Tự cho mình quyền ban phát vốn công
Ngày 27.7, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về các kế hoạch tài chính, vay trả nợ công, đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Trước đó, Chính phủ đã báo cáo QH, dự kiến nguồn vốn đầu tư công 5 năm tới khoảng 2,87 triệu tỉ đồng. Đại biểu (ĐB) Thạch Phước Bình (Trà Vinh) dẫn dự án (DA) đường sắt Cát Linh - Hà Đông phản ánh về tình trạng chậm tiến độ, đội vốn gây lãng phí ngân sách của nhiều công trình trọng điểm. “DA nghìn tỉ đồng chậm tiến độ, đắp chiếu liệu đã được hạch toán chi phí? Nếu không có nó thì sao? Chúng ta mất bao nhiêu cơ hội?”, ông đặt câu hỏi.
Phấn đấu đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối 2021, đầu 2022Chiều 27.7, với 475/477 đại biểu tham gia bỏ phiếu tán thành, QH đã thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Theo đó, QH đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016 - 2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
Cụ thể, QH đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm là 6,5 - 7%; GDP bình quân đến năm 2025 là 4.700 - 5.000 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 bình quân 3,7% GDP.
Nghị quyết đặt mục tiêu, tuổi thọ trung bình khoảng 74,5 tuổi; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28 - 30%; có 10 bác sĩ và 30 giường bệnh trên 10.000 dân; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số...
Trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 5 năm tới, nhiệm vụ đầu tiên được QH đặt ra là vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết lưu ý cần căn cứ vào tình hình thực tế và địa bàn cụ thể để lựa chọn ưu tiên, bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân và an sinh xã hội. Nghị quyết cũng nhấn mạnh, khẩn trương triển khai chiến lược vắc xin toàn diện, hiệu quả, tổ chức chương trình tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho nhân dân, phấn đấu đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu năm 2022.
Nghị quyết nêu rõ đến năm 2025, cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông; giai đoạn 1 Cảng hàng không quốc tế Long Thành; đối với một số tuyến đường ven biển cấp thiết từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, Chính phủ rà soát, tính toán kỹ việc bố trí vốn đầu tư, có giải pháp phù hợp để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả đầu tư. Tiếp tục xây dựng các cảng biển quan trọng theo quy hoạch; sớm đưa các tuyến đường sắt đô thị vào hoạt động...
|
Đề cập vấn đề phân cấp ngân sách, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH, cho biết luật Đầu tư công năm 2019 đã được sửa đổi theo hướng đổi mới, trong đó, tăng cường phân cấp cho các địa phương. Từ khâu đề xuất DA đến phân bổ nguồn lực về căn bản giao cho các địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế, một số địa phương chưa thực hiện đúng quy trình, chưa tuân thủ đúng trật tự ưu tiên.
Bà Mai dẫn chứng vào tháng 2.2020, một số DA được phân bổ nguồn lực dự phòng với lý do cấp bách. Nhưng cũng chính các DA đó chỉ sau 6 tháng khi xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn thì đã không còn là cấp bách nữa. “Nhiều khi việc xây dựng danh mục dự án không xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, mà xuất phát từ ý muốn chủ quan”, bà thẳng thắn. Theo ĐB Mai, thời gian qua, Thủ tướng đã kịp thời chấn chỉnh một số địa phương, song vấn đề này vẫn rất cần được quan tâm. “Bởi lẽ, vốn đầu tư công cần được hiểu đó là tiền thuế của nhân dân; kể cả vốn đi vay thì người trả cũng sẽ là nhân dân. Đó không phải là sở hữu bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào. Tuy nhiên, trong quá trình phân bổ nguồn lực, đã có những cá nhân khi được giao nhiệm vụ phân bổ vốn đã tự cho mình cái gọi là quyền ban phát. Câu chuyện về cơ chế xin - cho không biết khi nào mới kết thúc”, bà nói và kiến nghị cần đề cao hơn nữa tính công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện các kế hoạch đầu tư công. Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm đạo đức công vụ trong việc triển khai thực hiện.
Tư duy nhiệm kỳ, chạy theo phong trào
Giải trình các vấn đề ĐB nêu, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nêu ra 5 nguyên nhân. Thứ nhất, một số quy định giữa luật Đầu tư công và các luật khác còn chồng chéo, chậm sửa đổi, trình tự thủ tục còn phức tạp. Việc phân cấp, phân quyền trong triển khai DA chưa gắn với trách nhiệm giải trình. Dù luật quy định rõ phân cấp nhưng địa phương vẫn né tránh, đùn đẩy hỏi lại T.Ư, mất quá nhiều thời gian.
Thứ 2, còn tình trạng ban phát, xin - cho trong DA công do tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm, chạy theo phong trào, theo yêu cầu của nhà đầu tư. Các tỉnh chạy đua đầu tư phong trào sân bay, cảng biển, khu công nghiệp giống như trước kia ồ ạt làm xi măng lò đứng, nhà máy giấy, mía đường. Nhiều DA quy mô quá lớn so với nhu cầu, không kiểm soát được đơn giá, định mức dẫn tới đội vốn. Thứ 3 là ngân sách nhà nước khó khăn, thu ngân sách của T.Ư không đạt, thiếu các giải pháp khả thi để bảo đảm nguồn vốn cho kế hoạch trung hạn. Nguyên nhân thứ 4 là khâu tổ chức thực hiện, khâu lập và phê duyệt còn ỷ lại, trông chờ vào T.Ư. Đặc biệt khâu giải phóng mặt bằng - điểm nghẽn lớn nhất hiện nay của tất cả các dự án. “Người dân muốn giá cao, hội đồng đền bù thì căn cứ vào định giá của địa phương áp vào. Trong khi đó, DA do tư nhân làm muốn được duyệt nhanh thì nâng giá đền bù làm phá vỡ mặt bằng chung”, ông Dũng nói, đồng thời khẳng định nguyên nhân cuối cùng là khâu thanh tra, kiểm tra chưa phát huy hết hiệu quả.
Bình luận (0)