Bản sắc của tiếng nói Việt Nam đang được giữ gìn và phát huy...

04/08/2022 23:21 GMT+7

"Những người làm báo phát thanh vẫn đang ngày đêm giữ gìn và phát huy bản sắc của tiếng nói Việt Nam. Đó là tiếng nói của chính nghĩa, sự thật, cảm xúc, là tiếng nói thấm dần, thấm sâu, là người bạn đồng hành thân mật với thính giả để cùng chia sẻ và giải bày mọi vấn đề trong cuộc sống".

Đó là nhìn nhận của ông Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM trong phát biểu chào mừng tại Lễ khai mạc Liên hoan Phát thanh Toàn quốc lần thứ 15 - 2022 (do Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với UBND TP.HCM, Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM tổ chức) diễn ra ở Nhà hát TP.HCM tối 4.8.

Ban Tổ chức Liên hoan vinh danh Ban giám khảo, những nhà báo có uy tín, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, những người góp phần quan trọng vào thành công của Liên hoan

huỳnh tỷ điểu

"Chắc hẳn các đồng chí và quý vị chưa quên, cách đây khoảng 1 năm, TP.HCM và rất nhiều địa phương khác đã phải đối diện với muôn vàn khó khăn do sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh giãn cách xã hội kéo dài, mọi hoạt động trực tiếp bị ngưng trệ, hệ thống truyền thanh cơ sở đã phát huy sức mạnh hiệu quả to lớn...", Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã mở đầu bài phát biểu như thế, cũng như đề cập đến vai trò của phát thanh: "Với tư cách là một phương tiện truyền thông phổ cập toàn cầu, phát thanh có tính đồng nhất, đặc biệt là phổ cập tới những khu vực nghèo, khu vực nông thôn, miền núi. Ở những nơi đó, đài phát thanh vẫn là một trong số ít những nguồn thông tin giải trí sẵn có, chi phí thấp mà lại đáng tin cậy. Đối với một số khu vực, đây còn là nguồn thông tin duy nhất".

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo tại lễ khai mạc

huỳnh tỷ điểu

Đánh giá cao chủ đề của Liên hoan Phát thanh Toàn quốc năm nay là “Linh hoạt chuyển đổi - thích ứng vượt lên”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng,Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng "đây cũng là nội dung quan trọng mà ngành phát thanh Việt Nam cần quan tâm trong những năm tiếp theo. Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với sự phát triển của các loại hình báo chí truyền thống là báo viết, báo nói và báo hình, các loại hình báo chí mới như báo điện tử và đặc biệt là mạng xã hội ra đời và phát triển mạnh mẽ đã tạo nên sự cạnh tranh gay gắt với các loại hình báo chí truyền thống. Vì thế, Đài Tiếng nói Việt Nam và ngành phát thanh Việt Nam cần liên tục đổi mới tư duy, nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo cách làm mới để linh hoạt chuyển đổi, thích ứng với cách làm báo trong thời kỳ mới để vượt lên".

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Đài Tiếng nói Việt Nam nói riêng, ngành phát thanh Việt Nam nói chung và những người làm báo phát thanh cả nước cần thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhấn mạnh phát thanh vẫn là công cụ hữu hiệu để tuyên truyền chủ trương, định hướng của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đông đảo các tầng lớp nhân dân, thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, mỗi nhà báo phát thanh, mỗi cơ quan báo chí phát thanh "cần ý thức rõ sứ mệnh của mình, nắm vững quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thông tin chính xác, kịp thời, với mục tiêu cao nhất là tạo đồng thuận xã hội vì mục tiêu ổn định chính trị, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát triển kinh tế, khơi dậy ý thức, quyết tâm, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc… Chuyển đổi số trong báo chí nói chung và phát thanh nói riêng không chỉ là chuyển đổi về công nghệ, về cách làm, mà quan trọng nhất, đó là chuyển đổi về mặt tư duy, từ cấp quản lý, lãnh đạo cho đến các khâu, các công đoạn của quy trình sản xuất và phân phối sản phẩm báo chí. Đây là giải pháp mang tính đột phá, có ý nghĩa quyết định đến sự tồn tại và phát triển của các cơ quan báo chí nói chung và phát thanh nói riêng trong thời kỳ mới”.

Ông Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đã đánh trống khai mạc Liên hoan

huỳnh tỷ điểu

Thay mặt lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam, ông Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đã đánh trống khai mạc Liên hoan Phát thanh Toàn quốc lần thứ XV - năm 2022.

Trong lễ khai mạc Liên hoan Phát thanh Toàn quốc, các đại biểu và khán giả cũng được nghe, xem những phóng sự xúc động, được giao lưu với những nhà báo về những câu chuyện tác nghiệp, đặc biệt là trong thời kỳ cả nước chống dịch Covid-19. Liên hoan Phát thanh Toàn quốc sẽ trao các giải thưởng vào Lễ bế mạc, tổ chức vào 20 giờ ngày 6.8 tại Nhà hát TP.HCM.

Tới dự Lễ khai mạc Liên hoan Phát thanh Toàn quốc lần thứ 15 có ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ; ông Trần Quốc Cường, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương; ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Lê Công Đồng, Giám đốc Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của TP.HCM.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.