Sức mạnh của giấc ngủ
Matthew Walker là nhà khoa học người Anh, đồng thời là giáo sư khoa học thần kinh và tâm lý học tại Đại học California, Berkeley (Mỹ). Ông đã tham gia nhiều công trình nghiên cứu khoa học tập trung vào tác động của giấc ngủ đối với sức khỏe con người. Năm 2017, cuốn Why We Sleep của ông đã trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất thế giới (sách đã được chuyển ngữ và xuất bản tại Việt Nam với nhan đề: Sao chúng ta lại ngủ).
Trong Why We Sleep, tác giả Matthew Walker chia sẻ: “Ngủ là việc rất quan trọng đối với não. Khi có giấc ngủ ngon, các bộ phận trong cơ thể sẽ được tái tạo năng lượng và sửa chữa các sai sót”.
Tập thở bụng trong nắng sớm |
Chu Tuấn Huy |
Não bộ được xem là trung tâm điều khiển toàn bộ cơ thể con người. Nhận định của tiến sĩ Walker chứng tỏ sức mạnh của giấc ngủ ngon là rất “nặng ký”. Thực tế đã chứng minh khi có giấc ngủ ngon, bạn sẽ dễ có được sức khỏe dồi dào và đủ tỉnh táo để làm nhiều việc có hiệu quả, được bảo vệ để giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì…
Tuy vậy, để có được giấc ngủ ngon ổn định, người bị mất ngủ phải quyết tâm tổ chức cuộc sống theo hướng khoa học và lành mạnh để khỏi đi ngược lại các yêu cầu của bác sĩ. Cụ thể là không vì ham việc mà thức quá khuya, do buổi tối là khoảng thời gian để hệ thống miễn dịch bài tiết các chất độc. Trước giờ đi ngủ, không dùng điện thoại di động, xem ti vi, màn hình máy tính và các thiết bị công nghệ khác vì ánh sáng xanh từ các thiết bị này gây hại cho mắt và khiến bạn khó ngủ. Ngoài ra, còn thêm nhiều yêu cầu khác như hạn chế tối đa với rượu bia (lạm dụng dễ gây nhiều bệnh nặng) và hút thuốc lá (dễ mắc bệnh phổi).
Kiên trì từng bước
Khác với một số người bị “ngợp” khi đọc các yêu cầu trên và muốn… bỏ cuộc ngay lập tức, ông Phan Mỹ (68 tuổi, ngụ Q.5, TP.HCM) quyết tâm lấy lại giấc ngủ ngon của mình bằng cách chọn bước đi đầu tiên là dồn sức tập thở bụng, sau đó tiếp tục theo đuổi các yêu cầu còn lại.
Kỹ thuật thở bụng |
đồ họa: Trương Thùy Nhi |
Ông Mỹ nói: “Trong các cơ quan nội tạng của cơ thể con người, tôi chú tâm đến hệ hô hấp vì chỉ có phổi là cho phép con người dùng hơi thở để phối hợp hoạt động, không phải như nhịp đập hay co bóp của các bộ phận khác như tim, dạ dày, gan, thận… phải theo cơ chế tự động, con người không thể can thiệp”.
Phổi có hai nhiệm vụ chính là chuyển dưỡng khí (oxy) từ bên ngoài vào để nuôi các tế bào và đẩy thán khí (carbonic) cùng các chất độc khác ra ngoài. Vì vậy, ông Mỹ quyết định tập thở bụng, tìm cách “liên thông” với hệ hô hấp để cải thiện giấc ngủ.
Cách đây khoảng 70 năm, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện (1913 - 1997) có phổ biến bài vè dạy thở gồm 12 câu (48 chữ) với những hướng dẫn rất dễ hiểu:
Thót bụng thở ra/Phình bụng thở vào/Hai vai bất động/Chân tay thả lỏng/Êm chậm sâu đều/ Tập trung theo dõi/ Luồng ra luồng vào/Bình thường qua mũi/Khi gấp qua mồm/Đứng ngồi hay nằm/Ở đâu cũng được/Lúc nào cũng được!
Đây cũng là bài tập mà bác sĩ Viện đã áp dụng để tự chữa bệnh và kéo dài thời gian sống cho mình sau khi mắc bệnh lao vào năm 1942. Lúc này bệnh lao chưa có thuốc chữa như bây giờ.
Sau một thời gian được “thấm” bài vè trên, ông Phan Mỹ chọn thử phương pháp thở bụng với những người trằn trọc suốt đêm mà không ngủ được trong gia đình mình. Từ “Ở đâu cũng được - Lúc nào cũng được” của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, ông Mỹ xin chuyển thành “Ở giường cũng được - Lúc sắp ngủ cũng được” rồi mời họ lên giường nằm tập thở. Các bước thực hiện là: hít vào thật sâu bằng mũi rồi nín thở và phình bụng ra để nhận được nhiều oxy; sau đó dùng tay chủ động ép bụng quanh vùng rốn để đẩy khí độc ra khỏi cơ thể.
Sau vài ngày tập, có người đang tập thì… buồn ngủ thật, và họ rất vui vì có thành quả đầu tiên để tự tin và kiên trì tập luyện tiếp. Có thể xem đây là một bước đi quan trọng của những người mạnh dạn điều chỉnh thói quen cũ và quyết tâm vượt qua từng trở ngại một, không chấp nhận phải mất ngủ triền miên có thể nguy hiểm đến tính mạng. Với chia sẻ của mình, ông Mỹ hy vọng mọi người cùng thực hành thử cho bước khởi đầu đi tìm lại giấc ngủ ngon.
Bình luận (0)