Đến khoa nhiễm E Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, chúng tôi xót xa khi thấy gương mặt tiều tụy, hốc hác của rất nhiều bậc cha mẹ đến nuôi con cháu bị bệnh. Dáng người gầy nhom, làn da đen sạm, đôi tay chai sần níu chặt vào nhau, bà Phương (43 tuổi) cố nén nước mắt mỗi khi nhìn vào căn phòng cách ly đặc biệt, nơi con trai mình đang điều trị bệnh viêm phổi.
Em Huỳnh Văn Cường (22 tuổi, sinh viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM), con trai đầu của bà Phương và ông Huỳnh Văn Phú (54 tuổi) bị viêm phổi cấp độ nặng. Vì bệnh tình chuyển biến xấu, Cường được chuyển từ bệnh viện tỉnh lên TP.HCM điều trị vào đầu tháng 12.2024.
Theo lời kể của bà Phương, mấy hôm trước, Cường vẫn có nhận thức và thở bằng bình ô xy thông thường. Nhưng đến nay Cường đã bị hôn mê sâu, phải chuyển sang gắn máy thở 24/24, thức ăn, thuốc được truyền bằng ống và bác sĩ tiên lượng chỉ có 10% qua khỏi.
"Trái tim tôi như bóp nghẹt"
Hai vợ chồng bà Phương quê ở Phan Thiết (Bình Thuận), mưu sinh bằng nghề phụ hồ nên thu nhập luôn bấp bênh. Tâm sự với chúng tôi, bà Phương nghẹn ngào: "Cả gia đình tôi có 4 người nhưng mỗi lần mua gạo chỉ dám mua 1 - 2 ký, chứ chưa bao giờ đủ tiền mua một bao gạo to như người ta. Công việc của chúng tôi thì lúc có lúc không, ruộng vườn cũng chẳng có. May sao được nhà nước tặng một căn nhà tình thương nên cả nhà mới có nơi để nương thân".
Chỉ tay về phía phòng cách ly đặc biệt, bà Phương nói với tôi rằng, Cường là niềm hy vọng, niềm tự hào của cả gia đình. Cường chăm ngoan, học giỏi từ bé, lúc nào cũng cố gắng để đỡ đần cho cha mẹ. Đáng lẽ, tháng 12 năm nay, Cường sẽ đón ba mẹ và em gái lên thành phố để dự lễ tốt nghiệp đại học nhưng nào ngờ biến cố lại ập đến…
Nhớ lại ngày hôm ấy, bà Phương không giấu được nỗi đau. Bà kể, tháng trước, Cường nhận được giấy báo khám nghĩa vụ quân sự nên trở về quê. Vừa về tới nhà được một ngày, Cường sốt cao và cảm giác tức ngực, khó thở, không thiết tha ăn uống.
Bà Phương tưởng con chỉ bị bệnh cảm thông thường nên đưa đi trạm xá uống thuốc. Nhiều ngày liền không khỏi, vợ chồng bà bỏ công, bỏ việc đưa con đi khám. Nhưng vì tình hình ngày càng xấu, bác sĩ quyết định chuyển Cường lên TP.HCM để được điều trị bằng các phương pháp tốt nhất.
"Tôi chỉ học đến lớp 5, nghe bác sĩ nói về bệnh tình của con nhưng cũng không hiểu hết. Làm mẹ, chỉ cần thấy con nằm trên băng ca để người ta đẩy đi, khắp người gắn máy, trái tim tôi như bóp nghẹt. Tôi khóc mờ cả mắt, đến hôm nay thì không còn nước mắt để khóc nữa rồi", bà Phương mếu máo.
Trái tim người phụ nữ ấy, chúng tôi cảm giác đã nhiều lần ngừng đập vì sợ mất con.
Ngồi trò chuyện với bà Phương một lát thì ông Phú tiến đến, gương mặt gầy gò, xanh xao, đôi mắt đỏ ngầu, sưng húp vì khóc liên tục nhiều ngày. "Ba nó thì suy sụp lắm rồi cô", bà Phương nói.
Là trụ cột gia đình, từ ngày con lâm bệnh, ông Phú không ngừng tự trách bản thân vì đã không lo được cho con một cuộc sống đủ đầy. Ông dằn vặt, nói với giọng đứt quãng: "Tất cả là tại tôi. Từ bé, thằng nhỏ đã phải cố gắng đỡ đần cha mẹ nhiều. Lớn lên vào thành phố học tập, nó phải tự bươn chải một mình, vừa làm vừa học, nuôi bản thân và cả em gái. Thằng bé vất vả nên mới ra nông nỗi này".
Giây phút ấy, thời gian ở bệnh viện như ngừng lại. Trong không gian tĩnh mịch, u ám đến sợ, chúng tôi chỉ nghe thấy tiếng nấc khe khẽ của ông Phú và tiếng nói động viên chồng nhỏ nhẹ của bà Phương: "Ba phải gắng lên, có vậy mới truyền động lực cho con được chứ. Mình còn phải chờ con tỉnh dậy rồi đi nhận bằng tốt nghiệp với con".
Chúng tôi được sự đồng ý của bà Phương trong việc sử dụng hình ảnh cho bài viết, như là một sự chia sẻ và cổ vũ tinh thần cho gia đình bà vượt qua những tháng ngày khó khăn.
Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi mong bạn đọc có lòng chia sẻ với nhân vật trong cơn ngặt nghèo, có thể liên hệ chị bà Phương qua số điện thoại 0834956021.
Mọi sự giúp đỡ, xin bạn đọc gửi về Báo Thanh Niên theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 10006868 - Ngân hàng Eximbank - chi nhánh Sài Gòn hoặc số tài khoản 6868866868 tại Ngân hàng Vietcombank - chi nhánh Tân Định.
Nội dung ghi: Giúp đỡ em HUỲNH VĂN CƯỜNG; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến gia đình cháu trong thời gian sớm nhất.
"Vợ chồng tôi nghèo quá"
Khi Cường nhập viện, vợ chồng bà Phương phải chạy vạy khắp nơi, mượn 6 triệu đồng để đóng viện phí ban đầu cho con. Tính đến nay, những khoản tiền lặt vặt một vài triệu khác cũng đóng rất nhiều nên họ không nhớ hết.
"Vợ chồng tôi nghèo quá. Lúc con bệnh phải chạy vạy khắp nơi, mượn người này người kia một ít, gom góp lại để lo cho con. Mấy hôm nay, bạn bè, thầy cô ở trường của Cường cũng có đến thăm, gửi cho con một ít để đỡ đần chi phí. Tôi biết ơn nhiều lắm", bà Phương xúc động.
Theo lời gia đình, do tình trạng đang chuyển biến xấu nên bác sĩ chỉ định gắn máy thở cho Cường. Tôi không được phép tiếp xúc gần phòng bệnh do chế độ cách ly đặc biệt. Đối với người nhà, mỗi ngày chỉ được vào thăm, vệ sinh cá nhân cho người bệnh 3 lần sáng, trưa, chiều.
"Chi phí để gắn máy thở cho con là 3 triệu đồng một ngày. Dù có bảo hiểm y tế nhưng có những khoản phí mình phải đóng. Tôi không rành mấy điều này nhưng bác sĩ nói sao thì tôi đều cố gắng làm theo. Vì con, chúng tôi xoay sở đủ đường, còn nước thì còn tát", ông Phú nói.
Để dồn tiền, dồn sức chữa trị cho anh trai, em Huỳnh Thị Kim Châu (20 tuổi) cũng đã quyết định bảo lưu đại học một năm, về quê làm công nhân may mặc, lương mỗi tháng 4 triệu đồng.
Bà Phương kể, bé Châu thương anh trai nhiều lắm, đêm nào đi làm về cũng gọi vào hỏi han tình hình, đòi nghỉ việc để vào TP.HCM nuôi anh. Nhưng bà cố động viên con gái, bây giờ ít nhất cũng phải có một người mạnh mẽ, vững vàng để làm chỗ dựa cho cả nhà.
Gọi điện cho em Châu, ở đầu dây bên kia, tôi nghe thấy tiếng em khóc nghẹn. Em nói: "Em mong là anh trai em được cứu, được khỏe lại. Anh hai hiền lành và thương em nhiều lắm. Em ở quê cố gắng đi làm, dành dụm thêm tiền để gửi vào lo cho anh".
Lúc chúng tôi gặp vợ chồng bà Phương ở bệnh viện, họ chỉ còn vài trăm nghìn dằn túi vì sáng đầu tuần đã nộp thêm viện phí 2 triệu đồng cho con. Tới bữa, họ ra cổng xin cơm từ thiện để ăn, ban đêm thì ngủ nơi hành lang bệnh viện. Họ làm tất cả để tiết kiệm chi phí.
"Tôi không dám đi xa, cũng không dám ngủ vì sợ bác sĩ gọi. Mỗi lần bác sĩ gọi vào để cập nhật tình hình của con, tôi sợ lắm. Sợ con có chuyện gì nhưng cũng sợ phải đóng thêm quá nhiều tiền, chúng tôi không biết xoay sở ở đâu", người phụ nữ cắn răng, cố kìm nước mắt.
Chúng tôi hỏi mong muốn lớn nhất của vợ chồng bà Phương bây giờ là gì... Bà cúi đầu, lặng người đi một lúc: "Chúng tôi đều già rồi, đời này chỉ mong được thấy con bình an lớn lên, có cuộc sống hạnh phúc. Mong sao con sớm khỏe lại để cả gia đình 4 người còn được chụp một bức hình khi con mặc áo cử nhân cho trọn vẹn ước mơ".
Chiều muộn, khuôn viên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM lại thêm buồn bã. Ngồi ở băng ghế trước phòng cách ly, đôi vợ chồng già chỉ biết bất lực nhìn con qua cánh cửa đã đóng kín mít.
Với Cường, thế giới này còn nhiều điều đẹp đẽ cần khám phá, còn nhiều ước mơ cần chinh phục. Với bà Phương, ông Phú, cả thế giới của họ đang đặt hết hy vọng trong căn phòng cách ly đặc biệt kia. Chúng tôi thật mong sẽ có nhiều trái tim nhân ái giúp đỡ cho Cường và gia đình vượt qua giai đoạn ngặt nghèo này, để chàng sinh viên năng nổ có thể viết tiếp ước mơ của một tân cử nhân ngành luật đầy hoài bão.
Bình luận (0)