Đứa trẻ bé xíu là tôi trước đây từng nghi ngờ về câu nói đó của ba. Trẻ con mà, chỉ là một “tấm chiếu mới”, chưa đủ hiểu biết sự đời. Nhưng rồi càng lớn, tôi dần nhận ra ba hoàn toàn đúng.Có lần khu phố phát động phong trào bảo vệ môi trường, ba chỉ nói: “Sống sạch, sống xanh cũng là bảo vệ môi trường đấy!”. Một cựu chiến binh, một thương binh như ba, từ những việc nhỏ thường ngày cũng là góp phần bảo vệ môi trường.
Hồi tôi còn nhỏ, ba nuôi gà để tăng thêm thu nhập vì lương công chức không đủ chi tiêu và nuôi anh em tôi. Nhà có hai dãy chuồng với hơn 30 con gà đẻ trứng. Ngày 3 lần, ba cầm chổi dọn dẹp sạch sẽ khu chuồng, không để rác bẩn, trứng vỡ, lông gà bay lung tung. Ngày đó trong xóm cũng nhiều nhà nuôi gà, nhưng không nhà nào sạch sẽ như nhà tôi. Thấy có chút lông gà nào bay ra ngoài sân chung, ba đều dọn sạch.
Nhà tôi dần khá lên, ba không còn nuôi gà nữa. Thói quen dậy sớm của ba vẫn còn, ngồi không buồn chân tay, ba bắt đầu trồng cây cảnh. Cứ cuối tuần, ba lại ra chợ cây bê về một chậu. Giờ dễ đến mấy chục chậu cây rồi. Lớn có, bé có, hoa có, quả có… Tôi kém kiến thức về cây nên chẳng biết tên cũng như chủng loại của chúng, nhưng tác dụng lọc sạch không khí thì nhà tôi ai cũng thấy rõ. Trồng cây thì phải tưới, phải tỉa cành, bắt sâu và quan trọng nhất là phải diệt bọ gậy. Ba dùng đủ mọi cách để diệt bọn côn trùng gây hại này, nào thả cá, phun thuốc, dùng vợt, dùng đèn. Nhà sạch bóng muỗi. Diệt muỗi thành công, ba truyền kinh nghiệm cho bà con lối xóm. Ra ngoài sân chơi chẳng thấy muỗi đâu. Rồi cây ra quả. Khế rơi đầy sân, ổi thơm lừng cả nhà. Ba hái và nhặt hết quả rơi để ăn và biếu hàng xóm, không để chúng thối nát ô nhiễm.
Nhà tôi sử dụng nước máy từ rất lâu. Hồi đó người ta cứ nói dùng nước máy là sang lắm, nhưng thật ra dùng nước máy rất khổ. Vì nếu dùng không tiết kiệm thì sẽ rất tốn kém. Ba lại chẳng nói gì đến tốn kém, ba tiết kiệm vì sợ lãng phí nước. Ba luôn nhắc đi nhắc lại rằng tiết kiệm nước cũng là một cách bảo vệ môi trường vì nguồn tài nguyên nước ngọt trên thế giới có hạn. Sẵn mấy chiếc thùng sơn to, ba đặt giữa sân để hứng nước mưa. Nhờ vậy những tháng mưa nhiều, nhà tôi giảm được tiền nước rõ rệt. Nước vo gạo được ba dùng để rửa rau nước đầu, còn nước tưới cây được lấy từ nước rửa rau cuối. Nhà sắm được chiếc máy giặt, ba luôn nhắc tôi đặt ở chế độ tiết kiệm nước.
Việc bỏ rác của gia đình cũng được ba sắp xếp rất cẩn thận. Mỗi phòng, mỗi tầng đều có 2 thùng rác để mọi người không “tiện tay” vứt rác xuống đất. Khi đổ rác, những thứ có thể tái chế như vỏ hộp, vỏ chai lọ đều được xếp riêng để bán ve chai. Giấy vụn và báo cũ cũng vậy. Trong nhà, ba luôn chú ý dọn dẹp sạch sẽ những ngóc ngách chứa đồ thừa, nhất là nhà kho vì đó là môi trường cho chuột bọ, vi khuẩn sinh sôi. Nói đến việc diệt chuột thì phải công nhận đó là kỳ công của ba. Cách dùng bẫy và bố trí bẫy của ba khiến nhà tôi mặc dù ngay bên cạnh sông Tô Lịch cũng không có chuột bén mảng tới.
Năm tôi lên cấp 2, ba sắm được chiếc xe máy đầu tiên. Tuy có xe máy nhưng việc cần và đi xa thì ba mới dùng đến. Còn bình thường thì ba vẫn đi xe đạp như mẹ và tôi. Ba bảo đi xe đạp vừa khỏe người vừa đỡ ô nhiễm môi trường. Đến nay, cả nhà đều có xe máy để đi, nhưng ba vẫn nhắc chúng tôi rằng khi dừng đèn đỏ thì tắt máy để đỡ xả khói gây hại không khí: “Ở chỗ đèn đỏ có khi cả trăm xe máy đỗ, nếu xe nào cũng nổ máy thì lượng khí thải sẽ gấp nhiều lần bình thường, có thể gây hại đến sức khỏe”.
Ba hay đi công tác. Mỗi khi về nhà ba luôn mua nhiều quà nhưng chưa bao giờ tôi thấy ba dùng túi nilon để đựng quà. Một là ba cho quà vào vali, hai là cho vào túi vải. Nếu ai biếu quà đựng bằng thùng xốp thì ba tận dụng để trồng cây, trồng rau chứ không vứt đi. Ba còn vận động mẹ dùng làn đi chợ, hạn chế dùng túi nilon vì chúng khó phân hủy gây hại cho đất.
Ba cất mấy chiếc bóng đèn đỏ cũ mèm treo ngoài sân và trong nhà vệ sinh, thay hết bằng đèn compact. Ba nhấn mạnh “bóng sợi đốt tưởng rẻ nhưng không rẻ đâu, đèn compact tưởng đắt nhưng lại rất rẻ, tiết kiệm điện hơn nhiều lại đỡ thải ra khí CO2 gây ô nhiễm môi trường”. Trước đây nhà tôi vẫn dùng chiếc tủ lạnh Liên Xô cũ, từ khi đọc được thông tin tủ lạnh đó thải ra chất có hại cho môi trường, ba đổi ngay sang tủ lạnh đời mới. Tôi ngạc nhiên vì ba là người rất tiết kiệm nhưng lại quyết định mua tủ lạnh mới rất nhanh. Ba giải thích: “Việc cần thiết thì dù tốn cũng phải làm. Tủ lạnh mới vừa tiết kiệm điện vừa không gây ô nhiễm môi trường”.
Ba luôn nói rằng những năm tháng trong quân ngũ đã rèn cho ba tính sạch sẽ và sống tốt với môi trường. Đất nước thời đó bị bom đạn tàn phá đến nỗi chết hết cây cối, môi trường bị tổn thương nghiêm trọng nên ngày nay người cựu chiến binh như ba phải có trách nhiệm sống tốt với môi trường. Có tấm gương là ba, anh em tôi cũng trở thành người có ý thức giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường. Những việc làm bảo vệ môi trường của ba tuy chỉ gói gọn trong phạm vi gia đình, không vĩ mô, cao xa nhưng đối với tôi lại vô cùng thiết thực. Xã hội được tạo ra từ những phần tử nhỏ, nếu ai cũng có ý thức bảo vệ môi trường như ba tôi thì tin rằng ước mơ về một đất nước Việt Nam sạch đẹp sẽ không còn xa.
|
Bình luận (0)