Bản tin Covid-19 ngày 26.2: Cả nước 98.876 ca | 70 xã phường ở Hà Nội thành "vùng cam"

26/02/2022 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 26.2 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .

Bản tin Covid-19 ngày 26.2.2022 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Công bố 98.876 ca Covid-19 mới, 20.427 ca khỏi bệnh

Bản tin Bộ Y tế chiều 26.2.2022 cho biết tính từ 16h ngày 25.2 đến 16h ngày 26.2, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 77.982 ca nhiễm mới; Sở Y tế Thái Nguyên đăng ký bổ sung 20.894 ca. Như vậy, tổng số ca được công bố là 98.876 ca.

Trong ngày có 20.427 ca được công bố khỏi bệnh.

Bản tin cũng thông báo về 88 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 40.050 ca.

Ngày 26.2: Công bố 98.876 ca Covid-19, 20.427 ca khỏi | Hà Nội 10.783 ca | TP.HCM 2.069 ca

Thông tin về 77.982 ca nhiễm mới như sau:

  • 12 ca nhập cảnh
  • 77.970 ca ghi nhận trong nước (giảm 804 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 64.285 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (10.783), Nghệ An (3.985), Vĩnh Phúc (2.995), Hưng Yên (2.962), Tuyên Quang (2.737), Phú Thọ (2.696), Nam Định (2.654), Quảng Ninh (2.559), Hải Dương (2.534), Hòa Bình (2.373), Sơn La (2.136), TP.HCM (2.069), Ninh Bình (2.063), Bắc Ninh (2.041), Hải Phòng (2.025), Bắc Giang (1.998), Yên Bái (1.954), Lào Cai (1.929), Đắk Lắk (1.896), Thái Bình (1.667), Hà Giang (1.590), Thái Nguyên (1.485), Quảng Bình (1.266), Khánh Hòa (1.211), Cao Bằng (1.112), Bình Phước (1.092), Điện Biên (1.067), Lạng Sơn (1.000), Đà Nẵng (986), Bình Định (918), Thanh Hóa (875), Bà Rịa - Vũng Tàu (866), Quảng Nam (829), Hà Tĩnh (748), Lâm Đồng (729), Gia Lai (712), Hà Nam (705), Bình Dương (696), Cà Mau (527), Quảng Trị (492), Lai Châu (475), Thừa Thiên-Huế (248), Quảng Ngãi (236), Bắc Kạn (223), Tây Ninh (211), Bến Tre (198), Kon Tum (197), Bình Thuận (196), Đắk Nông (180), Bạc Liêu (163), Trà Vinh (130), Đồng Nai (128), Vĩnh Long (114), Kiên Giang (98), Long An (60), Cần Thơ (47), Đồng Tháp (30), An Giang (26), Ninh Thuận (22), Hậu Giang (17), Tiền Giang (9).

Ngày 26.2.2022, Sở Y tế Thái Nguyên đăng ký bổ sung 20.894 ca nhiễm Covid-19 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin tại Thái Nguyên.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bắc Giang (-1.565), Lạng Sơn (-1.046), Phú Yên (-777).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Nghệ An (+1.561), Hà Nội (+947), Vĩnh Phúc (+628).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 62.304 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 3.219.177 ca nhiễm, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 142/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 32.588 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 3.211.849 ca, trong đó có 2.373.229 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (530.334), Bình Dương (296.256), Hà Nội (247.583), Đồng Nai (101.051), Tây Ninh (89.934).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế)

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 20.427 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 2.376.046 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.979 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 2.372 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 285 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 81 ca
  • Thở máy xâm lấn: 230 ca
  • ECMO: 11 ca

Từ 17h30 ngày 25.2 đến 17h30 ngày 26.2 ghi nhận 88 ca tử vong, gồm:+ Tại TP.HCM (3) trong đó 2 ca từ các tỉnh chuyển đến, gồm: Đồng Tháp (1), Đồng Nai (1).

Tại các tỉnh, thành phố khác: Hà Nội (24), Đà Nẵng (5), Nam Định (5 ca trong 02 ngày)Trà Vinh (5), Bình Định (4), Hà Giang (4), Hải Phòng (4), Hải Dương (3), Phú Thọ (3), Quảng Nam (3), Quảng Ngãi (3), Vĩnh Long (3), An Giang (2), Đồng Nai (2), Hòa Bình (2), Thái Nguyên (2), Thừa Thiên Huế (2), Bạc Liêu (1), Cần Thơ (1), Đồng Tháp (1), Hà Tĩnh (1), Lào Cai (1), Ninh Bình (1), Phú Yên (1), Quảng Ninh (1), Quảng Trị (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 90 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 40.050 ca, chiếm tỉ lệ 1,2% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện là 33.495.156 mẫu tương đương 78.971.531 lượt người.

Trong ngày 25.2 có 384.509 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 193.274.685 liều, trong đó: Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 176.519.726 liều: Mũi 1 là 70.852.938 liều; Mũi 2 là 67.197.435 liều; Mũi 3 là 1.442.133 liều; Mũi bổ sung là 13.680.006 liều; Mũi nhắc lại là 23.347.214 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 16.754.959 liều: Mũi 1 là 8.620.942 liều; Mũi 2 là 8.134.017 liều.

Số ca Covid-19 tăng “kỷ lục”, hơn 70 xã phường ở Hà Nội thành "vùng cam"

UBND TP.Hà Nội vừa có thông báo đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch Covid-19 tính đến 25.2.

Theo đó, có 283 xã, phường, thị trấn cấp độ 1 (giảm 216 xã, phường so với tuần trước); 222 xã, phường cấp độ 2 (tăng 142 xã, phường).

Nếu trong các tuần trước đó không có địa bàn nào cấp độ 3 và 4 thì tuần này có 74 xã, phường thành cấp độ 3; không có địa bàn nào cấp độ 4.

Theo đó, 74 xã, phường, thị trấn dịch diễn biến phức tạp, đánh giá cấp độ dịch từ mức cấp độ 3 trở lên, thuộc các quận: Ba Đình (2 phường), Bắc Từ Liêm (4 phường), Chương Mỹ (5 phường), Đan Phượng (3 phường), Đông Anh (8 xã), Đống Đa (1 phường), Gia Lâm (2 xã), Hà Đông (3 phường), Hai Bà Trưng (2 phường), Hoài Đức (3 xã), Hoàn Kiếm (1 phường) Hoàng Mai (1 phường), Long Biên (3 phường), Mê Linh (5 xã), Nam Từ Liêm (6 phường), Quốc Oai (2 xã), Sóc Sơn (5 xã), Tây Hồ (1 xã), Thạch Thất (8 xã), Thanh Oai (2 xã), Thanh Trì (3 xã), Thanh Xuân (1 phường), Thường Tín (3 phường).

F0 tại P.Hoàng Liệt xếp hàng tại phường chờ test

đậu tiến đạt

Ngày 25.2, Hà Nội thêm 9.836 ca Covid-19. Đây tiếp tục là số mắc cao nhất từ trước đến nay. Tổng số ca mắc Covid-19 của Hà Nội đã lên tới 239.974 ca.

Trước số ca F0 tăng nhanh, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh tối 24.2 đã ký công điện hỏa tốc đề nghị mỗi người dân tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ và thành phố; thực hiện thông điệp 5K, hạn chế tụ tập đông người không cần thiết, thường xuyên theo dõi sức khỏe, trang bị kiến thức khi nhiễm Covid-19 và điều trị tại nhà, nhận biết các dấu hiệu khi bệnh chuyển nặng để liên hệ với các cơ sở y tế kịp thời hỗ trợ; tránh “tâm lý chủ quan” hoặc “hoang mang, lo sợ cực đoan không cần thiết”.

Số ca Covid-19 tăng “kỷ lục”, hơn 70 xã phường ở Hà Nội thành "vùng cam"

Tăng cường hiệu quả hoạt động của các trạm y tế và trạm y tế lưu động, Tổ hỗ trợ chăm sóc theo dõi F0 tại nhà nhất là địa bàn có mật độ dân cư cao (đảm bảo nhân lực, cơ số thuốc, điều kiện vật chất, lực lượng y tế…); kịp thời chuyển tuyến điều trị theo hướng dẫn phân luồng tiếp nhận, điều trị người bệnh Covid-19 của ngành y tế.

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu đẩy mạnh và thần tốc hơn nữa việc tổ chức tiêm vắc xin mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, tiêm vét mũi thứ 2 cho trẻ em từ 12 đến dưới 17 tuổi; hoàn thành tốt chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân năm 2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng…

Cục Quản lý dược đảm bảo cung ứng đủ thuốc thiết yếu điều trị Covid-19

Thông tin từ Cục Quản lý dược (thuộc Bộ Y tế) cho biết hầu hết các ca mắc Covid-19 nặng có các bệnh nền như: đái tháo đường, ung thư, tim mạch; bản thân Covid-19 cũng gây các nguy cơ như: huyết khối, bão Cytokine, tổn thương phổi,... Do đó, điều trị Covid-19 không chỉ là thuốc kháng vi rút mà còn các thuốc chuyên khoa khác, tùy thuộc vào mỗi ca bệnh và diễn biến bệnh.

Theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế, trong danh mục thuốc thiết yếu điều trị Covid-19 có 28 thuốc cho điều trị bệnh nhân không triệu chứng và nhẹ; 29 thuốc thiết yếu điều trị bệnh nhân Covid-19 mức độ trung bình; 45 thuốc thiết yếu cho điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch.

Theo Bộ Y tế, trong giai đoạn cao điểm phòng chống dịch Covid-19, đã cơ bản đã đảm bảo kịp thời nhu cầu đối với các loại thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 được Quy định tại Quyết định số 2626 ngày 28.5.2021 của Bộ Y tế. Riêng đối với các thuốc kháng vi rút, thời gian qua Bộ Y tế đã huy động tối đa các nguồn lực để cung ứng thuốc theo nhu cầu điều trị. Đã cấp theo nhu cầu đề xuất của các địa phương các loại thuốc như: Remdesiv, Favipiravir, Molnupiravir.

Trong đó, Remdesivir đã được sử dụng tại Mỹ, Nhật, châu Âu, Bộ Y tế đã tiếp nhận, phân bổ cho các địa phương, đơn vị hơn 1,6 triệu lọ. Thuốc Favipiravir đã được sử dụng tại Nga, Hy lạp, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Bộ Y tế đã tiếp nhận, phân bổ khoảng 3 triệu viên.

Cục Quản lý dược đảm bảo cung ứng đủ thuốc thiết yếu điều trị Covid-19

Đặc biệt, với thuốc Molnupiravir, đã được Cơ quan quản lý dược của Anh, Mỹ đã cấp phép cho nhu cầu cấp bách. Trong các tháng cao điểm dịch (từ tháng 8.2021 đến tháng 2.2022) Bộ Y tế đã phân bổ hơn 430.000 liều cho 52 tỉnh, thành, điều trị F0 nhẹ tại nhà, tại cộng đồng.

Đáng lưu ý, trong năm 2021, Cục Quản lý dược phối hợp các đơn vị liên quan trong và ngoài Bộ Y tế đã rà soát xây dựng văn bản, lãnh đạo Bộ Y tế trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu, cấp phép và nghiên cứu, sản xuất thuốc trong nước với các cơ chế đặc thù về quản lý thuốc đáp ứng nhu cầu cấp bách về phòng chống dịch.

Mới đây nhất, ngày 17.2, Cục trưởng Cục Quản lý Dược đã ký quyết định ban hành danh mục 3 loại thuốc chứa Molnupiravir sản xuất trong nước, được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam.

Cụ thể, Cục Quản lý dược cấp phép cho 3 loại thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir gồm: Molravir 400 mg do Công ty Cổ phần dược phẩm Boston Việt Nam sản xuất; Movinavir 200 mg, do Công ty Cổ phần hóa dược phẩm Mekophar sản xuất; Molnuporavir 400 mg, do Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm chi nhánh 1 sản xuất.

Theo đánh giá của các chuyên gia điều trị, việc các đơn vị dược trong nước đủ năng lực được cấp phép sản xuất thuốc giúp có ý nghĩa quan trọng trong phòng chống, kiểm soát dịch, giảm các nguy cơ các F0 tăng nặng trong bối cảnh các F0 trong cộng đồng tăng cao và, đặc biệt quan trọng khi chúng ta xác định chung sống an toàn với Covid-19, chấp nhận không “zero F0”, có F0 trong cộng đồng.

Cùng với bao phủ rộng vắc xin, việc người dân thuận lợi trong tiếp cận thuốc điều trị Covid-19 giúp chúng ta đảm bảo vững chắc chiến lược điều trị F0 nhẹ tại nhà và cộng đồng, tránh cho hệ thống y tế quá tải, nhờ đó tập trung hiệu quả cho điều trị các F0 nặng, giảm được tỉ lệ tăng nặng và tử vong do Covid-19.

Những ngày chống dịch Covid-19 khó quên của bác sĩ ngành cao su

Ngay khi dịch Covid-19 bùng phát từ năm 2020, với tinh thần trách nhiệm, bác sĩ Hà Quý Long đã tình nguyện tham gia vào lực lượng chống dịch của thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.

Những ngày tháng khó quên đó đã được anh chia sẻ cùng các đồng nghiệp trong buổi lễ kỷ niệm 67 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam và vinh danh lực lượng tiêu biểu trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Buổi lễ do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (gọi tắt là VRG) tổ chức vào ngày 25.2.2022 tại tại Hội trường Tổng công ty cao su Đồng Nai (tại thành phố Long Khánh).

Tại buổi lễ, ông Đào Văn Sinh, Trưởng đại diện Văn phòng Bộ Y tế tại TP.HCM, đánh giá cao nỗ lực của toàn bộ lực lượng y tế ngành cao su trong gần 2 năm qua để đem lại thành quả to lớn, góp phần lớn vào thành tích chung trong năm 2021 của tập đoàn.

Cũng trong năm 2021, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có nhiều thành tích trong công tác phòng chống dịch Covid-19, thực hiện tốt "nhiệm vụ kép" vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Những ngày chống dịch Covid-19 khó quên của bác sĩ ngành cao su

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam là 1 trong 7 tập đoàn kinh tế nhà nước chủ lực của Việt Nam, với khoảng 83.000 cán bộ, nhân viên giữ vai trò phát triển vùng nguyên liệu cao su ở nhiều địa bàn trên cả nước, nhất là vùng biên cương và ở Lào, Campuchia.

Hệ thống y tế của ngành cao su hiện nay gồm 10 bệnh viện hạng 3 (ngang với tuyến huyện) với tổng số 650 giường bệnh; 14 phòng khám đa khoa; 860 cán bộ, công nhân viên (trong đó có 120 bác sĩ). Đội ngũ y tế này đảm bảo tốt công tác khám chữa bệnh cho người lao động toàn tập đoàn và người dân trên địa bàn.

10 bệnh viện trong toàn ngành cao su đạt tiêu chuẩn bệnh viện an toàn phòng chống Covid-19 theo Quyết định số 3088 của Bộ Y tế và tích cực tham gia phòng chống dịch ở địa phương, điều trị F0, liên tục từ đầu mùa dịch đến nay.

Số ca Covid-19 tại Đức tăng vọt

Đến 17 giờ chiều 26.2 (theo giờ Việt Nam), theo cập nhật từ Đại học Johns Hopkins của Mỹ, toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng hơn 433.162.000 ca nhiễm Covid-19, hơn 5.939.000 ca tử vong và hơn 10.463.919.000 liều vắc xin Covid-19 đã được phân bổ.

  • Với hơn 78.908.000 trường hợp mắc bệnh, Mỹ là quốc gia dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm Covid-19. Mỹ cũng đã ghi nhận 947.653 bệnh nhân tử vong.
  • Ấn Độ xếp thứ hai với hơn 42.905.000 ca nhiễm và 513.481 người tử vong vì Covid-19.
  • Kế tiếp là Brazil với hơn 28.679.000 ca Covid-19 và 648.496 ca tử vong vì Covid-19.
  • Pháp xếp ở vị trí thứ tư với hơn 22.765.000 ca nhiễm Covid-19 cùng 138.972 ca tử vong.
  • Vương Quốc Anh xếp thứ năm với hơn 18.938.000 ca nhiễm và 161.797 ca tử vong.

Số ca Covid-19 ghi nhận trong 28 ngày qua ở Đức cao nhất thế giới

Reuters

Trong khi đó, số ca nhiễm Covid-19 những ngày qua tại Đức đã tăng vọt và là quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 nhất trong 28 ngày qua với thêm hơn 4.964.000 ca nhiễm, nâng tổng số ca đã ghi nhận tại Đức lên hơn 14.626.000 ca.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 26.2 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.