Bác sĩ học 6 năm, thực hành 18 tháng nhưng chỉ nhận lương 5 triệu/tháng

Lê Hiệp
Lê Hiệp
09/08/2022 19:23 GMT+7

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phản ánh tình trạng nhân viên y tế công lập bỏ việc nhiều do chế độ lương thấp, song các cơ quan quản lý chậm sửa đổi.

Chiều 9.8, tiếp tục phiên họp 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện tháng 7.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp

gia hân

Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phản ánh tình trạng nhân viên y tế trong các cơ sở y tế công lập, nhất là tuyến huyện, xã xin nghỉ việc tương đối nhiều.

Dẫn lại báo cáo gần đây nhất của công đoàn y tế tính, ông Tùng cho biết, từ năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, có 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, nghỉ việc.

Có nhiều nguyên nhân như công việc căng thẳng, thua sắm thuốc khó khăn, an toàn cho nhân viên y tế… Trong đó, một nguyên nhân quan trọng là chế độ lương cho nhân viên y tế thấp, chưa thoả đáng vì y tế công lập chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước.

Dẫn chứng cả phản ánh của báo chí cho biết một bác sĩ sau 6 năm học, 18 tháng thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề, nếu được tuyển dụng vào cơ sở y tế công lập thì lương tháng tính theo chế độ nhà nước khi mới làm việc là khoảng 5 triệu/tháng.

"Mức lương này đã cộng 40% phụ cấp ưu đãi, nhưng lại chưa trừ khoản bảo hiểm xã hội phải đóng", ông Tùng nói và cho biết, mức lương này nếu so sánh với mức thu nhập của cơ sở y tế ngoài công lập thì thấp hơn rất nhiều.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, công đoàn y tế đã đề xuất sửa đổi Nghị định 57 của Chính phủ; nâng mức hưởng phụ cấp ưu đãi lên cao hơn; xem xét từng bước tính đúng, tính đủ hơn giá dịch vụ y tế để tăng thu nhập cho nhân viên y tế.

“Hôm qua chúng tôi tổ chức phiên giải trình, chính Thứ trưởng Bộ Y tế báo cáo là thông tư để thay thế thông tư liên tịch từ năm 2007 đến tận bây giờ vẫn soạn thảo, chưa được ban hành do chưa thống nhất được với Bộ Nội vụ”, ông Tùng nêu thực tế.

Từ đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung nội dung này vào báo cáo của Ban Dân nguyện để có đề xuất cụ thể.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nêu ý kiến tại phiên họp

gia hân

Cùng mối quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết không chỉ riêng thu nhập của nhân viên y tế thấp mà trong hệ thống nhà nước hiện nay, cán bộ mới vào làm việc lương rất thấp.

“Cô giáo mầm non giờ đi ra ngoài làm việc ở doanh nghiệp rồi, bây giờ muốn thu hút để họ quay trở lại đi dạy rất khó vì lương giáo viên mầm non thấp hơn rất nhiều”, ông Vinh nêu thực tế.

Theo ông Vinh, việc cải cách tiền lương hoãn do khó khăn từ dịch bệnh đến thời điểm này cũng đã lắng xuống rồi. Do vậy phải tập trung thực hiện cải cách tiền lương để giải quyết vấn đề thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức.

Người khiếu kiện thường xuyên "tuần hành" tại khu vực Ba Đình

Báo cáo công tác dân nguyện tháng 7.2022 do Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày tại phiên họp cho biết, tình trạng công dân tập trung đông người tại Hà Nội để khiếu kiện tiếp tục diễn biến phức tạp.

Cụ thể, hiện còn khoảng 80 công dân khiếu kiện của 19 địa phương đang lưu trú trên địa bàn Hà Nội có nhiều hoạt động phức tạp về an ninh trật tự.

Tại khu vực Ba Đình thường xuyên có từ 20 - 30 người khiếu kiện "tuần hành" trên các tuyến phố trung tâm và tập trung tại khu vực xung quanh Nhà Quốc hội, nơi ở của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Ông Bình cho biết, đây là các vụ việc đã được các cơ quan ở T.Ư và địa phương giải quyết hết thẩm quyền, nhiều vụ việc đã được các cơ quan T.Ư tiếp, thực hiện rà soát, đã kết luận, thậm chí đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các địa phương giải quyết dứt điểm nhưng tình trạng tái khiếu, tái tố còn tiếp diễn.

Cơ quan chức năng đã tích cực tuyên truyền, vận động, thuyết phục các công dân trở về địa phương nhưng số công dân này không hợp tác và chỉ về địa phương khi được đáp ứng đòi hỏi được lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp ra Hà Nội đối thoại, trả lời bằng văn bản.

Ông Bình cũng dẫn báo cáo của Bộ Công an cho hay, trong tháng 7.2022, tình hình khiếu kiện đông người vẫn diễn biến hết sức phức tạp, nhất là ở một số địa phương thực hiện cưỡng chế, thu hồi đất, tháo dỡ công trình xây dựng trái phép.

Theo tổng hợp từ công an các địa phương có nổi lên 8 vụ việc khiếu kiện đông người có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.