Bạc Liêu - đâu chỉ là trạm dừng chân

03/11/2022 11:00 GMT+7

Bạn bảo: “ Bạc Liêu chỉ là nơi người ta ghé lại, hái chùm nhãn, ăn tô bún bò cay rồi đi...”.

“Đi” là đi Cà Mau hoặc quày lên Sóc Trăng để nghỉ đêm lại trong các chuyến hành hương, du lịch. Khách đến Bạc Liêu một là dân bản xứ xa quê, Việt kiều về thăm nguồn cội, hai là người ta đi công tác. Để ngủ nghỉ lại Bạc Liêu mà khai thác du lịch thì ít.

Chợ Bạc Liêu bao năm rồi vẫn vậy, anh chị em tiểu thương vẫn giữ đúng kiểu miền Tây

huy gia phương

Nói rồi bạn thở ra dài hơi, tay lật miếng sườn đang cháy cạnh trên bếp than. Quán cơm nhỏ bình dân nườm nượp khách. Mình ngồi đó ít khi gợi chuyện, để bạn rảnh tay bán buôn. Chợ Bạc Liêu bao năm rồi vẫn vậy, anh chị em tiểu thương vẫn giữ đúng kiểu miền Tây, thiệt tình cân đong từng con ba khía, từng cọng bồn bồn. Miệng rôm rả chuyện sớm mơi có đoàn khách lội vô chợ tìm mua cho được món bánh bò được ủ từ men cơm rượu. Họ bảo: “Đi giáp Nam Kỳ lục tỉnh cũng chưa ăn được miếng bánh bò nào mềm mà thơm như bánh bò bán ở chợ Bạc Liêu!”.

Miếng bánh bò rễ tre được người Bạc Liêu tỉ mẩn từ khâu ủ bột. Cơm rượu loại được lên men để dành riêng cho bánh bò, “nặng đô” hơn loại cơm rượu dùng để ăn với xôi. Nhồi năm phần bột năm phần cơm rượu ủ làm bột cái, sau đó mới lấy bột cái pha cùng bột gạo và nước dừa tươi, ủ nguyên đêm cho dậy bột mới đổ được miếng bánh bò rễ tre mềm ụi, ngọt lịm như tiếng rao xuyên buổi chợ: “Bánh bò, bánh da lợn, xôi vị, tằm bì... nước cốt dừa đi chế ơi, hia ơi...”.

Hỏi sao người ta không ghé lại mua cho được. Rồi dĩa bánh tằm bì chan nước cốt dừa, thêm viên xíu mại “bự tổ chảng”. Cọng bánh tằm mướt rượt dính chút mỡ hành, ngấm chút nước mắm chua cay quyện vào vị béo của nước cốt. Món bình dân, dễ ăn mà ngon đến hút hồn. Nếu chưa “đủ đô” thì tạt ra đầu chợ, hướng rẽ về bãi xe để kêu tô hủ tiếu mì xá xíu trộn khô. Gắp một đũa, húp miếng nước lèo có miếng khô mực xé thiệt là hết sẩy.

Đi giáp chợ mua về thành phố mấy lọn bồn bồn tươi non làm quà. Loại này bây giờ hầu như Sài Gòn có đủ, mua online thì cũng vận chuyển từ Bạc Liêu, Cà Mau mà thôi. Nhưng được tận tay chọn lựa, giả bộ trả giá chút đỉnh rồi mua tại chợ thì người mua vẫn có cảm giác hơn ngồi tại nhà mua món quê. Đã lỡ lội về tận chợ Bạc Liêu thì tìm mua cho được ba khía sống đóng thùng mang lên. Ba khía ở Sài Gòn thì toàn ba khía muối làm mắm. Khâu chuẩn bị cho món này cũng phải mất cả vài ngày sau khi tẩm ướp mới thật sự ngon. Còn ba khía sống thì rang muối, rang me, chấy tỏi, hấp bia... Thậm chí cũng có thể luộc đơn giản thôi rồi chấm muối tiêu chanh, cả nhà xúm xít ngồi gỡ cho thỏa sự nhớ thương xưa cũ.

Bạc Liêu. Mới nhắc có một khúc chợ thôi mà đã nao lòng. Hỏi bạn vậy chớ dừng chân rồi đi sao đành? Phải nghỉ lại một đêm để sáng hôm sau thức sớm, chạy về hướng vườn nhãn, ghé quán bún bò cay chính gốc kêu một tô cho đã cuộc đời, nếu lỡ tới trễ thì coi như chuyến về quê lỡ mất nửa phần thi vị. Bò cay bây giờ hầu như được bán trải dài từ Bạc Liêu đến Cà Mau, thậm chí Sài Gòn cũng có vài quán. Nhưng quán lâu đời nhất, chính gốc Bạc Liêu nhất vẫn là quán bò cay nằm phía tay trái hướng về vườn nhãn. Mùi vị nguyên sơ không thay đổi từ lúc ông nội còn trẻ, đến ba mẹ mình và hiện tại cả con cái mình thỉnh thoảng vẫn được đưa về Bạc Liêu để thưởng thức.

Miếng nạm bò rút sườn được cắt vuông vức, nhỏ vừa, nước lèo hơi sánh được nấu từ nghệ tươi, nước ớt. Ớt ở đây chủ quán sử dụng ớt nguyên trái phơi khô sau đó xay nhuyễn rồi nấu lấy nước cốt nấu ra món bò cay “thần thánh” này, món của tuổi thơ biết bao thế hệ xa quê như gia đình mình. Tô bò cay được bưng ra chỉ vỏn vẹn dĩa rau húng quế, chén muối ớt được giã bằng muối hột Bạc Liêu, loại muối có độ mặn dịu hơn bất kỳ muối ở địa phương khác. Dĩa bánh quẩy vàng giòn sẽ là món ăn kèm không thể thiếu với bò cay. Vắt chanh vào chén muối rồi tuốt lá quế thiệt nhiều vô tô bún. Gắp một đũa bún, múc ít nước lèo húp nhẹ sau đó chấm miếng thịt bò vào muối ớt rồi đưa vô miệng. Cảm giác mắt, mũi bạn lúc này bắt đầu “sụt sịt”. Tiếp đó, “chữa cháy” bằng miếng bánh quẩy giòn rụm. Thích thì ăn bánh không, còn đúng điệu bò cay thì chấm vô tô nước lèo một miếng. Nếu là người thử món lần đầu, hãy thủ sẵn một xấp khăn giấy trên tay để chậm nước mắt, lau mồ hôi... Ăn hết tô bún kiểu như vừa được xông hơi, cảm giác thật vô cùng là Bạc Liêu mà chỉ có dân kỳ cựu ở Bạc Liêu này mới hiểu.

Bạc Liêu vẫn là nơi chốn để tựa nương, để ngồi lại thưởng thức từng miếng bánh, từng tiếng chim, từng vạt ráng chiều ửng đỏ tít xa ngoài biển....

huy gia phương

Bò cay Bạc Liêu. Từ khóa mà hơn mười năm trước bạn search không ra bất kỳ thông tin gì trên Google, bởi món ăn độc nhất chỉ có ở Bạc Liêu. Theo lời ông bà kể lại, người “khai sinh” ra món ăn này lúc bấy giờ đang là đầu bếp riêng cho Tỉnh trưởng Bạc Liêu, ông là người gốc Huế nên đã nghĩ ra được một món ăn đơn giản với công dụng là giải rượu cho ông chủ. Nước ớt là món nghe qua đã nghĩ ngay đến việc nếu ăn nhiều có thể gây hại cho bao tử, nhưng cách sử dụng nghệ vào món ăn đã dung hòa tô bún và giải quyết được vấn đề. Đó chính là cái tâm của người làm ra món bún được gắn liền với địa danh quê hương Công Tử.

Dậy sớm ở Bạc Liêu để chạy đi ăn cho kịp tô bò cay rồi thì sẵn trớn mà đi luôn ra Mẹ Nam Hải thắp hương. Những năm gần đây, khách thập phương về chốn này hành hương không ít, đường sá ra biển cũng được nâng cấp ngon lành. Nhà hàng, quán ăn, các dịch vụ lớn nhỏ phục vụ du khách sinh sôi rôm rả. Vậy mới hay Bạc Liêu mình một khi đã quyết định về thì là về, ở lại hay tiện đường ghé qua thì Bạc Liêu vẫn là nơi khiến mình phải chậm lại một chút, để thưởng thức món này, ghé tham quan chỗ kia. Bạc Liêu không phải chỉ có vườn nhãn, vườn chim hay nhà hàng thủy tạ Nhà Mát. Đứng từ Khu du lịch Nhà Mát bạn sẽ nhìn thấy công trình Điện gió ven biển lớn nhất Việt Nam được xây dựng từ năm 2010.

Chiều tối, để thay đổi không khí thì chợ hải sản ven biển, hướng từ Khu du lịch Nhà Mát đi vô sẽ là nơi bạn có thể cùng gia đình dừng lại, chọn vài món tươi ngon và được chế biến tại chỗ. Ngồi đó nhìn ra biển bạn sẽ thấy hoàng hôn ở Bạc Liêu thật đẹp.

Sau đó thì Nhà hát Cao Văn Lầu với biểu tượng ba chiếc nón lá, chiếc đờn kìm biểu tượng nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ ở Quảng trường Hùng Vương. Đó là những nơi luôn níu chân du khách từ khắp mọi miền đất nước.

Bạc Liêu. Bạn ở lâu nhìn thấy quen, thấy mọi thứ bình thường. Còn mình, dù những chuyến công tác ngang qua hay những lần về lại. Bạc Liêu vẫn là nơi chốn để tựa nương, để ngồi lại thưởng thức từng miếng bánh, từng tiếng chim, từng vạt ráng chiều ửng đỏ tít xa ngoài biển....

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.