Huy động lực lượng “khủng” chấm thi
Tại Hà Nội, nơi có số lượng bài thi lớn nhất cả nước (chiếm khoảng 1/10 tổng số thí sinh (TS) dự thi trên toàn quốc), Sở GD-ĐT cho biết đã huy động tới 695 cán bộ, giáo viên chấm thi. Trong đó 560 người tham gia ban chấm bài thi tự luận; 61 người tham gia ban chấm thi trắc nghiệm. Đây là số lượng lớn gấp nhiều lần so với các địa phương khác (tỉnh Hà Nam chỉ có 165 người). Cũng do số lượng bài thi quá lớn nên nếu như nhiều địa phương chỉ có 1 - 2 máy mỗi loại để chấm bài thi trắc nghiệm thì Hà Nội trang bị tới 11 máy quét bài, 10 máy in, 10 máy tính, 1 máy chủ… Việc chấm bài thi tự luận cũng có tới 24 phòng chấm, 12 phòng thống nhất điểm và 1 phòng chấm kiểm tra…
Đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết hiện công tác chấm thi đang diễn ra đúng tiến độ, kế hoạch đề ra, đảm bảo công bố kết quả tới TS vào ngày 24.7 theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Thanh Hóa cũng là địa phương có số lượng bài thi lớn thứ 3 cả nước, chỉ sau Hà Nội, TP.HCM với 37.727 TS dự thi. Ban làm phách và chấm thi tự luận gồm 364 người, ban chấm thi trắc nghiệm gồm 45 người. Bà Bùi Thị Thanh, Trưởng ban chấm thi tự luận tỉnh này, cho biết từ ngày 16 - 18.7, ban chấm thi sẽ tổ chức thống nhất điểm bài thi, sau đó từ ngày 19 - 21.7 tiến hành nhập điểm bài thi tự luận trên phần mềm.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ (phải) kiểm tra công tác chấm thi tại Quảng Nam |
MINH THU |
Sau Thanh Hóa, Nghệ An cũng là địa phương có số lượng bài thi rất lớn nên đã phải huy động hơn 400 cán bộ tham gia công tác chấm thi. Trong đó ban chấm thi tự luận có 324 người, với 280 cán bộ chấm thi, 24 cán bộ chấm kiểm tra. Tổng số cán bộ tham gia ban chấm thi trắc nghiệm là 41 người.
Ông Hoàng Mạnh Thắng, Trưởng ban Thư ký Hội đồng thi tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Do số lượng bài thi lớn nên việc tổ chức nhập điểm bài thi tự luận sẽ được thực hiện trên 8 máy tính, so với dự kiến 4 máy tính ban đầu. Sau khi thực hiện thành công khớp phách trên phần mềm, sẽ in biểu kiểm dò từ phần mềm để ban thư ký hội đồng thi thực hiện khớp phách bằng tay ngẫu nhiên ít nhất 20% số bài thi tự luận”. Đối với công tác chấm thi trắc nghiệm, do Hội đồng thi Thanh Hóa có số lượng TS đông nên quá trình chấm thi trắc nghiệm ở khâu quét ảnh, xuất đĩa dữ liệu cần nhiều thời gian, do vậy, ban chấm thi trắc nghiệm đã lập kế hoạch bổ sung làm tăng một buổi tối.
Không “sợ” cho điểm 10 môn văn
Bà Phạm Thị Thu Hường, Phó trưởng ban phụ trách chấm thi tự luận của Hội đồng thi tỉnh Nghệ An, cho biết tổ trưởng chấm thi tự luận thông tin Nghệ An đã chấm xong vòng 1 toàn bộ bài thi môn ngữ văn và hiện đang hoàn thành chấm thi vòng 2. Song song với đó là chấm kiểm tra và chấm lần 3, ráp điểm bài thi cho TS.
Theo báo cáo của ban chấm thi tự luận, có khoảng hơn 600 bài thi với gần 2% số bài thi tự luận được đề xuất chấm lần 3. Tuy nhiên trong số này không có bài nào phải chấm chung, mời 2 giám khảo chấm 2 vòng lên đối chất, tức là chênh lệch điểm giữa các giám khảo vẫn ở trong giới hạn cho phép.
Tra cứu điểm thi tốt nghiệp THPT tại thanhnien.vn
Ngay sau khi các địa phương được phép công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT trong ngày 24.7, Báo Thanh Niên sẽ đưa toàn bộ dữ liệu kết quả thi lên công cụ tra cứu điểm thi phục vụ TS và bạn đọc quan tâm.
Bên cạnh đó, website của Báo Thanh Niên sẽ tiếp tục có những thông tin về phổ điểm thi, đánh giá, phân tích kết quả thi, đối sánh điểm thi tốt nghiệp THPT của các địa phương…
Qua kiểm tra hàng loạt các địa phương trong tuần vừa qua về công tác chấm thi, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, lưu ý về việc điểm bài thi tự luận giữa các vòng vẫn có độ chênh lệch, do đó, cần tiếp tục quán triệt cán bộ chấm thi về quy chế, hướng dẫn chấm và phải tăng cường chấm kiểm tra. Việc chấm kiểm tra ngoài mức tối thiểu là 5% theo yêu cầu, có thể tăng thêm số lượng nếu thấy cần thiết. “Chấm kiểm tra không phải là chấm thay, làm hộ việc của giám khảo vòng 1, vòng 2, mà chính là giúp thầy cô chấm các vòng trước khẳng định, bảo vệ kết quả chấm của mình, chứng minh ban chấm thi thực hiện tốt nhiệm vụ; đồng thời trả lại điểm số đúng cho bài thi nếu có chênh lệch, đảm bảo công bằng cho TS”, ông Độ yêu cầu.
Với bài thi môn ngữ văn, ông Độ cho rằng giám khảo không nên "sợ" cho TS điểm 10, nhưng phải đảm bảo đúng, chính xác với năng lực và bài thi của từng em.
Công bố điểm thi lúc mấy giờ ?
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, việc công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ đồng loạt diễn ra trên cả nước vào ngày 24.7. Tuy nhiên, các năm trước, nhiều tỉnh thành công bố vào lúc 0 giờ, khiến TS và gia đình phải thức để “canh”. Năm nay TS cũng đang hồi hộp về thời gian cụ thể công bố điểm thi của địa phương mình. Đến thời điểm này, Ninh Bình là địa phương sớm đưa ra thời gian cụ thể để TS tra cứu kết quả thi. Cụ thể, Sở GD-ĐT Ninh Bình đã thông báo dự kiến thời gian thông báo điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay vào khoảng 8 giờ 24.7 cùng với địa chỉ cũng như cách tra cứu điểm thi.
Bình luận (0)