Bản tin Covid-19 ngày 27.2: Cả nước thêm 101.828 ca | Hà Nội vẫn chưa đạt “đỉnh dịch”

27/02/2022 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 27.2 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .

Bản tin Covid-19 ngày 27.2.2022 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Công bố 101.828 ca Covid-19 mới, 35.866 ca khỏi bệnh

Bản tin Bộ Y tế ngày 27.2.2022 cho biết tính từ 16h ngày 26.2 đến 16h ngày 27.2, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 86.990 ca nhiễm mới, Sở Y tế Phú Thọ đăng ký bổ sung 14.838 ca. Như vậy, tổng số ca nhiễm được công bố là 101.828 ca.

Đây cũng là ngày đầu tiên Bộ Y tế công bố hơn 100.000 ca Covid-19 mới trong một ngày.

Trong ngày 27.2 cũng ghi nhận 35.866 ca khỏi bệnh.

Thông tin về 101.828 ca vừa được công bố như sau:

  • 24 ca nhập cảnh
  • 86.966 ca ghi nhận trong nước (tăng 8.996 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 58.680 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (11.517), Quảng Ninh (5.997), Lạng Sơn (4.960), Hưng Yên (3.225), Bắc Ninh (3.037), Nghệ An (2.941), Nam Định (2.764), Vĩnh Phúc (2.758), Phú Thọ (2.565), Sơn La (2.509), Tuyên Quang (2.350), Hòa Bình (2.298), Lào Cai (2.272), Hải Dương (2.226), Hải Phòng (2.114), Ninh Bình (2.031), Đắk Lắk (2.012), Bắc Giang (1.999), Yên Bái (1.994), TP.HCM (1.969), Thái Bình (1.733), Hà Giang (1.708), Thái Nguyên (1.496), Quảng Bình (1.351), Khánh Hòa (1.260), Cao Bằng (1.141), Bình Phước (1.118), Điện Biên (1.118), Bình Định (1.048), Đà Nẵng (978), Thanh Hóa (859), Gia Lai (846), Hà Nam (818), Bình Dương (799), Quảng Trị (757), Phú Yên (749), Hà Tĩnh (742), Lâm Đồng (702), Bà Rịa - Vũng Tàu (669), Cà Mau (547), Đắk Nông (512), Quảng Nam (462), Quảng Ngãi (258), Tây Ninh (241), Bình Thuận (221), Thừa Thiên-Huế (205), Bến Tre (202), Kon Tum (199), Bạc Liêu (143), Vĩnh Long (135), Đồng Nai (79), Kiên Giang (78), Trà Vinh (73), Long An (58), Cần Thơ (50), An Giang (27), Ninh Thuận (18), Đồng Tháp (11), Hậu Giang (6), Tiền Giang (6), Bắc Kạn (5).
Ngày 27.2: Công bố 101.828 ca Covid-19, 35.866 ca khỏi | Hà Nội 11.517 ca | TP.HCM 1.969 ca

Ngày 27.2.2022, Sở Y tế Phú Thọ đăng ký bổ sung 14.838 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin tại Phú Thọ.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Nghệ An (-1.044), Lai Châu (-475), Tuyên Quang (-387).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Lạng Sơn (+3.960), Quảng Ninh (+3.438), Bắc Ninh (+996).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 67.986 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 3.321.005 ca nhiễm, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 142/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 33.619 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):+ Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 3.313.653 ca, trong đó có 2.409.095 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (532.303), Bình Dương (297.055), Hà Nội (259.100), Đồng Nai (101.130), Tây Ninh (90.175).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 35.866 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 2.411.912 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.190 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 2.526 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 285 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 109 ca
  • Thở máy xâm lấn: 259 ca
  • ECMO: 11 ca

Từ 17h30 ngày 26.2 đến 17h30 ngày 27.2 ghi nhận 94 ca tử vong, gồm:

  • Tại TP.HCM (2) trong đó 1 ca từ Sóc Trăng chuyển đến.
  • Tại các tỉnh, thành phố khác: Hà Nội (17), Nam Định (7), Bắc Giang (5), Bình Định (5), Thanh Hóa (5), Ninh Bình (4), Quảng Bình (4), Bạc Liêu (3), Bình Thuận (3), Đà Nẵng (3), Kiên Giang (3 ca trong 02 ngày), Lào Cai (3), Phú Thọ (3), Quảng Ninh (3), Thái Nguyên (3), Bà Rịa - Vũng Tàu (2), Bắc Ninh (2), Gia Lai (2), Lâm Đồng (2 ca trong 02 ngày), Quảng Ngãi (2), Bình Dương (1), Cà Mau (1), Đắk Nông (1), Đồng Nai (1), Đồng Tháp (1), Hà Tĩnh (1), Hải Dương (1), Hòa Bình (1), Quảng Trị (1), Tây Ninh (1), Trà Vinh (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 92 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 40.144 ca, chiếm tỉ lệ 1,2% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện là 33.586.793 mẫu tương đương 79.078.763 lượt người.

Trong ngày 26.2 có 125.533 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 193.408.292 liều, trong đó: Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 176.651.604 liều: Mũi 1 là 70.856.765 liều; Mũi 2 là 67.205.932 liều; Mũi 3 là 1.442.190 liều; Mũi bổ sung là 13.699.350 liều; Mũi nhắc lại là 23.447.367 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 16.756.688 liều: Mũi 1 là 8.621.505 liều; Mũi 2 là 8.135.183 liều.

Hà Nội đã đạt đến "đỉnh dịch" Covid-19 hay chưa?

Sáng 27.2, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của thành phố.

Lãnh đạo Hà Nội nêu diễn biến dịch bệnh hiện rất phức tạp. Hà Nội đã có ngày trên 10.000 ca mắc Covid-19; 74 xã phường (12/8%), đã chuyển sang cấp độ 3. Tuy nhiên số bệnh nhân thể nhẹ, không triệu chứng chiếm 96%, 95% tổng số ca nhiễm điều trị tại nhà.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh

phú Khánh

Hà Nội đang khẩn trương giải trình tự gen để đánh giá mức độ chủng Omicron (đang chờ kết quả từ Viện Vệ sinh dịch tễ). “Việc giải trình tự gen chậm; nhưng trên thực tế có thể nhận định, hiện Hà Nội đã lưu hành Omicron song hành với Delta và có thể đã chiếm đa số bởi tốc độ lây lan Covid-19 hiện nay rất nhanh”, ông Ngọc Anh nói.

Cũng theo lãnh đạo Hà Nội, các chuyên gia đánh giá, số ca mắc ở Hà Nội vẫn sẽ tiếp tục tăng cao và khả năng có thể đạt đỉnh trong nửa tháng nữa tùy vào các biện pháp phòng, chống dịch. Thành phố cũng đánh giá đây là thách thức, áp lực và khó khăn rất lớn đối với hệ thống y tế cơ sở nếu không kịp thời đưa ra các giải pháp công nghệ, cùng việc nâng cao ý thức người dân.

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu các phường, quận phải áp dụng các giải pháp để mọi người dân dân phải nắm được dấu hiệu nhận biết, quy trình chăm sóc, điều kiện cần thiết tại nhà. Cần xét nghiệm khi nào để tránh lãng phí; không gây hoang mang, lo lắng; khi có triệu chứng thì cần khai báo, liên hệ với ai, qua hình thức liên lạc nào, đảm bảo quy trình… Phải thường xuyên theo dõi, nắm rõ con số bao nhiêu trường hợp bệnh nhân thể nhẹ, điều trị tại nhà; tập trung cao độ vào các trường hợp chuyển tầng, thể nặng.

“Chủ tịch các quận huyện xã phường phải “đốc” đến tận nhà, nắm rõ và cập nhật liên tục các con số trên”, ông Chu Ngọc Anh nêu.

Hà Nội đã đạt đến "đỉnh dịch" Covid-19 hay chưa?

Trong ngày hôm nay, Chủ tịch Hà Nội cũng yêu cầu Giám đốc Sở Y tế chủ trì lập ngay tổ công tác liên ngành của Ban Chỉ đạo chống dịch Covid-19 thành phố với đầu mối rõ, gọn nhẹ nhất để kiểm tra, báo cáo hàng ngày các phần việc cụ thể mọi mặt công tác “nóng” gồm những hướng dẫn thích ứng, kiểm soát nhóm nguy cơ cao, số liệu chuyển tầng, điều trị tại cơ sở y tế hàng ngày; thích ứng với các hoạt động đi học trực tiếp, các cơ quan hành chính để vẫn đảm bảo hiệu quả công việc, đảm bảo việc học tập của học sinh.

Ngày Thầy thuốc Việt Nam tại trung tâm điều trị Covid-19 lớn nhất miền Tây

Ê kip bác sĩ điều trị Covid-19 tại Trung tâm quốc gia điều trị Covid-19 đặt tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ vẫn đang miệt mài làm việc ngay ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2.2022.

Hàng chục bệnh nhân nặng, nguy kịch từ các tỉnh ở ĐBSCL chuyển về vẫn đang được điều trị tích cực, trong đó có 2 ca vẫn đang phải chạy ECMO. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, đã có hàng ngàn ca bệnh nặng với nhiều bệnh lý khác nhau từ các tỉnh, thành ĐBSCL chuyển về Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, được các bác sĩ nỗ lực cứu sống.

Trước đó, tháng 8.2021, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở miền Tây, Bộ Y tế đã chỉ đạo thành lập ngay Trung tâm quốc gia điều trị Covid-19 cho ĐBSCL đặt tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ. Nhiệm vụ tiếp nhận, điều trị các ca Covid-19 nguy kịch từ các tỉnh ĐBSCL chuyển về. Quy mô 200 giường nhưng gần như Trung tâm lúc nào cũng kẹt cứng, không có chỗ trống. Áp lực nặng nề lên vai của đội ngũ y bác sĩ tại Trung tâm.

Ngày Thầy thuốc Việt Nam tại trung tâm điều trị Covid-19 lớn nhất miền Tây

"Ngoài vấn đề đảm nhân một Trung tâm Covid-19 quốc gia của Bộ Y tế giao thì đơn vị hồi sức còn phải đảm nhận thêm một đơn vị hồi sức thường. Trong khi đó thì các đơn vị của thành phố không nhận những bệnh thường nữa mà tập trung điều trị Covid-19 cho nên lượng bệnh vừa Covid-19 vừa hồi sức nặng thường thì tập trung ở Bệnh viện đa khoa Trung ương và một số tỉnh cũng chuyển về nên áp lực rất lớn. Tuy nhiên bệnh viện cũng phân công nhân lực của các khoa khác vào trung tâm hỗ trợ thì mới đảm nhận được nhiệm vụ này", BS.CK2 Dương Thiện Phước - Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, cho hay.

Trung tâm được thành lập từ tháng 8.2021

đình tuyển

Hơn 7 tháng qua, đã có hơn 1.100 ca nhiễm Covid-19 nặng nguy kịch đã được các bác sĩ của trung tâm nỗ lực điều trị. Đã có nhiều trường hợp bệnh nhân được cứu sống ngoạn mục như những ca can thiệp ECMO, trong đó phải kể đến những ca sản khoa rất nặng cứu được cả mẹ lẫn con. Đến nay đã có tổng cộng 15 ca được điều trị bằng kỹ thuật ECMO tại bệnh viện này. Thậm chí có lúc ê kíp của bệnh viện theo dõi can thiệp cùng lúc tới 4 ca ECMO.

Năm 2021 đầy giông bão đã qua đi, những người đang sống trong thời bình nhưng có lẽ sẽ không bao giờ quên cuộc chiến khốc liệt với dịch bệnh Covid-19. Một cuộc chiến không tiếng súng nhưng cam go và đầy mất mát. Cũng trong cuộc chiến ấy, chưa bao giờ người ta lại thấy rõ đến thế vai trò và sự hy sinh cao cả của những chiến sĩ áo trắng. Những y bác sĩ, cán bộ nhân viên y tế nơi tuyến đầu chống dịch đã thực sự quên mình chiến đấu với tử thần, giành giật từng hơi thở cho bệnh nhân.

Dù là ngày thầy thuốc Việt Nam, các y bác sĩ vẫn miệt mài với công việc

đình tuyển

Với những chiến sĩ áo trắng ở miền Tây nói riêng và cả nước nói chung, cuộc chiến với Covid-19 là một thử thách lịch sử. Nhưng có một điều chắc chắn là khi vượt qua những khó khăn, thử thách ấy cũng là lúc nội lực, trình độ chuyên môn của các y bác sĩ thêm vững vàng hơn. Và cũng chính nội lực đó của người thầy thuốc, người chiến sĩ áo trắng sẽ càng giúp cho công tác điều trị, chăm sóc y tế cho người dân ngày một tốt hơn.

Trẻ em mắc Covid-19 nhập viện tại TP.HCM gia tăng

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, ngày 26.2, tổng số ca mắc Covid-19 trên địa bàn thành phố được xác định (theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế) là 2.071 ca và 2.456 ca phát hiện qua test nhanh nghi ngờ. Như vậy, ngày 25.2, TP.HCM có hơn 4.500 ca phải cách ly, chăm sóc và điều trị.

Trong ngày 26.2, số ca nhập bệnh viện tầng 2, tầng 3 là 650, tăng hơn 130 ca so với ngày trước đó, nâng tổng số ca đang điều trị tại bệnh viện tầng 2, 3 là 2.879 ca.

Số trẻ em dưới 16 tuổi đang điều trị tăng lên 226 ca (ngày 24.2 là 144 ca, ngày 25.2 là 214 ca) và số phụ nữ mang thai đang điều trị là 24 ca.

Trẻ em mắc Covid-19 nhập viện tại TP.HCM gia tăng

Trong xu hướng bệnh gia tăng, trong đó có trẻ em, TP.HCM đã chuẩn bị 450 giường, trong đó có 150 giường hồi sức hô hấp tại 3 bệnh viện nhi (Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhi đồng Thành phố) sẵn sàng thu dung, điều trị trẻ em mắc Covid-19 cũng như phân tầng điều trị, hướng dẫn chăm sóc tại nhà và các trường hợp cần nhập viện điều trị. Các bệnh viện khác cũng sẵn sàng kịch bản tiếp nhận, sàng lọc và điều trị trẻ em mắc Covid-19.

Sở Y tế TP. HCM đã lên kế hoạch theo dõi sát diễn tiến số ca mắc, số ca nặng cần hỗ trợ hô hấp tại các bệnh viện để kịp thời tham mưu cho UBND TP.HCM xem xét chính sách dạy và học phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Đồng thời, thành phố cũng xây dựng kịch bản khi số trẻ mắc Covid-19 gia tăng; sẵn sàng triển khai kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ dưới 12 tuổi; tập huấn cho hệ thống y tế, giáo viên, giúp nhận biết các dấu hiệu xử trí ban đầu, quy trình xử trí F0 trong trường học.

Bộ Y tế cũng vừa ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 ở trẻ em.

Gần 10 tỉ rưỡi liều vắc xin Covid-19 đã được phân bổ trên toàn cầu

Đến 17 giờ chiều 27.2 (theo giờ Việt Nam), theo cập nhật từ Đại học Johns Hopkins của Mỹ, toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng hơn 434.389.000 ca nhiễm Covid-19, hơn 5.945.000 ca tử vong và hơn 10.483.775.000 liều vắc xin Covid-19 đã được phân bổ.

  • Với hơn 78.931.000 trường hợp mắc bệnh, Mỹ là quốc gia dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm Covid-19. Mỹ cũng đã ghi nhận 948.215 bệnh nhân tử vong.
  • Ấn Độ xếp thứ hai với hơn 42.916.000 ca nhiễm và 513.724 người tử vong vì Covid-19.
  • Kế tiếp là Brazil với hơn 28.749.000 ca Covid-19 và 649.184 ca tử vong vì Covid-19.
  • Pháp xếp ở vị trí thứ tư với hơn 22.819.000 ca nhiễm Covid-19 cùng 139.073 ca tử vong.
  • Vương Quốc Anh xếp thứ năm với hơn 18.938.000 ca nhiễm và 161.797 ca tử vong.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 27.2 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.