Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có gì mới?

Nguyễn Long
Nguyễn Long
17/12/2023 11:28 GMT+7

Theo quy hoạch, đến năm 2030 Bà Rịa-Vũng Tàu được xây dựng phát triển toàn diện, nằm trong nhóm 5 địa phương phát triển kinh tế biển. Đến năm 2050, tỉnh này phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn.

Theo Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu đến năm 2030, xây dựng tỉnh này phát triển toàn diện, trở thành một trong những khu vực động lực phát triển quan trọng của vùng Đông Nam bộ; trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia và nằm trong nhóm 5 địa phương phát triển kinh tế biển hàng đầu của cả nước.

Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có gì mới?   - Ảnh 1.

Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ là trung tâm kinh tế biển quốc gia

NGUYỄN LONG

Phát triển du lịch chất lượng cao

Phát huy lợi thế biển, đảo, cảnh quan núi rừng, tài nguyên đa dạng sinh học và các tài nguyên văn hóa, lịch sử để phát triển Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có gì mới?   - Ảnh 2.

Du khách quốc tế đến Bà Rịa-Vũng Tàu bằng tàu biển

NGUYỄN LONG

Theo đó, phát triển du lịch tại khu vực ven biển phía đông nam, tập trung dọc tuyến đường tỉnh ĐT994 từ Vũng Tàu đến Bình Châu, hình thành trục động lực kinh tế du lịch, tạo vành đai liên kết phát triển du lịch với các tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ, ĐBSCL, Tây nguyên và các tỉnh khu vực Nam Trung bộ.

Phát triển khu du lịch quốc gia Long Hải - Phước Hải và Hồ Tràm - Bình Châu, với chuỗi sản phẩm về du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, du lịch thể thao - giải trí chất lượng cao, văn hóa, sinh thái, bất động sản, y tế phục hồi sức khỏe, du lịch nông nghiệp, nông thôn…

Phát triển chuỗi đô thị du lịch ven biển: Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải, Hồ Tràm, Bình Châu theo hướng đô thị xanh; chất lượng hạ tầng đô thị và môi trường sống vượt trội so với các đô thị khác trong vùng Đông Nam bộ.

Phát triển TP.Vũng Tàu trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế. Phát triển khu du lịch quốc gia Côn Đảo theo mô hình du lịch chất lượng cao, chú trọng bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thời kỳ 2023-2030

Giai đoạn 2023-2025, sáp nhập H.Long Điền và H.Đất Đỏ thành 1 đơn vị. Sắp xếp 9 đơn vị hành chính cấp xã gồm: sáp nhập xã An Nhứt, xã An Ngãi và xã Tam Phước (H.Long Điền); sáp nhập P.Phước Trung và P.Phước Hiệp (TP.Bà Rịa); sáp nhập xã Phước Hội và xã Lộc An; sáp nhập xã Long Mỹ và TT.Phước Hải (H.Đất Đỏ).

Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có gì mới?   - Ảnh 3.

TT.Phước Hải nhìn từ trên cao

NGUYỄN LONG

Giai đoạn 2026-2030, dự kiến điều chỉnh địa giới hành chính giữa TP.Bà Rịa và thành phố mới Phú Mỹ trên cơ sở các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và bảo đảm cả hai đơn vị đạt đầy đủ các tiêu chuẩn về quy mô diện tích và dân số theo quy định.

Dự kiến sắp xếp 6 đơn vị hành chính cấp xã gồm: điều chỉnh địa giới hành chính giữa xã Phước Long Thọ và xã Long Tân (H.Đất Đỏ); xã Hòa Hội và xã Hòa Hưng (H.Xuyên Mộc) và sáp nhập xã Phước Hưng vào TT.Long Hải.

Thành lập TP.Bà Rịa-Vũng Tàu trực thuộc T.Ư

Đến năm 2030, phát triển hệ thống đô thị tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu theo hướng xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại (bao gồm giao thông trên mặt đất, giao thông ngầm, giao thông trên cao), đảm bảo kết nối giữa các đô thị trong tỉnh và với các đô thị trong vùng; phát triển đô thị gắn với bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên.

Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có gì mới?   - Ảnh 4.

Một dự án nhà ở cao cấp tại TP.Vũng Tàu

NGUYỄN LONG

Phấn đấu đến năm 2030, Bà Rịa-Vũng Tàu cơ bản đủ tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc T.Ư, đóng vai trò là một cực phát triển quan trọng trong hệ thống đô thị của vùng Đông Nam bộ; khu vực dự kiến thành lập thành phố đạt tiêu chí của đô thị loại I trực thuộc T.Ư được xác lập trên cơ sở các khu vực phát triển đô thị: Vũng Tàu, Bà Rịa, Phú Mỹ, Long Điền, Long Hải.

Phát triển và hiện đại hóa các đô thị vệ tinh, đóng vai trò hạt nhân phát triển, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa phát triển các vùng ngoại thành, vùng ven biển và khu vực nông thôn với 8 đô thị loại V là: Ngãi Giao, Kim Long, Hòa Bình, Phước Bửu, Bình Châu, Hồ Tràm, Đất Đỏ, Phước Hải và 1 đô thị sinh thái biển đảo (Côn Đảo).

Sau năm 2030, nâng cấp 2 đô thị Ngãi Giao và Phước Bửu từ loại V lên loại IV; phát triển 2 đô thị mới loại V là Cù Bị và Suối Nghệ (H.Châu Đức).

Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có gì mới?   - Ảnh 5.

Phối cảnh cầu Phước An nối Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai

CTV

Định hướng phát triển tỉnh lỵ TP.Bà Rịa là tỉnh lỵ của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trong giai đoạn 2026-2030, thực hiện phương án sắp xếp đơn vị hành chính sẽ mở rộng thành phố trên cơ sở tiếp nhận một phần diện tích và dân số của TX.Phú Mỹ để bảo đảm đủ tiêu chuẩn cả về diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thành phố trực thuộc tỉnh. Xây dựng phát triển thành phố đạt đầy đủ các tiêu chí của đô thị loại II theo quy định về phân loại đô thị.

Sau năm 2030, Bà Rịa nằm ở vị trí trung tâm của khu vực, dự kiến thành lập TP.Bà Rịa-Vũng Tàu trực thuộc T.Ư; cơ cấu đô thị đa trung tâm, kết cấu hạ tầng giao thông đa phương thức. Duy trì vững chắc vị trí trong nhóm 10 địa phương có quy mô GRDP và tổng thu ngân sách nhà nước cao nhất cả nước.

Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có gì mới?   - Ảnh 6.

TX.Phú Mỹ từ trên cao

NGUYỄN LONG

Nội dung cụ thể về sáp nhập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính; xác định ranh giới, quy mô diện tích, dân số, tên gọi của từng đơn vị hành chính sẽ thực hiện theo đề án trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Tầm nhìn đến năm 2050, Bà Rịa-Vũng Tàu là trung tâm kinh tế biển quốc gia; trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á; trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế; một trong những trung tâm công nghiệp lớn của vùng Đông Nam bộ; xã hội phát triển hài hòa với thiên nhiên, kinh tế phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp và thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0.

Cửa ngõ ra biển chủ yếu của vùng Đông Nam bộ, cơ cấu đô thị đa trung tâm, với các trung tâm đô thị: Vũng Tàu - Phú Mỹ - Bà Rịa - Long Điền - Long Hải, được kết nối bằng hệ thống giao thông đô thị đồng bộ, hiện đại (hệ thống đường đô thị và các tuyến Metro, MonoRail); hệ thống các đô thị vệ tinh quy mô phù hợp, chất lượng môi trường sống theo tiêu chuẩn đô thị xanh.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.