Bạn mong muốn mình có được chiều cao bao nhiêu?

10/11/2022 10:19 GMT+7

Để có được chiều cao như ý, bạn trẻ nên tập luyện thể thao đều đặn và nhất là bổ sung dinh dưỡng hợp lý.

Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng của ngành y tế trên địa bàn TP.Hà Nội, giai đoạn 2022-2030. Ngoài mục tiêu chế độ dinh dưỡng phù hợp, TP.Hà Nội phấn đấu chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi đạt 169cm đối với nam và 158cm đối với nữ vào năm 2025; chiều cao này đạt 170,5cm đối với nam và 159cm đối với nữ vào năm 2030. Còn tại TP.HCM, đến năm 2030 mục tiêu chiều cao trung bình nam là 168,5cm và nữ là 157,5cm.

Trẻ em nên tập vận động thể thao để tăng thêm chiều cao

Dạ Thảo

Muốn tăng thêm chiều cao

Phạm Đức Trung, sinh viên Trường ĐH Sài Gòn, cao 172cm, nặng 65kg và có thân hình hoàn toàn bình thường, không gầy cũng không thừa cân. Để đạt được thể trạng như vậy, từ khi còn nhỏ Trung đã siêng năng tập thể dục mỗi ngày cùng chế độ dinh dưỡng vừa phải. Trung chạy bộ, bơi lội khi còn học ở bậc THCS, sau đó lên đến THPT tập thêm về thể hình và duy trì đến tận hôm nay. Hiện tại, Trung mong muốn bản thân có thể tăng chiều cao lên 175cm là cảm thấy mãn nguyện.

“Thật lòng mình cũng không biết phải ăn uống theo chế độ dinh dưỡng ra sao. Mình chỉ ăn đúng, đủ 3 bữa/ngày và không để cơ thể đói. Từ đó mình mới có sức tập thể thao. Dần dần mình cảm thấy bản thân đã cao hơn so với nhiều năm về trước”, Trung chia sẻ.

Còn Lê Thị Mai Thảo, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM chia sẻ: "Chiều cao hiện tại chỉ là 150cm. Mình đã ngừng phát triển chiều cao từ từ năm học lớp 7 nên lúc nào cũng là người thấp nhất trong lớp. Khi đứng cùng các bạn mình luôn tự ti vì cảm thấy quá nhỏ bé".

Cũng vì thể trạng nhỏ nhoi nên Thảo cho rằng: "Mình cũng gặp một số bất tiện nhất định như: không đi được xe quá cao hoặc không thể tự với được đến những nơi cao. Đứng cùng các bé nhỏ tuổi nhưng sở hữu chiều cao trội hơn cũng khiến mình có cảm giác bị lấn át, hoặc trong đám đông dễ bị chen lấn, không quan sát được. Ước gì mình có thể tăng thêm được vài cm chiều cao nữa để không gặp phải những bất tiện như vậy".

Vận động cơ thể giúp tăng cường trao đổi chất

L.N

Rồi Thảo chia sẻ: “Vốn dĩ gia đình mình có gen thấp. Ba mình cao khoảng 165 cm nên từ tiểu học mẹ cũng đã cố gắng bổ sung dinh dưỡng và sữa nhằm giúp mình cải thiện chiều cao. Tuy nhiên, kể từ năm lớp 7 mình đã chững lại chiều cao. Một phần mình nghĩ lý do cũng đến từ việc dù cố gắng bổ sung canxi, sữa nhưng mình không uống điều độ cũng như thiếu một chế độ ăn uống phát triển chiều cao hợp lý. Ngoài ra, khi đến THPT, mình gặp áp lực học hành cộng thêm với việc giảm cân không khoa học bằng cách nhịn ăn nên bản thân mình cũng không còn suy nghĩ phát triển chiều cao, dù đó vẫn là độ tuổi còn có thể phát triển”.

Cần cho cơ thể vận động thường xuyên

Huấn luyện viên thể thao chuyên nghiệp Phạm Trường Sơn, làm việc tại Trung tâm Thể thao Hoàng Tần, cho rằng muốn cơ thể phát triển tốt, có chiều cao lý tưởng thì ngoài yếu tố di truyền ra tập luyện thể thao và dinh dưỡng là yếu tố quan trọng nhất.

Theo huấn luyện viên Sơn, muốn đạt được chiều cao tốt đầu tiên phải để cơ thể được vận động, quá trình trao đổi chất trong cơ thể diễn ra nhịp nhàng, xương khớp được phát triển theo. "Muốn như vậy thì độ tuổi bắt đầu từ khi còn rất nhỏ, khoảng đến 4 tuổi có thể thực hiện việc vận động mọi lúc mọi nơi. Lớn hơn, khi trẻ có nhận thức sẽ bắt đầu cho làm quen bất cứ môn thể thao nào trẻ thích, bởi môn thể thao nào cũng có thể giúp trẻ vận động", ông Sơn khuyên.

Cũng theo huấn luyện viên Phạm Trường Sơn, với lứa tuổi học sinh ở bậc THCS và THPT là thời điểm phát triển chiều cao nhiều nhất. Lúc này, bạn trẻ cần tăng cường vận động nhiều hơn một chút. Các môn thể thao dễ tập nhất là chạy bộ, bơi lội, bóng đá, võ… cũng giúp nhanh cho việc tăng chiều cao. Đồng thời, bạn trẻ cần tập thêm những động tác để tăng kích cỡ cơ bắp mới hình thành vóc dáng chuẩn với thể trạng.

Bất cứ môn thể thao nào cũng mang lại sức khoẻ, thể hình lý tưởng

Dạ Thảo

“Mỗi ngày các bạn chỉ cần 30 phút là đã đủ cho cơ thể trong quá trình trao đổi chất rồi. Không nhất thiết phải ép bản thân tập luyện quá sức dẫn đến nhiều hệ lụy chấn thương khác”, anh Sơn nói.

Ông Sơn cũng cho rằng dinh dưỡng tốt cũng chiếm 50% của sự phát triển về xương. Cho nên bạn trẻ cần ăn uống điều độ, đầy đủ chất như đạm, canxi, protein, chất béo… Ngoài ra còn có thể cung cấp thêm các loại vitamin, khoáng chất, tinh bột… cho vấn đề phát triển chiều cao.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.