Băn khoăn tính khả thi của Quy hoạch tổng thể quốc gia

07/01/2023 06:22 GMT+7

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng quy hoạch là vấn đề khó, song Chính phủ đã chuẩn bị tờ trình đầy đủ, nhiều ý tưởng và thể hiện được tinh thần của luật Quy hoạch.

Sáng 6.1, Quốc hội thảo luận tại tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia, xoay quanh đề án Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn 2050 (Quy hoạch).

Theo ĐB Trần Công Phàn (đoàn Bình Dương), Phó chủ tịch chuyên trách kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia VN, quy hoạch phải đặt mục tiêu phát huy được ưu thế của đất nước, địa phương. Dẫn ví dụ Singapore chỉ bằng Phú Quốc nhưng sân bay nước này là sân bay trung chuyển của cả khu vực, ông Phàn nêu thực tế tại VN, tỉnh nào cũng muốn có sân bay, có cảng, khu công nghiệp mà không dựa trên nguyên tắc nào. “Sân bay quốc tế ít nhất phải cách nhau 500 km. Chúng ta thì khoảng 450 km nhưng 5 - 6 cái sân bay quốc tế. Đầu tư dàn trải như vậy thì không được”, ĐB này chia sẻ.

Trong khi đó, dù có lợi thế về đường biển và kinh tế biển cũng được xác định là mũi nhọn, nhưng những cảng biển có nhiều lợi thế như Vân Phong (Khánh Hòa) xây dựng 1 năm xong thì bỏ. Theo ĐB Phàn, việc xây dựng Quy hoạch phải dựa trên thế mạnh của từng địa phương, từ đó tạo sự phát triển chung cho đất nước.

Cần quy hoạch để khai thác hiệu quả các sân bay. Trong ảnh: Phối cảnh chi tiết các hạng mục trong dự án Sân bay Phan Thiết

Sở GTVT Bình Thuận

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu từ nay đến năm 2030 là các quy hoạch đã hình thành, ví như tứ giác TP.HCM - Đồng Nai - Bình Dương - Vũng Tàu hay Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Nên cần phát hiện thêm các vùng tiềm năng để tập trung nguồn lực cho tương lai. Ông Phớc cũng đề nghị quy hoạch đến 2030 cần tạo khung cứng về cơ sở hạ tầng cho toàn bộ đất nước. Cụ thể bao nhiêu sân bay, cảng biển trọng điểm cần đầu tư, các tuyến đường cao tốc, trong đó phải tính đến nguồn lực trong nước, vay nước ngoài, xã hội hóa thông qua PPP.

Phát biểu thảo luận tại tổ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng quy hoạch là vấn đề khó, song Chính phủ đã chuẩn bị tờ trình đầy đủ, nhiều ý tưởng và thể hiện được tinh thần của luật Quy hoạch. Theo Chủ tịch nước, cần phải chọn phương án tăng trưởng cao (quy hoạch đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng thấp và cao). Bởi chỉ có tăng trưởng nhanh chóng mới có thể mở rộng quy mô nền kinh tế, đạt mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước có thu nhập cao, củng cố thế và lực của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.

ĐB Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nêu băn khoăn về mục tiêu thu nhập bình quân đầu người trong Quy hoạch. Theo đó, năm 2030 sẽ đạt mức thu nhập trung bình cao, khoảng 7.500 USD/người. Theo quy định của LHQ, thu nhập trung bình quốc gia trong khoảng 1.025 - 12.475 USD/người, VN sẽ ở nhóm “thấp” trong mức cao. Số nước thoát khỏi thu nhập trung bình rất ít.

Quy hoạch rất khó nhưng không thể lùi !

Tiếp thu ý kiến các ĐB thảo luận tại tổ sáng qua, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết hiện chúng ta có 3.650 quy hoạch, sắp tới giảm đi được 97%, chỉ còn 111 quy hoạch. Đó là Quy hoạch tổng thể quốc gia, 6 quy hoạch của 6 vùng kinh tế, 63 quy hoạch của các tỉnh, 39 quy hoạch của các ngành... Ông Dũng cho biết Quy hoạch tổng thể quốc gia thì “lập quy hoạch này là việc rất khó, nhưng rất cần thiết, rất cấp bách, được thực hiện theo luật Quy hoạch và cả các nghị quyết của T.Ư, không thể lùi được”.

Giải đáp băn khoăn của các ĐB về mức độ chi tiết của Quy hoạch, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT khẳng định đây là vấn đề lớn nhất, nếu chi tiết quá thì trùng với quy hoạch cấp dưới, nhưng nếu quy hoạch mà khái quát hóa, chung chung quá thì lại trở thành nghị quyết. Vậy thì xác định ranh giới giữa cụ thể và khái quát là rất khó.

Trong khi tới năm 2050, Quy hoạch đặt mục tiêu là 27.000 - 32.000 USD/người, tức trong 20 năm thu nhập bình quân đầu người tăng từ 7.500 tới 32.000 USD, rất khó khả thi. Chưa kể, Quy hoạch đưa ra các vùng kinh tế, hành lang kinh tế, vùng động lực… nhưng lại có chồng lấn, chồng chéo trong đầu tư nguồn lực.

Cũng băn khoăn về tính khả thi, ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) cho rằng Quy hoạch vẫn còn lúng túng, chưa xác định rõ thứ tự ưu tiên đâu là vùng kinh tế trọng điểm, vùng động lực, trục hành lang để tránh dàn trải. “Quy hoạch phải khả thi, làm rõ nguồn lực để thực hiện; phải theo nguồn lực của VN, đừng vẽ như New York, Paris rồi không làm được”, ông Ngân nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.