Theo UBND tỉnh Bắc Giang, từ năm 2020 địa phương này đã hỗ trợ xây dựng 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đặt tại các huyện: Lục Nam, Yên Thế, Việt Yên và TP.Bắc Giang.
Các điểm giới thiệu này vận hành theo mô hình siêu thị mini, đặt tại các điểm du lịch hoặc khu đông dân cư giúp người dân, khách du lịch có thể dễ dàng mua sắm các sản phẩm OCOP.
Để hỗ trợ, kích cầu tiêu thụ sản phẩm OCOP ở các xã nông thôn mới, cuối tháng 10 vừa qua, lần đầu tiên HĐND và UBND tỉnh Bắc Giang cử đại diện lãnh đạo tham gia đối thoại, lắng nghe kiến nghị, đề xuất từ các hộ sản xuất, hợp tác xã.
Cuộc đối thoại này có sự chủ trì của bà Lâm Thị Hương Thành, Phó chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Sở NN-PTNT, Sở Công thương, đại diện UBND các huyện, thành phố và chủ cơ sở có sản phẩm được chứng nhận OCOP.
Theo đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang, sau gần 5 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, chương trình OCOP, đến nay toàn tỉnh có 255 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên ( 31 mặt hàng đạt 4 sao còn lại 3 sao). Đặc biệt, Bắc Giang có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao cấp quốc gia là đặc sản vải thiều Lục Ngạn của Hợp tác xã nông nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân (Lục Ngạn).
Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thiết, đại diện HXT tiêu thụ vải thiều sớm Phúc Hòa (Tân Yên), cho biết vải thiều sớm Phúc Hòa có thời gian thu hoạch ngắn trong khi mỗi lần làm hồ sơ, thủ tục mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ hoạt động sản xuất.
Theo đó, ông Thiết đề nghị thời gian công nhận sản phẩm OCOP 3 sao nên kéo dài lên 4 - 6 năm, thay vì 3 năm như hiện nay.
Cần chính sách tín dụng ưu đãi cho sản phẩm OCOP 3 sao trở lên
Cũng tại hội nghị, đại diện các hợp tác xã, lãnh đạo các xã nông thôn mới đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành có chính sách tín dụng ưu đãi, áp dụng chung cho sản phẩm OCOP 3 sao trở lên.
Bên cạnh đó, các ngân hàng có mức vay ưu đãi dài hạn để có đủ năng lực về tài chính yên tâm đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Bà Lâm Thị Hương Thành cho biết để triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, những năm qua địa phương này đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản.. để đáp ứng xu hướng phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết, xây dựng chuỗi giá trị, gia tăng giá trị sản phẩm.
Nhưng để kích cầu sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân ở các xã nông thôn mới, Bắc Giang tiếp tục lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp từ cơ sở để ban hành chính sách đặc thù, đặc biệt là hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Cũng theo Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP, địa phương này đang hỗ trợ các hợp tác xã, cơ sở sản xuất tham gia nhiều hội chợ triển lãm xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Nội, TP.HCM; hoặc đưa sản phẩm lên giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử.
Bình luận (0)