Bản tin Covid-19 ngày 16.1: Cả nước 15.684 ca | Đã phát hiện 68 ca nhiễm biến thể Omicron

16/01/2022 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 16.1 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.

Bản tin Covid-19 ngày 16.1 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:

Cả nước 15.684 ca Covid-19, 9.326 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế tối 16.1.2022 cho biết tính từ 16h ngày 15.1 đến 16h ngày 16.1, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 15.684 ca nhiễm mới, 9.326 ca khỏi bệnh. Đến nay, tại Việt Nam đã ghi nhận 68 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron.

Bản tin cũng thông báo về 129 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 35.609 ca.

Ngày 16.1: Cả nước 15.684 ca Covid-19, 9.326 ca khỏi | Hà Nội 2.982 ca | TP.HCM 289 ca

Thông tin về 15.684 ca nhiễm mới như sau:

  • 41 ca nhập cảnh.
  • 15.643 ca ghi nhận trong nước (giảm 662 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 11.196 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (2.982), Đà Nẵng (888), Khánh Hòa (680), Bình Phước (661), Bình Định (599), Bến Tre (556), Tây Ninh (446), Bắc Ninh (442), Hưng Yên (405), Cà Mau (395), Thanh Hóa (384), Quảng Ngãi (375), Hải Dương (346), Vĩnh Long (340), Trà Vinh (295), TP.HCM (289), Quảng Ninh (286), Vĩnh Phúc (271), Thừa Thiên-Huế (257), Quảng Nam (255), Bà Rịa - Vũng Tàu (245), Bắc Giang (235), Lâm Đồng (235), Nam Định (230), Lạng Sơn (221), Hòa Bình (207), Thái Bình (175), Nghệ An (173), Đắk Nông (157), Bạc Liêu (150), Gia Lai (137), Phú Yên (133), Hà Giang (125), Tuyên Quang (124), Sơn La (117), Đồng Tháp (115), Thái Nguyên (112), Hậu Giang (107), Bình Thuận (107), Kiên Giang (103), Lào Cai (96), Phú Thọ (90), Tiền Giang (86), An Giang (82), Ninh Bình (82), Quảng Bình (77), Quảng Trị (74), Cần Thơ (73), Đồng Nai (68), Hà Nam (66), Bình Dương (61), Hà Tĩnh (61), Long An (58), Điện Biên (55), Lai Châu (49), Sóc Trăng (43), Yên Bái (42), Ninh Thuận (39), Kon Tum (38), Cao Bằng (35), Bắc Kạn (8).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Trà Vinh (-351), Đắk Lắk (-215), Thái Nguyên (-80).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Lạng Sơn (+221), Hà Nội (+172), Bà Rịa - Vũng Tàu (+150).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 15.935 ca/ngày.

Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 68 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (27), TP.HCM (30), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2), Đà Nẵng (3), Khánh Hòa (2), Long An (1).

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.023.546 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 20.506 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.017.268 ca, trong đó có 1.724.473 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (511.257), Bình Dương (292.084), Đồng Nai (99.284), Hà Nội (88.227), Tây Ninh (85.416).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 9.326 ca

Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.727.290 caSố bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.113 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 3.553 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 791 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 99 ca
  • Thở máy xâm lấn: 650 ca
  • ECMO: 20 ca

Từ 17h30 ngày 15.1 đến 17h30 ngày 16.1 ghi nhận 129 ca tử vong, gồm:

  • Tại TP.HCM (15) trong đó có 6 ca từ các tỉnh chuyển đến: Tiền Giang (2), Bình Dương (1), Đồng Tháp (1), Tây Ninh (1), Vĩnh Long (1).
  • Tại các tỉnh, thành phố khác: Đồng Tháp (28 ca trong 2 ngày), Kiên Giang (9), Cần Thơ (9), Khánh Hoà (8 ), Bình Phước (7 ca trong 3 ngày), Đồng Nai (7), Tiền Giang (7), Vĩnh Long (6), Hậu Giang (6), Trà Vinh (5), Long An (4), Lâm Đồng (3), Bình Thuận (3), Bạc Liêu (3), Bình Dương (2), Bình Định (2), Sóc Trăng (2), Thừa Thiên-Huế (1), Phú Yên (1), Đắk Nông (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 184 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 35.609 ca, chiếm tỷ lệ 1,8% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay là 31.397.354 mẫu tương đương 76.176.966 lượt người.

Trong ngày 15.1 có 1.057.845 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 168.003.163 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 78.595.722 liều, tiêm mũi 2 là 72.319.574 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 17.087.867 liều.

34 tỉnh, thành bao phủ đủ 2 liều vắc xin cho trẻ từ 12-17 tuổi

Cập nhật trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 đến 14 giờ 30 ngày 16.1.2022, cả nước đã tiêm hơn 168 triệu liều vắc xin phòng Covid-19, số liều vắc xin tiêm trong ngày 15.1 là hơn 1 triệu liều.

34 tỉnh, thành bao phủ đủ 2 liều vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi

Đến ngày 15.1, số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là hơn 152,4 triệu liều, trong đó:

  • Mũi 1 là hơn 70,4 triệu liều.
  • Mũi 2 là hơn 67 triệu liều.
  • Mũi bổ sung là hơn 4,6 triệu liều.
  • Mũi 3 là hơn 10,2 triệu liều.

Tỉ lệ bao phủ mũi 1 với người từ 18 tuổi trở lên là 100%, mũi 2 là 94% và mũi 3 là 14,7%.

Có 39/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ mũi 2 vắc xin trên 90% gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Lai Châu, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Nông, TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng, Cần Thơ, An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bình Phước, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và Hậu Giang.

Có 21/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ mũi 2 từ 80 – dưới 90%.

3/63 tỉnh, thành phố còn lại có tỉ lệ bao phủ mũi 2 dưới 80% là Nghệ An (76,8%), Hà Giang (76,3%) và Sơn La (76,0%).

Về tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 12-17, tổng số liều vắc xin đã tiêm là hơn 14,5 triệu liều, trong đó mũi 1 là hơn 8 triệu liều, và mũi 2 là hơn 6,4 triệu liều.

34 tỉnh, thành phố đã cơ bản bao phủ đủ liều cơ bản cho nhóm tuổi này gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắk Nông, TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bình Phước, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương khẩn trương hoàn thành việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên; không để sót, đặc biệt người có bệnh nền, người trên 50 tuổi; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12-18 tuổi trong tháng 1.2022, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong Quý I năm 2022, đặc biệt lưu ý các đối tượng thường xuyên di chuyển (18 - 50 tuổi) và các nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh.

Các địa phương chủ động có kế hoạch, phương án tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, thực tiễn thế giới và Việt Nam.

Nguyên nhân gây ho rũ rượi sau khi khỏi Covid-19

Theo thông tin từ bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM, tình trạng ho sau mắc Covid-19 giống ho sau bị cảm hoặc nhiễm các vi rút hô hấp.

Nguyên nhân gây ho rũ rượi sau khi khỏi Covid-19

Về nguyên nhân gây ho sau khi khỏi Covid-19, theo bác sĩ Khanh có 4 nhóm gồm:

  • Nhóm 1: Sau khi khỏi bệnh, cơ thể còn đào thải chất tiết (xác vi rút).
  • Nhóm 2: Người có cơ địa dị ứng hoặc bị suyễn.
  • Nhóm 3: Người có bệnh lý trào ngược sẵn có, uống thuốc nhiều thì tình trạng này tăng thêm.
  • Nhóm 4: Người có tình huống kích thích trung khu thần kinh ở dọc đường hô hấp, vùng khí quản, hầu họng.... gây ho.

Trả lời câu hỏi những bệnh nền nào khiến người sau khi mắc Covid-19 dễ bị ho kéo dài, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho hay đó là những người có cơ địa dị ứng (tức bị kích thích ho khi bị), bị suyễn, trào ngược, sống trong môi trường nhiều khói bụi dễ bị ho.

Bên cạnh đó, không có sự khác biệt trong di chứng ho kéo dài sau mắc Covid-19 có khác với việc nhiễm các vi rút khác. Có nhiều "dạng" ho khác nhau, có thể bị ho túc tắc, ngứa họng, cũng có thể bị ho sặc sụa. Nhiều người bị ho sau khi nói chuyện nhiều, cười nhiều; hít không khí lạnh, thở bằng miệng nhiều... Có người sau khi ăn no cũng ho, hít phải mùi lạ, thay đổi tư thế, thậm chí, cơn ho khiến họ thức giấc ban đêm.

Để ứng phó với ho sau khỏi Covid-19, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, người dân phải đi khám để đánh giá việc bản thân có bệnh phổi khác hay không (như viêm phổi, lao phổi), hoặc các bệnh như ho do dị ứng, trào ngược, suyễn... hay đích thị là ho hậu Covid-19.

Nếu không phải vì bệnh lý khác, thì việc tự vận động, tập luyện, tẩm bổ sẽ khiến ho sau Covid-19 hết dần trong tương lai. Có những người cũng bị mệt mỏi, mất sức liên quan hô hấp, thì lúc này tập thở, tẩm bổ là cách duy nhất để quen dần.

Thực tế hiện nay một số người bị ho do di chứng sau Covid-19 đi khám được hướng dẫn "detox" (thanh lọc) phổi. Việc thanh lọc (rửa) phổi chỉ nên áp dụng với những người trong môi trường hít phải quá nhiều bụi (than, kim loại). Còn về y học, không có bệnh lý nào phải thanh lọc phổi. Nhiễm Covid-19 là do vi rút, vì thế không phải thanh lọc phổi.

Một số mắc Covid-19 thể nặng có dấu vết sẹo hay dãy xơ trên phổi. Những vấn đề này theo vị chuyên gia này không phải detox phổi mà phải tập thở để tăng khả năng trao đổi khí ở những vùng còn lại không bị xơ. Một số nghiên cứu cho thấy sau 6 tháng những vết xơ này sẽ tự lành. Đồng thời, sự thật là những vết xơ này sẽ làm bệnh nhân khó chịu, ngột thở, không có sức khi vận động mạnh hoặc đeo khẩu trang liên tục. Vì thế tập thở là phương pháp hiệu quả nhất.

Về một số biện pháp giảm cơn ho, bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo có thể làm giảm cơn ho bằng những cách sau:

  • Tập thở: thở bụng có chú ý, hít vào bụng phình, thở ra bụng xẹp mỗi đợt 3-4 nhịp.
  • Nuốt và ngậm miệng.
  • Hít vào thở ra bằng mũi cho đến khi hết ho.
  • Uống từng ngụm nước ấm, ngậm kẹo.
  • Tránh để khô họng, uống đủ nước.
  • Uống thuốc ho.

Những lưu ý về vệ sinh khi trong nhà có ca nhiễm Covid-19

Thời gian gần đây, số ca nhiễm Covid-19 (tức F0) cách ly, điều trị tại nhà ở Hà Nội và một số địa phương đang ngày càng gia tăng. Bên cạnh việc phải chuẩn bị một số thuốc và thiết bị thiết yếu, lương thực, thực phẩm cho F0, việc xử lý đồ vải, vệ sinh dụng cụ ăn uống, nhà cửa... khi gia đình có F0 cách ly, điều trị tại nhà để cả gia đình cùng chiến thắng Covid-19 là điều rất quan trọng.

Đồng thời, trên “Nhóm Bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc F0 điều trị tại nhà” có rất nhiều F0 cùng gia đình bày tỏ quan tâm về vấn đề này.

Những lưu ý về vệ sinh khi trong nhà có ca nhiễm Covid-19

F0 cần phải tự giặt giũ, rửa bát đĩa

Theo hướng dẫn chăm sóc người mắc Covid-19 tại nhà do Bộ Y tế ban hành cần bố trí bộ đồ ăn riêng cho người nhiễm Covid-19 và nên sử dụng dụng cụ dùng một lần. Đồ ăn thừa và dụng cụ ăn uống dùng một lần bỏ vào túi đựng rác trong phòng riêng.

Hướng dẫn của Bộ Y tế khuyến cáo rửa bát đĩa bằng nước nóng và xà phòng. Người nhiễm Covid-19 tự rửa bát đĩa trong phòng riêng. Nếu cần người chăm sóc hỗ trợ thì người chăm sóc mang găng khi thu dọn đồ ăn và rửa bát đĩa. Bát đĩa và đồ dùng ăn uống của người nhiễm sau khi rửa để ở vị trí riêng. Tốt nhất là để trong phòng người nhiễm.

Về xử lý đồ vải của F0, tốt nhất là người nhiễm có thể tự giặt quần áo của mình. Nếu cần người chăm sóc giặt thì người chăm sóc đeo găng tay khi xử lý đồ vải của người nhiễm.

Bộ Y tế lưu ý phải giặt hoặc khử trùng túi giặt và giỏ đồ. Giặt bằng máy hoặc bằng tay với nước ấm nhất có thể. Sấy khô hoặc phơi khô hoàn toàn. Tháo găng, rửa tay sau khi xử lý đồ vải của người nhiễm.

Nên giặt riêng đồ của người nhiễm với đồ của người khác. Đặc biệt, Bộ Y tế lưu ý không giũ đồ bẩn cần giặt để hạn chế nguy cơ phát tán vi rút qua không khí.

Về vấn đề vệ sinh, tốt nhất là người nhiễm tự vệ sinh khu vực của mình. Để vệ sinh môi trường sạch sẽ cần làm sạch sàn nhà, tường và bề mặt sau đó lau bằng dung dịch khử khuẩn, rồi lau lại bằng nước sạch.

Bộ Y tế lưu ý nếu cần người chăm sóc hỗ trợ việc vệ sinh phòng, người chăm sóc mang găng trước khi vệ sinh.

Lý giải điều này, TS.BS Hoàng Thanh Tuấn - Phó Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, Học viện Quân y khuyến cáo các gia đình không vệ sinh nơi F0 cách ly khi không thực sự cần thiết hoặc khi F0 tự làm được để hạn chế tiếp xúc gần với F0.

Hướng dẫn của Bộ Y tế cũng nhấn mạnh việc sử dụng dụng cụ vệ sinh riêng cho khu vực của người nhiễm; có thể bọc thiết bị điện tử bằng màng nilon và vệ sinh, khử trùng bên ngoài. Tháo bỏ găng, rửa tay sau khi hoàn tất công việc vệ sinh. Thực hiện vệ sinh bề mặt ít nhất 1 lần/ngày.

Cách pha dung dịch khử khuẩn

Về cách pha dung dịch khử khuẩn, hướng dẫn của Bộ Y tế nêu rõ sử dụng 5 thìa/muỗng bột Cloramin B 25% + 1 lít nước, hoặc nước Javel 5% (pha gấp 10 lượng Javel theo hướng dẫn trên nhãn chai trong cùng 1 lượng nước), hoặc thuốc tẩy pha với nước theo tỉ lệ 1:10:5 muỗng canh hoặc 1/3 cốc + 250 ml nước.

Đặc biệt, Bộ Y tế lưu ý dung dịch đã pha chỉ có hiệu quả sử dụng trong 24 giờ. Đồng thời, người pha dung dịch cần chú ý kỹ những lưu ý sau:

  • Không trộn lẫn hóa chất hoặc dung dịch tẩy rửa với nhau.
  • Không để trực tiếp dưới ánh mặt trời.
  • Không để các sản phẩm tẩy rửa hoặc khử khuẩn trực tiếp lên da tay.
  • Không được sử dụng các sản phẩm tẩy rửa hoặc khử khuẩn cho thực phẩm.

Lưu ý về thu gom rác

Về thu gom, xử lý chất thải đúng cách, Bộ Y tế khuyến cáo như sau:

  • Đặt thùng rác có nắp kín và mở bằng chân, có lót túi nilon bên trong ở phòng của người nhiễm.
  • Thu gom, xử lý chất hằng ngày hoặc khi thùng rác đầy.
  • Đeo găng khi xử lý chất, thải bỏ găng tay ngay sau khi xử lý xong.
  • Rửa tay sau khi xử lý chất thải.

Bộ Y tế cũng lưu ý không được sử dụng lại găng tay. Mỗi đôi găng tay chỉ sử dụng một lần rồi bỏ; không chạm vào mặt khi đang đeo găng vì lý do mặt ngoài găng có thể có mầm bệnh.

Có thật sự virus Covid-19 tiến hóa để ít nguy hiểm hơn?

Nhiều bằng chứng cho thấy Omicron ít gây tử vong hơn so với các biến thể Covid-19 trước đó. Và nhiều người đã bắt đầu nhắc đến thuyết cho rằng virus luôn phát triển để trở nên ít độc lực hơn theo thời gian. Nhưng giới chuyên gia cho rằng điều này không đúng.

Có thật sự virus Covid-19 tiến hóa để ít nguy hiểm hơn?

Ý tưởng cho rằng lây sự lây nhiễm có xu hướng ít gây chết người hơn theo thời gian được đưa ra vào cuối thế kỷ 19 bởi nhà vi khuẩn học nổi tiếng, Tiến sĩ Theobald Smith.

Theo lý thuyết này, để đảm bảo sự sống còn của chính mình, các mầm bệnh tiến hóa để ngừng giết vật chủ là con người. Thay vào đó, chúng chỉ gây nhiễm nhẹ, cho phép mọi người đi lại, lây lan virus ra xa hơn. Như vậy sẽ tốt cho virus và cũng tốt cho con người.

Tuy nhiên, trong hơn 100 năm qua, các nhà virus học đã nhận ra rằng quá trình tiến hóa của virus thật ra phức tạp hơn. Sự tiến hóa của chúng là một trò may rủi và ít khi được "lập trình" trước. Trong một số trường hợp, virus còn biến đổi để trở nên độc hại hơn.

Sự tồn tại liên tục, lây lan và độc lực là do áp lực tiến hóa của nhiều yếu tổ, bao gồm số lượng người có thể lây nhiễm, con người sống bao lâu sau khi nhiễm bệnh, phản ứng của hệ miễn dịch và thời gian từ khi nhiễm virus cho đến khi khởi phát triệu chứng.

Điều đó có nghĩa là gần như không thể dự đoán được tương lai của đại dịch Covid-19, bởi vì virus không phải lúc nào cũng phát triển theo một mô hình nhất định.

Giáo sư vi sinh Andrew Pekosz tại Trường Y tế Công cộng Bloomberg thuộc Đại học Johns Hopkins nói hiện rất khó xác định liệu các biến thể mới đang tiến hóa để tăng hay giảm độc lực hơn trước.

Nguyên nhân là vì khả năng miễn dịch đã tốt hơn nhiều nhờ vắc xin hoặc nhờ đã nhiễm trước đó. Vì vậy, giới chuyên gia cho rằng không nên xem nhẹ Omicron hay cho rằng đây là dạng Covid-19 ít gây chết người. Vì kể cả nếu ít gây chết người thì vì biến thể này quá dễ lây nhiễm nên tổng số tử vong cũng sẽ tăng.

Người chưa tiêm ngừa vẫn có tỉ lệ nguy cơ cao hơn. Ước tính người chưa tiêm có nguy cơ nhập viện cao hơn 17 lần, và nguy cơ tử vong cao hơn 20 lần so với người đã tiêm.

Phát hiện gien làm tăng gấp đôi nguy cơ bị Covid-19 nặng

Các nhà khoa học Ba Lan đã tìm thấy một gien mà họ cho rằng có khả năng làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc Covid-19 nặng. Phát hiện này có thể giúp bác sĩ xác định những người có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.

Phát hiện gien làm tăng gấp đôi nguy cơ bị Covid-19 nặng

Việc do dự không tiêm vắc xin là yếu tố chính dẫn đến tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao ở Trung và Đông Âu. Vì vậy nhóm nghiên cứu hy vọng rằng việc xác định những người có nguy cơ cao nhất sẽ giúp họ có động lực tiêm phòng. Đồng thời phát hiện sẽ giúp nhóm người có nguy cơ tiếp cận với các lựa chọn điều trị chuyên sâu hơn nếu bị nhiễm Covid-19.

Bộ trưởng Bộ Y tế Ba Lan Adam Niedzielski giải thích: "Điều này có nghĩa là trong tương lai, chúng tôi có thể xác định những người có khuynh hướng bị Covid-19 nặng".

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Y Bialystok phát hiện ra rằng gien là yếu tố quan trọng thứ tư quyết định mức độ nghiêm trọng của người nhiễm Covid1-19, sau tuổi tác, cân nặng và giới tính.

Giáo sư phụ trách dự án Marcin Moniuszko cho biết gien này xuất hiện ở khoảng 14% dân số Ba Lan, 8-9% ở châu Âu và 27% ở Ấn Độ.

Các nghiên cứu khác cũng cho thấy tầm quan trọng của các yếu tố di truyền trong việc Covid-19 phát triển nghiêm trọng như thế nào.

Vào hồi tháng 11 năm ngoái, các nhà khoa học Anh cho biết họ đã xác định một phiên bản gien có thể liên quan đến việc tăng gấp đôi nguy cơ suy phổi do Covid-19.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 16.1 của Báo Thanh Niên.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.