Ba Tri - thị trấn phồn hoa

11/10/2022 11:00 GMT+7

Tôi sinh ra nơi miền Trung xứ Nghệ, ngày ngồi trên ghế nhà trường nghe thầy giáo địa lý nhắc về miền Tây. Nơi có cánh đồng cò bay thẳng cánh, nơi miệt vườn đầy ắp cây trái. Ở thập niên chín mươi khi có ai đó từ miền Nam về quê mang theo những viên kẹo dừa thơm lừng, lũ trẻ con chỉ nhìn thấy đã chảy nước bọt vì thèm…

Ngày đó ao ước sau này lớn lên được vào miền Nam, được đi xuống miền Tây để xem cái mênh mông của đồng ruộng. Vào miền Tây để xem những rặng dừa bạt ngàn trĩu quả, hay đơn thuần để được ăn một lần kẹo dừa Bến Tre thỏa thích.

Năm 1998 tôi rời quê hương để vào miền Nam lập nghiệp, tuổi trẻ với đầy hoài bảo ước mơ. Tôi khoác ba lô lên và đi hy vọng miền Nam sẽ làm cho tôi bớt đi cơ cực như những năm tháng ở quê nhà lam lũ. Ngày đó còn trẻ nên không mấy vội vàng, mà trí tò mò ưa khám phá trong con người tôi luôn trỗi dậy. May mắn tôi có người dì ruột làm giáo viên ở Ba Tri, Bến Tre, lần lữa đến tết năm 2000 tôi mới xách ba lô lên để về miền Tây.

Khi đến bến xe miền Tây của TP.HCM tôi đã nghe xì xào về sự tắc đường ở Long An, nhưng lúc đó chả biết sợ điều gì. Tôi lên một chiếc xe khách năm mươi hai chỗ ngồi và trong đầu với bao viễn cảnh tốt đẹp. Khi đến cầu Bến Lức Long An bác tài thông báo cầu bị hư xe không thể qua bên kia cầu để tiếp tục hành trình. Hành khách lần lượt xuống xe, bác tài hướng dẫn đi xe ôm hoặc đi bộ qua bên kia cầu để tìm xe khách khác.

Cầu Rạch Miễu, Bến Tre

công hân

Tôi cùng một cô bạn mới quen thuê một xe ôm để qua cầu, bên kia cầu đã có rất nhiều xe khách chờ chào đón lên xe. Sự nhộn nhịp khác thường do cây cầu bị hư, sự huyên náo của những ngày cận tết. Những tiếng mời chào của những người bán hàng rong, cái không gian làm tâm hồn tôi cũng thấy háo hức. Xe đến phà Rạch Miễu thì đã hết giờ phà sang sông, hành khách ngồi trong nhà chờ. May thay tôi có cô bạn gái để trò chuyện, tuổi trẻ với sự hồn nhiên của cô gái miền Tây, em như quen biết tôi từ lâu lắm. Chúng tôi trò chuyện đến đêm muộn em gục đầu vào vai tôi ngủ ngon lành, bốn giờ sáng thì phà bắt đầu đón khách. Chúng tôi tiếp tục lên đường nhà ngoại em cách nhà dì tôi độ năm cây số. Tôi ghé thăm ngoại em tí xíu rồi bắt xe ôm về nhà dì, khi đến sân bóng đá của thị trấn Ba Tri khắp các ngã đường người ta bày bán hoa tết. Màu hoa đặc trưng nhất là cúc vạn thọ, hoa hướng dương.

Ngày chưa về tôi cứ nghĩ thị trấn sẽ im lìm như một miền quê, sẽ là những vườn dừa trĩu quả hay cánh đồng lúa bạt ngàn. Nhưng không, sự huyên náo nơi đây không khác gì thành phố, sân bóng đá nơi đây giờ là nơi đoàn lô tô hoạt động. Vì buổi sáng nên đoàn chỉ là những gian hàng mà không có khách, khi vào miền Nam tôi được nghe nhiều về gánh lô tô họ nói rằng đoàn có những cô gái rất đẹp nhưng họ là những người chuyển giới. Ở những năm 2000 thì giới tính chưa thông thoáng như bây giờ, thế nên nó kích thích sự tò mò kinh khủng. Nhất định tôi sẽ được chiêm ngưỡng những cô gái ở gánh lô tô đêm nay.

Dì tôi mua lại một căn nhà hoàn toàn bằng lá dừa của một vợ chồng già, họ không có con cái nên bán lại để vào trại dưỡng lão. Hai ông bà nấn ná chưa muốn rời nơi mình gắn bó bao nhiêu năm qua nên ở lại ăn tết xong mới đi. Cụ ông có mái tóc bạc trắng búi phía sau rất lãng tử, bà lại mặc bộ bà ba đúng chất Nam bộ. Ông bà thân thiện với dì và tôi như người trong gia đình, sáu giờ tối thì đoàn lô tô bắt đầu hoạt động. Tiếng nhạc vang lên từ những chiếc loa phóng thanh, khâu chuẩn bị cho một buổi tối của các gian hàng đã hoàn thiện. Sân vận động đã bắt đầu có khách đến xem và chơi các trò chơi dân gian. Một giọng ca lanh lảnh vang lên, giọng hát đầy nội lực nhưng lại rất ngọt ngào. Tôi chạy ra để xem, trên sân khấu là một cô gái mặc áo bà ba vàng, chiếc quần lụa màu đen dáng người uyển chuyển như một ca sĩ thực thụ đang hát. Tiến lại gần để được ngắm nhìn dung nhan cô gái, người đánh trống kẻ chơi đàn và cả cô giới thiệu chương trình họ đều trong trang phục áo bà ba duyên dáng. Tôi phải căng mắt để tìm ra sự khác nhau của các cô gái nhưng thật sự họ rất đẹp, trừ khi họ nói chuyện thì giọng nói có âm vực của đàn ông ngoài ra họ là phụ nữ cực xinh trên sân khấu. Càng về đêm thì dòng người tiến vào hội chợ càng đông, các gian hàng hoạt động hết công suất để phục vụ bà con vui chơi. Đến mười một giờ đêm thì mọi hoạt động nghỉ, mọi người trong đoàn đi ăn và ngủ lấy sức cho ngày mai tiếp tục làm việc.

Tôi nằm trên chiếc giường tre dù đã có mùng che nhưng đàn muỗi vẫn vo ve, phần vì lạ nơi nên không tài nào ngủ được. Chốc lát cụ ông lại ho lên, cụ bà lê chiếc dép lách tách đi vệ sinh. Miên man với kiếp người, cặp vợ chồng ông lão làm tôi man mác buồn. Qua bữa cơm chiều ông lão kể lại họ đã lấy nhau rất lâu nhưng không có con, cuộc sống hai người già không có lương hưu vì họ toàn làm công việc tự do. Gia tài chỉ là ngôi nhà tranh và mảnh đất nhỏ đã bán cho dì tôi, rốt cuộc con người đến cõi trần gian như một định mệnh. Ra đi để hoàn thành sứ mệnh được giao, vui buồn trả lại cho trần thế.

Sáng sớm tôi dậy vươn vai mình vài động tác, bà cụ đã chiêu đãi món bánh lá dừa nóng hổi. Hình như bà làm từ đêm qua lúc tôi mãi mê xem lô tô, món bánh nếp gói trong lá dừa mà tôi lần đầu được ăn. Hương thơm của nếp, của đậu hoà vào mùi thơm của lá dừa tạo nên một mùi thơm đặc trưng. Sáng đó tôi đi bộ trong thị trấn, trước khi về đây người ta nói với tôi rằng đến Ba Tri mà không thăm nhà và mộ Nguyễn Đình Chiểu thì coi như chưa đến. Khi đi qua ngôi nhà của ông khá hoang sơ, phần vì không ai ở, phần vì người dân thắp hương nên không gian khá u ám. Đến phần mộ của ông thì khác hẳn, nơi đây nhộn nhịp người qua lại. Phía ngoài lăng mộ có rất nhiều người bán đặc sản Bến Tre như kẹo dừa, bánh nước dừa và nhiều loại trái cây. Phía trong khu mộ trang nghiêm, có nhiều cây cối cổ thụ. Khuôn viên được vệ sinh sạch sẽ, có nơi cho khách thập phương dâng hương tưởng nhớ đến cụ Đồ Chiểu, có nơi để ngồi đọc sách. Buổi sáng nơi đây trời vừa hửng nắng, những chú chim non đang ríu rít trên cành cao. Tôi ngồi lơ đãng nghĩ về xa xôi, ngắm nhìn những cây dừa trĩu quả.

Cảm ơn cuộc đời vì mình đã được đến nơi đây, thỏa lòng mong mỏi của những ngày ngồi trên ghế nhà trường. Thăm được mộ nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, tìm hiểu và cảm nhận được tấm lòng của người miền Tây. Một lần trải nghiệm thú vị và tôi đã rất nhiều lần đến nơi đây, giờ đây lăng mộ Nguyễn Đình Chiểu đã được tôn tạo khang trang hơn nhiều so với năm 2000.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.