Bán thận có phạm tội ?

Phan Thương
Phan Thương
08/05/2022 06:17 GMT+7

Ngày 6.5, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm và trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án 'mua bán bộ phận cơ thể người' đối với 8 bị cáo, do bị cáo Tôn Nữ Thị Huyền (46 tuổi, quê Đồng Nai) cầm đầu.

Đây là đường dây mua bán thận lớn nhất từ trước đến nay bị triệt phá. Tuy nhiên, quá trình điều tra bổ sung vụ án, bị cáo Huyền đã chết do bị suy thận nên được đình chỉ điều tra.

Lý do trả hồ sơ, trước khi vào phần tranh luận, đại diện Viện KSND TP.HCM cho biết, do một nghi can liên quan đến đường dây vừa bị bắt theo lệnh truy nã nên đề nghị HĐXX cho rút hồ sơ để nhập vào xử lý trong cùng vụ án. Sau khi hội ý, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ.

Các bị cáo trong đường dây mua bán thận lớn nhất từ trước đến nay, tại phiên tòa ngày 6.5.2022

PHAN THƯƠNG

Tổn hại sức khỏe nặng nề

Theo cáo trạng, từ tháng 4.2017 - 1.2019, nhóm của Huyền đã tìm kiếm được 100 người bán thận và đưa 37 người sang Campuchia bán thận cho 1 phòng khám. Trong số đó, từ tháng 1.2018 - 1.2019, có 20 người được ghép thận thành công, Huyền thu lợi bất chính 1,4 tỉ đồng; mỗi ca bán thận thành công có giá dao động từ 15.000 - 17.000 USD (khoảng 340 - 400 triệu đồng).

Trong đường dây bán thận này, bị cáo Đào Đức Hai Việt và bị cáo Hoàng Đức Tùng giới thiệu cho Huyền 8 người bán thận, thu lợi 150 triệu đồng/bị cáo. 5 bị cáo còn lại, tùy số người giới thiệu và vai trò trong vụ án, thu lợi từ 3 - 120 triệu đồng/bị cáo.

Cũng theo kết luận giám định sức khỏe, những người bán thận cho Huyền bị tổn hại sức khỏe từ 45 - 69%. Trong khi đó, mỗi nạn nhân sau khi bán thận cho Huyền nhận được từ 200 - 210 triệu đồng.

Trong vụ án này, có 4 người sau khi bán thận đã giúp sức giới thiệu người bán thận cho Huyền, đưa người bán thận đi xét nghiệm nhằm thu lợi bất chính, nên 4 người này bị khởi tố, truy tố và xét xử về tội “mua bán bộ phận cơ thể người” với vai trò đồng phạm giúp sức.

Những người bán thận còn lại được cơ quan tiến hành tố tụng xác định là bị hại trong vụ án. Tại phiên tòa, 10 bị hại trong vụ án có yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Cấm nhưng chưa có chế tài cụ thể ?

Tội danh “mua bán bộ phận cơ thể người” là một tội danh mới trong bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Khi tội danh này vừa có hiệu lực thi hành, nhiều quan điểm được nêu người bán thận vì khó khăn hoặc bất cứ lý do nào vẫn bị xử lý hình sự. Vì vậy, nếu xét với vụ án cụ thể trên, nhiều bạn đọc băn khoăn tại sao người bán thận của mình không bị xử lý hình sự.

Luật sư (LS) Bùi Quang Nghiêm, Phó chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM, cho biết việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người do luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 điều chỉnh. Trong đó, điều 4 của luật này nêu rõ, nguyên tắc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác là tự nguyện đối với người hiến, người được ghép vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học, và đặc biệt không nhằm mục đích thương mại. Ngoài ra, khoản 3 và khoản 8 điều luật này nghiêm cấm “mua, bán mô, bộ phận cơ thể người; môi giới việc hiến, nhận bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại”.

Vì vậy, theo LS Nghiêm, việc cá nhân mua, bán thận hoặc bất cứ bộ phận nào cơ thể con người là vi phạm. Song, hành vi bán thận của bản thân hiện nay chỉ là hành vi tự hủy hoại sức khỏe của chính mình, có thể là gánh nặng cho gia đình, và là hành vi nghiêm cấm theo luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006; chứ chưa có quy định nào về chế tài hành chính cũng như hình sự đối với người bán chính quả thận của mình.

Bán thận người khác mới phạm tội

Theo LS Nguyễn Đức Chánh (Đoàn LS TP.HCM), tội danh “mua bán bộ phận cơ thể người” là tội danh mới lần đầu tiên được quy định trong bộ luật Hình sự 2015. Trước khi bộ luật này có hiệu lực, do chưa có chế tài cũng như văn bản hướng dẫn nào về việc xử lý hành vi mua bán hay môi giới mua bán bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại, nên cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong công tác xử lý.

Tuy nhiên, khi điều luật này có hiệu lực thi hành, cụm từ “mua bán” dễ gây hiểu lầm rằng cứ người bán thận, dù là thận của chính mình sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, muốn biết đối tượng bán nào bị xử lý hình sự thì cần hiểu về cấu thành tội phạm của tội danh này. Nếu người bán đủ 4 dấu hiệu cấu thành tội phạm nhằm mục đích thương mại khi bán bộ phận cơ thể người thì sẽ bị xử lý hình sự.

Trong 4 dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội “mua bán bộ phận cơ thể người”, LS Nguyễn Đức Chánh cho biết khách thể chính của tội phạm này là sức khỏe và tính mạng của người khác; bởi tội danh “mua bán bộ phận cơ thể người” được xếp vào nhóm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm con người trong bộ luật Hình sự. Vì vậy, chỉ khi đối tượng nào bán một trong những bộ phận cơ thể người khác thì mới bị xử lý hình sự; còn người bán thận bị tổn hại sức khỏe, thậm chí xâm phạm tính mạng sẽ được xác định là người bị hại trong vụ án hình sự.

Ngoài ra, LS Chánh phân tích thêm, tội phạm “mua bán bộ phận cơ thể người” là tội phạm có cấu thành hình thức; có nghĩa là người phạm tội chỉ cần có hành vi thỏa mãn cấu thành tội phạm, là có thỏa thuận mua bán vì mục đích lợi nhuận, đã phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này, không cần biết đã mua bán được hay chưa.

Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người

1. Người nào mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác, thì bị phạt tù từ 3 - 7 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 - 15 năm: có tổ chức; vì mục đích thương mại; lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp; đối với từ 2 - 5 người; phạm tội 2 lần trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% - 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân: có tính chất chuyên nghiệp; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; đối với 6 người trở lên; gây chết người; tái phạm nguy hiểm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.

Theo điều 154, bộ luật Hình sự 2015

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.