Tờ South China Morning Post ngày 6.4 dẫn khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường Nielsen (Mỹ) cho thấy thói quen ăn uống của người tiêu dùng châu Á sẽ thay đổi sau khi đại dịch Covid-19 qua đi.
Khảo sát lấy ý kiến của hơn 6.000 người tại 11 nước và vùng lãnh thổ ở Đông Á từ ngày 6 - 17.3. Theo đó, 86% người Trung Quốc trả lời họ ăn cơm ở nhà thường xuyên hơn thời điểm trước đại dịch, tiếp theo là Hồng Kông (77%); Hàn Quốc, Malaysia, Việt Nam (cùng 62%).
Ông Vaughan Ryan, giám đốc phụ trách khu vực Đông Nam Á của Nielsen nhận xét dịch Covid-19 đã thay đổi thái độ và hành vi của người tiêu dùng, nhưng ông không cho rằng họ sẽ không đi ăn ở ngoài nữa. Dù vậy, ông Ryan thừa nhận ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài và người tiêu dùng sẽ tiếp tục ăn cơm tại nhà trong tương lai gần.
Mặt khác, khảo sát cũng cho thấy doanh số bán các sản phẩm thuộc nhóm hàng tiêu dùng nhanh (thực phẩm đóng gói, đồ uống, đồ dùng vệ sinh...) tăng trung bình 20% mỗi tuần từ khi dịch Covid-19 lây lan.
|
Bà Norma Chu, sáng lập nền tảng dạy nấu ăn DayDayCook ở Hồng Kông cho biết người tiêu dùng mua sắm trên website bán lẻ Tmall đã bớt mua các đồ dùng không thiết yếu như các loại bánh snack, các loại hạt... và thay thế bằng những thực phẩm thiết yếu như gạo, mì, dầu ăn, gia vị...
Việc người tiêu dùng thay đổi thói quen ăn uống cũng ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà hàng, tiệm ăn và buộc các cơ sở này phải xem xét lại chiến lược, hình thức kinh doanh.
Bà Deepika Chandrasekar, phân tích viên của hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor International (Anh) cho biết quy định về giới hạn đi lại, cấm tụ tập đông người và giữ khoảng cách tại Singapore đã khiến các nhà hàng chịu ảnh hưởng. Ngay cả khi lượng đơn đặt hàng qua mạng ngày càng tăng nhưng phần lớn doanh thu của các nhà hàng là từ lượng khách đến ăn tại nhà hàng.
“Rõ ràng là hành vi của người tiêu dùng trong tương lai gần đã thay đổi và câu hỏi lúc này là khi nào điều đó quay trở lại bình thường? Đáp án có thể là không bao giờ;”, chuyên gia Ryan của Nielsen kết luận.
Bình luận (0)