Truyền thông Mỹ không tiết lộ tên nữ bệnh nhân, chỉ biết bà sống ở thành phố Chicago, Illinois (Mỹ). Bà đến phòng cấp cứu tại một bệnh viện địa phương khi bị đau bụng và không thể đi tiểu suốt 3 ngày, theo Daily Mail.
Bà nói với bác sĩ Rohit Agrawal, người trực tiếp điều trị, là thường xuyên bị chứng khó tiểu hành hạ suốt 6 tháng qua.
Ban đầu, người phụ nữ có đi khám bác sĩ và bị chẩn đoán nhiễm trùng đường tiểu. Cứ mỗi lần khó tiểu tái phát, bà lại uống kháng sinh. Bác sĩ Agrawal và các cộng sự nhận thấy bệnh nhân sẽ dễ đi tiểu hơn khi nằm tiểu.
Các xét nghiệm cho thấy nồng độ nitơ urê trong máu là 115mg/dL, cao hơn đến 16 lần so với mức bình thường. Đây là dấu hiệu cảnh báo thận đang gặp vấn đề. Những chẩn đoán sau đó phát hiện bà bị thận ứ nước, khiến thận sưng lên.
Bác sĩ đưa bà đi chụp CT và kết quả khiến nhiều người sửng sốt. Viên sỏi có đường kính khoảng 11 cm trong bàng quang người phụ nữ. Tiếp đến, bà cũng bị chẩn đoán tổn thương thận cấp tính.
Sau 3 ngày nằm viện, người phụ nữ được phẫu thuật. Ca mổ thực hiện tại Bệnh viện John H. Stroger Jr ở thành phố Chicago. Ba ngày sau ca phẫu thuật, chức năng thận của bà đã được cải thiện rõ rệt. Các bác sĩ đã chia sẻ ca bệnh “cực kỳ hiếm gặp” này trên chuyên san Oxford Medical Case Reports.
"Theo những gì chúng tôi biết, chỉ có vài trường hợp bị sỏi bàng quang lớn dị thường gây biến chứng và làm tổn thương thận. Do sỏi dạng này tương đối hiếm nên không có đủ số liệu để mô tả về tỷ lệ mắc bệnh, kiểm soát và theo dõi bệnh lâu dài”, các tác giả cho biết.
Dù thế nào thì sỏi bàng quang có kích thước lớn cũng cần phải được chẩn đoán và sớm phẫu thuật để tránh gây những tổn thương vĩnh viễn lên thận.
Sỏi bàng quang là khối khoáng chất tích tụ bên trong bàng quang. Để điều trị sỏi bàng quang, các bác sĩ thường tán sỏi bằng laser hoặc phẫu thuật, theo Cơ quan Sức khỏe quốc Anh (NHS).
Bình luận (0)