên cả hai phải tập với nhau các miếng võ cho thuần thục. Mà cô Nga sáng ý, lanh lẹ lắm, các miếng võ khó mấy cũng chỉ tập đôi ba ngày là rành”.
Những chia sẻ về Thanh Nga liên tục bị ngắt quãng vì nỗi buồn cũng như sức khỏe của ông cũng đã yếu. Sự ra đi quá sớm của bà không chỉ là một mất mát lớn của sân khấu cải lương mà còn là nỗi tiếc nuối khôn nguôi của những đồng nghiệp cùng thời và nhiều lớp khán giả. Khi nghệ thuật cải lương đã qua đi thời hoàng kim, có lẽ cũng sẽ có không ít người có suy nghĩ tiếc rẻ như nghệ sĩ Nam Hùng rằng chẳng biết bao giờ mới có một ngôi sao sân khấu tài sắc vẹn toàn khiến nhiều người phải thương cảm, yêu mến đến vậy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.