Bác sĩ BV Bệnh nhiệt đới T.Ư: 'Chúng tôi lo lắng nhưng không hề sợ Covid-19'

07/04/2020 19:18 GMT+7

Chiều 7.4, sau khi công bố 11 bệnh nhân nhiễm Covid-19 được Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư điều trị khỏi bệnh, các bác sĩ trực tiếp điều trị đã chia sẻ với báo chí về quá trình điều trị các bệnh nhân.

Dù 15 giờ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) mới bắt đầu công bố thông tin 11 bệnh nhân nhiễm Covid-19 được điều trị khỏi bệnh, nhưng từ 14 giờ, nhiều phóng viên đã có mặt tại bệnh viện này để đợi đưa tin.
Một số bệnh nhân trong 11 người vừa được điều trị khỏi bệnh cũng được bệnh viện đồng ý cho tiếp xúc với báo chí, trả lời phỏng vấn tại sảnh chính bệnh viện (có đeo khẩu trang).
Hòa chung niềm vui của các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân là các bác sĩ trực tiếp điều trị cho 11 người khỏi bệnh lần này. Chia sẻ với báo chí, bác sĩ Trần Thị Hải Ninh, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2, cho biết bệnh viện đang điều trị hàng chục bệnh nhân nhiễm Covid-19, được chia làm các nhóm có biểu hiện lâm sàng nặng, nhẹ khác nhau.

Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân nặng được xem là F1

Các bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với virus gây bệnh Covid-19 nhưng biểu hiệu lâm sàng nhẹ, ít triệu chứng, thì được điều trị riêng tại một khu. Những bệnh nhân có biểu hiện suy hô hấp, cần phải thở ô xy thì được điều trị tại khu vực riêng. Thứ ba là nhóm bệnh nhân nguy kịch, cần phải thở bằng máy, cũng được điều trị riêng.

Bác sĩ Trần Thị Hải Ninh cho biết, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư đang điều trị cho hàng chục bệnh nhân nhiễm Covid-19

Ảnh Đan Hạ

Những bác sĩ, cán bộ y tế tiếp xúc điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng được tính là F1, sẽ phải cách ly tuyệt đối, gần như không tiếp xúc với đồng nghiệp khác, lẫn người ngoài.
Theo bác sĩ Ninh, cơ sở vật chất của bệnh viện hiện chưa đáp ứng được mỗi người 1 phòng nên phương án xử lý là những bệnh nhân có cùng yếu tố dịch tễ, biểu hiện bệnh tương tự nhau sẽ nằm cùng phòng. Sau đó, việc chuyển bệnh nhân sẽ tùy thuộc vào tình trạng bệnh tình diễn biến ở các giai đoạn khác nhau.
Bác sĩ Đỗ Thị Phương Mai, Phó trưởng Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, trực tiếp điều trị cho bệnh nhân 136, cho biết có 4 khoa tại bệnh viện cùng điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19. Riêng Khoa nhiễm khuẩn tổng hợp được phân công điều trị 39 bệnh nhân nhiễm Covid-19,  nhưng chưa trường hợp nào cần hỗ trợ bằng thiết bị. 
Cũng theo bác sĩ Mai, mỗi bệnh nhân lại có phác đồ điều trị riêng. Những người tham gia điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 mỗi ngày đều phải ngồi lại với nhau để hội chẩn, với sự hỗ trợ của Bộ Y tế, Hội đồng chuyên môn, để báo cáo, đánh giá tình hình từng người.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư 2 đang điều trị cho hàng chục bệnh nhân nhiễm Covid-19

Ảnh Đan Hạ

Bác sĩ Mai cho biết, so với thời gian trước, giai đoạn này có nhiều bệnh nhân nhiễm Covid-19 hơn, tốc độ tăng số lượng bệnh nhân nhanh hơn, bệnh cảnh lâm sàng cũng phức tạp hơn, nặng hơn. Thậm chí, có một số ca phải thở bằng máy, lọc máu.
Dù vậy, tập thể các y, bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 luôn nỗ lực cố gắng giữ gìn, hỗ trợ tích cực cho các bệnh nhân để họ không lâm vào tình trạng nặng hơn, qua đó cũng giúp đỡ nặng gánh hơn cho đội ngũ bác sĩ, bệnh viện.

1 tháng chưa về nhà

Bên cạnh những thuận lợi nhất định, theo bác sĩ Mai, quá trình điều trị bệnh nhân Covid-19 cũng gặp không ít khó khăn, nhất là việc bệnh nhân gặp tác dụng phụ của thuốc qua các phác đồ điều trị khác nhau, khiến các bác sĩ trăn trở nhiều.
“Chúng tôi luôn phải tìm kiếm các loại thuốc, liều lượng thuốc phù hợp với thể trạng từng bệnh nhân người Việt Nam để sử dụng, kết hợp cho mỗi bệnh nhân. Một số loại thuốc đã được tiếp xúc, sử dụng rồi thì dễ dàng hơn, nhưng cũng có những loại thuốc mới biết đến, nên việc sử dụng như thế nào, cho ai, liều lượng ra sao khó khăn hơn. Chắc chắn sau đợt dịch này, chúng tôi sẽ có báo cáo tổng kết về các biểu hiện lâm sàng khác lạ của bệnh", bác sĩ Mai nói.
Đồng thời, bác sĩ Mai cho biết, có những bệnh nhân nếu bệnh tiến triển nhanh thì rất nhanh, ví dụ như 1 trường hợp bệnh nhân là người của Công ty TNHH Trường Sinh, khi nhập viện buổi sáng còn thở bình thường mà chiều đã suy hô hấp, phải chuyển đến khoa cấp cứu. Một số trường hợp khác cũng tiến triển xấu nhanh, nhưng khống chế tốt nên chưa phải xuống khoa cấp cứu.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư 2 chưa đủ cơ sở để bố trí cho mỗi bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở một phòng

Ảnh Đan Hạ

Bác sĩ Mai cũng cho biết, bản thân và nhiều đồng nghiệp khác khoảng 1 tháng nay không về nhà, ở liền trong bệnh viện. Bác sĩ điều trị phải mang đồ bảo hộ, đeo khẩu trang 24/24 giờ mỗi ngày làm việc.
Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp có 39 bệnh nhân mắc Covid-19 nên phải chia làm 2 tốp, mỗi tốp có 3 bác sĩ, 8 điều dưỡng để đổi ca làm việc. Mỗi tốp làm 14 ngày rồi lại nghỉ, tự cách ly, hết thời gian cách ly lại "chiến đấu" tiếp, không được về nhà. Kết thúc chiến dịch sẽ phải tự cách ly thêm 14 ngày.
“Bản thân chúng tôi cũng rất lo lắng, nhưng không hề sợ Covid-19, do dựa trên kiến thức được tập huấn nhiều lần, tránh lây nhiễm chéo trong điều trị bệnh nhân. Nhiều nhân viên y tế ban đầu cũng khá lo lắng, nhưng rồi qua tập huấn, tâm lý đã dần ổn định", bác sĩ Mai chia sẻ.

"Em rất cảm ơn các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế"

Chia sẻ với Thanh Niên, bệnh nhân T.A.T (23 tuổi, bệnh nhân số 136, du học sinh Mỹ) cho biết, khi nhập viện không có nhiều triệu chứng rõ rệt, dù xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Bệnh nhân được các bác sĩ đánh giá bệnh cảnh ở thể nhẹ.
“Trong thời gian điều trị Covid-19, bác sĩ đưa cho em nước súc họng và nước nhỏ mũi chứ chưa phải dùng các phác đồ điều trị đặc biệt. Sau khoảng 1 tuần điều trị, sau khi xét nghiệm lại thì cho kết quả âm tính.
Một số người có thể trạng không tốt bằng em nên bệnh nặng hơn. Sau khoảng 1 tuần nhập viện điều trị, em có kết quả âm tính luôn, nhưng các bác sĩ đề nghị ở lại viện để tiếp tục theo dõi.
Khi biết mình hết bệnh, em lập tức báo tin cho người nhà và bạn bè, chia vui. Thật lòng, em rất cảm ơn các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế của bệnh viện đã tận tình chăm sóc em suốt thời gian qua”, bệnh nhân 136 chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.