Băn khoăn 'siêu dự án' lọc hóa dầu 18 tỉ USD

24/08/2022 06:47 GMT+7

Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PVN) vừa đề xuất Thủ tướng xây dựng Tổ hợp lọc hóa dầu và kho dự trữ xăng dầu tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với tổng mức đầu tư khoảng 18 tỉ USD. Tuy nhiên, đề xuất chưa có đánh giá cụ thể tính khả thi, hiệu quả của siêu dự án khiến nhiều ý kiến còn băn khoăn, lo ngại.

Bù đắp xăng, dầu thiếu hụt trong nước

Lý do chính xây dựng tổ hợp này, theo PVN, là nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước tăng cao và dự báo VN sẽ thiếu hụt do sản xuất trong nước không đủ đáp ứng. Cụ thể, năm 2020 nhu cầu xăng dầu của VN là 18 triệu tấn/năm, năm 2025 tăng lên 25 triệu tấn/năm và năm 2030 là khoảng 33 triệu tấn/năm.

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) được hưởng những ưu đãi về thuế, phí nhiều năm liền

ÁI CHÂU

Trong khi đó, nguồn cung xăng dầu trong nước là Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất và Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn khoảng 12,2 triệu tấn, dự kiến tăng lên 13,5 triệu tấn. “Khả năng sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu sản phẩm xăng dầu hiện nay. Đến năm 2030 giảm xuống còn 40% và năm 2045 giảm xuống chỉ còn 20%. Chính vì vậy, VN có nguy cơ thiếu hụt 19,5 triệu tấn xăng dầu vào năm 2030 và 25 triệu tấn vào năm 2035...”, PVN báo cáo.

Tập đoàn này cũng lý giải khu vực phía nam chiếm 45% tổng nhu cầu xăng dầu thành phẩm nhưng chưa có nhà máy lọc hóa dầu nào được xây dựng. Việc vận chuyển nguồn cung cho thị trường này phải lấy từ hai nhà máy Bình Sơn (Quảng Ngãi), Nghi Sơn (Thanh Hóa) khiến chi phí đội lên cao.

Trong đề xuất, PVN dự kiến dự án có thể vận hành thương mại vào quý 1/2028. Tập đoàn kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ KH-ĐT điều chỉnh, bổ sung dự án trong Quy hoạch tổng thể quốc gia; đề nghị Bộ Công thương điều chỉnh quy hoạch tổng thể năng lượng, hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu và khí và Bộ GTVT điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 4. Bên cạnh đó, PVN đề xuất quy mô dự án sẽ sử dụng diện tích và giải phóng mặt bằng 810 ha, riêng kho ngầm là 40 ha, cảng xuất nhập khẩu nguyên liệu, lọc hóa dầu 290 ha…

Có cạnh tranh được với xăng, dầu nhập khẩu?

Trao đổi với Thanh Niên, TS Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí VN, ủng hộ đề xuất xây dựng tổ hợp này và kho dự trữ xăng dầu tại Bà Rịa-Vũng Tàu của PVN. Theo ông Thập, đây là vấn đề an ninh năng lượng và VN có nguy cơ thiếu hụt xăng dầu rất lớn trong bối cảnh các nhà máy lọc hóa dầu như Dung Quất, Nghi Sơn sẽ hết vòng đời sản xuất từ năm 2040 trở đi.

Tuy nhiên, vị này đặt ra hàng loạt bài toán mà PVN cần giải như huy động vốn ở đâu, lựa chọn công nghệ và sản phẩm như thế nào để đảm bảo tính hiệu quả, sự phụ thuộc vào nguồn dầu thô nhập khẩu có an toàn hay không?

“PVN sẽ phải đưa ra báo cáo tiền khả thi, báo cáo đánh giá tác động của dự án và những bài học kinh nghiệm rút ra từ các dự án mà họ làm chủ đầu tư như Dung Quất, Nghi Sơn cho dự án mới”, ông Thập lưu ý.

Về nguồn vốn, ông Thập cho biết PVN mới chỉ đưa ra khái toán các giai đoạn, chưa nói rõ lấy vốn ở đâu. Đây cũng là nút thắt rất khó khi vừa qua chúng ta đang dồn lực đầu tư vào các đường cao tốc, phải nới trần nợ công và điều tiết nhiều nguồn ngân sách.

Chuyên gia kinh tế, GS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cũng đánh giá nếu vay vốn nước ngoài, khi triển khai dự án có thể gặp những rủi ro như phân bổ vốn chậm, đội vốn, dự án phải chỉ định tổng thầu, máy móc phải mua từ đối tác chỉ định và nguy cơ tranh chấp hiệu quả tài chính… Bên cạnh đó, nhà máy có thể sẽ phụ thuộc vào dầu thô nhập khẩu từ đối tác nước ngoài, phải mua dầu thô từ công ty mẹ dẫn tới rủi ro chuyển giá; dự án lỗ kế hoạch và sẽ khiến tranh chấp phát sinh.

GS Thịnh cho rằng mỗi tổ hợp chỉ phù hợp lọc một loại dầu thô nhất định. Đơn cử như Nhà máy lọc dầu Dung Quất, thiết kế ban đầu phù hợp để lọc dầu tại mỏ Bạch Hổ nhưng do dự án chậm tiến độ, khi làm xong thì trữ lượng dầu tại Bạch Hổ đã gần cạn, phải nhập thêm dầu cũng như tiếp tục đầu tư nhà máy để lọc được các loại dầu khác.

Ngoài ra, câu hỏi cần PVN giải đáp là khả năng cạnh tranh của xăng dầu từ tổ hợp lọc dầu khi vận hành thương mại từ năm 2028 sẽ ra sao trong bối cảnh các mặt hàng xăng dầu nhập khẩu vào VN sẽ được giảm, cắt bỏ thuế từ 2025 theo các cam kết. Hiện tại, 70% lượng xăng dầu nhập của VN đến từ các thị trường mà VN ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu 8% như Hàn Quốc, Nhật Bản và ASEAN (Singapore, Malaysia), nên xăng dầu trong nước không rẻ so hơn so với xăng dầu nhập ngoại. Nếu trong trường hợp VN giảm mạnh, tiến đến bỏ thuế nhập khẩu xăng dầu theo các cam kết của CPTPP, RCEP hay FTAs thế hệ mới khác, liệu xăng dầu trong nước khả năng cạnh tranh được với xăng dầu ngoại hay cần hàng loạt ưu đãi?

Theo một chuyên gia, 2 nhà máy lọc dầu trong nước là Dung Quất và Nghi Sơn đều được hưởng những ưu đãi về thuế, phí nhiều năm liền. Bản thân Nghi Sơn cũng được cam kết bao tiêu 100%, nhưng sản phẩm vẫn không rẻ hơn so với xăng dầu nhập khẩu. Vì vậy, tổ hợp lọc hóa dầu mới của PVN tại Bà Rịa-Vũng Tàu nếu được xây dựng và vận hành có cần ưu đãi đặc biệt gì từ nhà nước để cạnh tranh sòng phẳng với xăng dầu ngoại ngay trên chính sân nhà và hiệu quả dự án sẽ được đánh giá ra sao?

Trong đề xuất gửi Thủ tướng cho phép mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất mới đây, PVN đã xin hưởng hàng loạt cơ chế ưu đãi như: ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với mức thuế suất 10% sau 30 năm hoàn thành dự án; 4 năm đầu miễn thuế từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo; xem xét, giãn lộ trình miễn thuế nhập khẩu xăng dầu về 0% thêm 4 năm (tới năm 2028).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.