Bác sĩ Lê Thảo Nguyên (bác sĩ dinh dưỡng, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn) trả lời:
Lưỡi heo là một loại thực phẩm quen thuộc, có thể bắt gặp trong các bữa cơm thường ngày hoặc trong các mâm cỗ của người Việt. Theo thống kê, lưỡi heo có nhiều dinh dưỡng, đặc biệt tốt cho phụ nữ mang thai hoặc những người đang hồi phục sức khỏe sau bệnh tật.
Thành phần dinh dưỡng chính của lưỡi heo bao gồm:
Protein: Lưỡi heo chứa lượng protein cao, khoảng 14,2 g protein/100 g thực phẩm này. Protein trong lưỡi heo giúp xây dựng và duy trì các mô cơ, phát triển và sửa chữa tế bào.
Vitamin và khoáng chất: Lưỡi heo chứa vitamin B12, vitamin B3, các khoáng chất đáng chú ý như sắt và kẽm. Nhờ có những loại vitamin và khoáng chất này, lưỡi heo là nguồn thực phẩm hỗ trợ hệ thần kinh, tốt cho da và hệ tiêu hóa, ngăn ngừa tình trạng thiếu máu.
Chất béo: Cứ 100 g lưỡi heo có khoảng 12,8 g chất béo, chủ yếu là dạng chất béo bão hòa, hỗ trợ cơ thể hấp thụ các loại vitamin tan trong chất béo.
Calories: Trung bình 100 g lưỡi heo chứa khoảng 178 calo. Lượng calo sẽ dao động tùy thuộc vào cách thức chế biến.
Cholesterol: Lưỡi heo có hàm lượng cholesterol khá cao. Trong 100 g lưỡi heo có khoảng 101 mg cholesterol.
Lưỡi heo giàu dinh dưỡng nhưng cũng chứa nhiều cholesterol
Lưỡi heo là một loại thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng, có tác dụng bồi bổ sức khỏe. Tuy nhiên, lưỡi heo cũng chứa một lượng lớn cholesterol. Vì vậy, cần kiểm soát tần suất sử dụng loại thực phẩm này trong bữa ăn hằng ngày, đặc biệt là đối với những người có vấn đề tim mạch, cao huyết áp, người cao tuổi hoặc có rối loạn mỡ máu, những người này cần kiểm soát lượng cholesterol nạp vào cơ thể (dưới 200 mg cholesterol/ngày).
Ngoài ra, lưỡi heo cũng có lượng purin cao (khoảng 136 mg purin/100 g lưỡi heo), đây là hợp chất phân hủy và chuyển hóa thành axit uric khi vào cơ thể, có thể gây nên tình trạng tăng axit uric máu. Vì vậy người đang có vấn đề về khớp và bệnh gout cũng nên cẩn trọng, không nên thường xuyên ăn lưỡi heo.
Bình luận (0)