Bán đồ ăn phải mang bao tay: Xử phạt đi kèm với tuyên truyền
22/10/2018 07:29 GMT+7
Bà Nguyễn Thu Hương, chủ quán bún bò nổi tiếng tại Q.10, cho biết từ khi bán bún, bà đã tập thói quen đeo bao tay khi chế biến, nay đã gần chục năm.
Tự động phát
“Tôi đeo bao tay không phải vì quy định A, B, C, D nào mà ngay chính bản thân mình thấy cần thiết phải đeo. An toàn cho chính mình, gia đình và khách hàng”.
“Theo tôi, ý thức của người bán hàng, người sản xuất kinh doanh thực phẩm mới quan trọng. Và điều này pháp luật giáo dục của chúng ta còn thiếu”, bà Hương nói thẳng và cho rằng quy định phạt mạnh nghe có vẻ tốt nhưng không phù hợp với điều kiện thực tế. Một số người bán hàng rong như bánh tráng trộn, xoài, cóc, ổi… dùng một cái bao tay cho cả ngày thì vệ sinh ở đâu?
|
Một chuyên gia thực phẩm Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM nhận định, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm nó sẽ được nâng lên theo mức sống của người dân chứ không phải các quy định hành chính đơn thuần. Nghị định 115 nên được áp dụng theo hướng nâng dần ý thức trách nhiệm của người bán hàng.
Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì áp dụng nghị định và kiểm tra xử lý, xử phạt hành chính, cách tốt nhất là nên tuyên truyền kiến thức an toàn thực phẩm cho cả người bán lẫn người mua. An toàn thực phẩm không chỉ ở khâu chế biến mà vấn đề quan trọng ở VN chính là nguồn gốc nguyên liệu. Ngoài ra, chuyên gia cũng cảnh báo nguy cơ các dụng cụ như chén bát, nồi để chế biến được rửa không đảm bảo, rất dễ dàng tồn dư hóa chất trong nước rửa chén hoặc không rửa hết các loại vi khuẩn còn tồn dư trong đó.
Các bệnh hủy hoại về gan, ung thư… xuất phát từ việc tồn dư hóa chất lượng lớn trong người. Hơn nữa, kinh doanh thực phẩm tại quán ăn nhỏ lẻ, thực phẩm đường phố là lĩnh vực vô cùng khó quản lý vì tính chất tự phát, không đăng ký, không có sự quản lý của cơ quan chức năng. Đó là lý do, việc triển khai thực thi nghị định mới vẫn còn gây nhiều hoài nghi về tính thực tiễn của nó.
Bình luận (0)