Băn khoăn việc nhà ở có tranh chấp thì không được giao dịch

Ngân Nga
Ngân Nga
05/10/2023 04:15 GMT+7

Ngày 4.10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý dự án luật Nhà ở (sửa đổi).

Tại hội thảo, nhiều ý kiến của các chuyên gia tỏ ra băn khoăn điểm b, khoản 1 điều 158 của dự thảo và đề xuất cần phải xem xét lại. Cụ thể, dự thảo quy định về điều kiện của nhà ở tham gia giao dịch về mua bán, thuê mua, tặng cho, đổi, thế chấp, góp vốn bằng nhà ở thì phải: "Không thuộc diện đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu theo quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo; đang trong thời hạn sở hữu nhà ở đối với trường hợp sở hữu nhà ở có thời hạn. Điều kiện quy định tại điểm này không áp dụng đối với trường hợp mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai".

Băn khoăn việc nhà ở có tranh chấp thì không được giao dịch - Ảnh 1.

Giải quyết thủ tục liên quan giấy tờ nhà đất tại một văn phòng công chứng ở TP.HCM

Ngọc Dương

Theo ông Nguyễn Hồ Phương Vinh, Phó trưởng phòng Công chứng số 1 (TP.HCM), dự thảo đã bổ sung cụm từ "theo quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo" so với dự thảo lần thứ 5. Tuy nhiên, đề xuất cần phải định nghĩa rõ ràng hơn nữa khái niệm "không thuộc diện đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu theo quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo". Bởi hiện nay đang có 3 luồng quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất, cứ có người gửi đơn tranh chấp quyền sở hữu nhà ở thì nhà ở đó thuộc diện đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện.

Quan điểm thứ hai, có người gửi đơn tranh chấp quyền sở hữu nhà ở nhưng đơn đó phải được cá nhân, tổ chức có thẩm quyền không phải tòa án (như cơ quan cấp giấy chứng nhận, cơ quan thanh tra…) thụ lý thì nhà ở đó thuộc diện "đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu".

Quan điểm thứ ba, có người gửi đơn tranh chấp quyền sở hữu nhà ở nhưng đơn đó phải được tòa án các cấp thụ lý.

Theo ông Vinh, 3 quan điểm trên đều không nêu được căn cứ pháp lý rõ ràng để khẳng định nhà ở thuộc diện "đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu" nên nhà ở đó không được phép tham gia giao dịch. Pháp luật hiện hành cũng không quy định rõ mức độ tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu thế nào là ngăn chặn không cho nhà ở tham gia giao dịch.

Cạnh đó, ông Vinh đề xuất cần bổ sung thêm điểm e, khoản 2 điều 158, đối với giao dịch này thì nhà ở không bắt buộc phải có giấy chứng nhận: "Chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại của cá nhân, tổ chức (không có chức năng kinh doanh bất động sản) được xây dựng trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở bao gồm cả trường hợp đã nhận bàn giao nhà ở từ chủ đầu tư, nhưng chưa nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đối với nhà ở đó. Các giấy tờ chứng minh điều kiện nhà ở tham gia giao dịch quy định tại khoản này thực hiện theo quy định của Chính phủ".

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 5.10

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.