Sáng 30.6, Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (tức quốc hội) Trung Quốc thông qua dự luật an ninh quốc gia dành cho Hồng Kông. Chiều tối cùng ngày, Tân Hoa xã đưa tin dự luật này đã được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký ban hành thành luật.
Luật mới bắt đầu có hiệu lực từ 23 giờ ngày 30.6 (22 giờ theo giờ VN), ngay trước kỷ niệm tròn 23 năm Anh trao trả Hồng Kông vào ngày 1.7.1997.
Hình phạt tối đa là tù chung thân
Theo Tân Hoa xã, luật an ninh nói trên có 6 chương, 66 điều. Nội dung chi tiết chưa được công bố nhưng trong luật có các điều khoản về ngăn chặn, chấm dứt và trừng phạt 4 hành vi phạm tội gồm ly khai, lật đổ quyền lực nhà nước, hoạt động khủng bố và cấu kết với các thế lực bên ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Hình phạt nặng nhất có thể được áp dụng theo luật mới là tù chung thân, theo tờ South China Morning Post (SCMP).
Ngoài ra, theo một số chi tiết được công bố trước đó, Hồng Kông sẽ lập một ủy ban an ninh quốc gia do đặc khu trưởng đứng đầu. Ủy ban này cũng sẽ có một cố vấn an ninh quốc gia do chính phủ Trung Quốc chọn.
Đài Loan, Anh, Nhật phản ứngLãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hôm qua cho hay bà thất vọng về việc quốc hội Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia dành cho Hồng Kông. Chính quyền Đài Loan còn ra thông báo cho rằng luật mới sẽ “tác động nghiêm trọng” đối với tự do, dân chủ ở Hồng Kông, đồng thời cảnh báo người dân Đài Loan về những “nguy cơ tiềm tàng” khi đến Hồng Kông, theo Reuters.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho hay chính phủ nước này quan ngại sâu sắc về thông tin Bắc Kinh thông qua luật nói trên, cho rằng đó là “bước đi nghiêm trọng”, theo tờ SCMP. Tương tự, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga lấy làm tiếc về quyết định của Trung Quốc.
|
Giới chức ở Hồng Kông và Trung Quốc lâu nay khẳng định luật mới chỉ nhắm vào những “kẻ gây rối” và sẽ không ảnh hưởng tới các quyền và tự do cũng như lợi ích của giới đầu tư.
Sau khi luật mới được thông qua, cựu thủ lĩnh phong trào biểu tình Hồng Kông Hoàng Chi Phong (24 tuổi) viết trên Twitter rằng anh rút khỏi tổ chức chính trị đối lập Demosisto do anh đồng sáng lập vì cho rằng mình có thể bị nhắm tới. Demosisto sau đó thông báo tổ chức này chính thức giải thể.
Trong khi đó, tờ SCMP dẫn lời các nhà hoạt động đối lập ở Hồng Kông cho hay họ sẽ bất chấp lệnh cấm tổ chức tuần hành ngày 1.7 của cảnh sát và sẽ dùng biện pháp bất tuân dân sự để phản đối luật an ninh quốc gia.
Mỹ quyết liệt phản ứng
Chỉ ít giờ trước khi luật trên được thông qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho hay từ ngày 29.6, Washington ngừng xuất khẩu thiết bị quân sự cho Hồng Kông và sẽ có biện pháp kế tiếp để chấm dứt việc xuất khẩu công nghệ có thể dùng cho mục đích dân sự lẫn quân sự cho đặc khu.
Cùng ngày, Bộ Thương mại Mỹ thông báo đang tạm dừng đối xử với Hồng Kông đặc biệt hơn so với đại lục và đang xem xét những hành động khác nhằm loại bỏ quy chế đặc biệt dành cho Hồng Kông, theo Reuters. Đây là hành động mới của Mỹ nhằm phản đối Trung Quốc ban hành luật an ninh quốc gia dành cho Hồng Kông. Trước đó, Mỹ đã hạn chế thị thực cho một số quan chức Trung Quốc mà Mỹ cho là có trách nhiệm gây tổn hại cho quyền tự trị của Hồng Kông.
Phản ứng trước động thái mới của Mỹ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm qua tuyên bố luật an ninh quốc gia dành cho Hồng Kông là vấn đề nội bộ của nước này và không quốc gia nào có quyền can thiệp. Ông Triệu còn nhấn mạnh Trung Quốc “sẽ thực hiện biện pháp đáp trả cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia”.
Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga thì tuyên bố Hồng Kông sẽ không sợ bất kỳ lệnh cấm vận nào và đã chuẩn bị đối phó động thái của Mỹ, theo Tân Hoa xã.
Bình luận (0)