Bản tin Covid-19 ngày 25.2: Cả nước 78.795 ca | “Kỷ lục” dịch bệnh vẫn chưa dừng lại

25/02/2022 19:57 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 21.2 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.

Bản tin Covid-19 ngày 21.2 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:

Cả nước 78.795 ca Covid-19, 15.835 ca khỏi

Bản tin của Bộ Y tế ngày 25.2 cho biết tính từ 16h ngày 24.2 đến 16h ngày 25.2, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 78.795 ca nhiễm mới, 15.835 ca khỏi bệnh.

Bản tin cũng thông báo về 78 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 39.962 ca.

Ngày 25.2: Cả nước 78.795 ca Covid-19, 15.835 ca khỏi | Hà Nội 9.836 ca | TP.HCM 2.206 ca

Thông tin về 78.795 ca nhiễm mới như sau:

  • 21 ca nhập cảnh.
  • 78.774 ca ghi nhận trong nước (tăng 9.655 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 54.345 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (9.836), Quảng Ninh (4.615 ca trong 2 ngày), Bắc Giang (3.563), Tuyên Quang (2.797), Phú Thọ (2.696), Nam Định (2.581), Hải Dương (2.441), Nghệ An (2.424), Hưng Yên (2.403), Hòa Bình (2.385), Vĩnh Phúc (2.367), TP.HCM (2.206), Bắc Ninh (2.139), Lạng Sơn (2.046), Sơn La (2.001), Ninh Bình (1.971), Hải Phòng (1.919), Đắk Lắk (1.912), Yên Bái (1.785), Khánh Hòa (1.631), Thái Bình (1.585), Lào Cai (1.525), Hà Giang (1.493), Thái Nguyên (1.489), Quảng Nam (1.328), Quảng Bình (1.218), Bình Phước (1.080), Bình Định (963), Đà Nẵng (957), Cao Bằng (914), Điện Biên (891), Thanh Hóa (885), Bà Rịa - Vũng Tàu (846), Lâm Đồng (785), Phú Yên (777), Hà Tĩnh (734), Lai Châu (623), Hà Nam (619), Gia Lai (603), Cà Mau (558), Quảng Trị (546), Bình Dương (339), Bình Thuận (254), Quảng Ngãi (235), Đắk Nông (220), Bắc Kạn (210), Thừa Thiên-Huế (200), Kon Tum (194), Tây Ninh (174), Bến Tre (147), Bạc Liêu (135), Đồng Nai (109), Vĩnh Long (84), Cần Thơ (74), Kiên Giang (67), Long An (66), Trà Vinh (39), An Giang (29), Ninh Thuận (24), Đồng Tháp (14), Hậu Giang (11), Sóc Trăng (10), Tiền Giang (2).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng nhiều nhất so với ngày trước đó: Tuyên Quang (+1.679), Hà Nội (+972), Nghệ An (+795).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bắc Giang (-608), Hải Dương (-507), TP.HCM (-260).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 57.160 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 3.120.301 ca nhiễm, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 142/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 31.588 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 3.112.985 ca, trong đó có 2.352.802 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (528.265), Bình Dương (295.560), Hà Nội (236.800), Đồng Nai (100.923), Tây Ninh (89.723).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 15.835 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 2.355.619 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.235 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 2.550 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 279 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 104 ca
  • Thở máy xâm lấn: 289 ca
  • ECMO: 13 ca

Từ 17h30 ngày 24.2 đến 17h30 ngày 25.2 ghi nhận 78 ca tử vong tại: Hà Nội (20), Đà Nẵng (7), Hải Phòng (3), Hòa Bình (3), Nghệ An (3), Phú Thọ (3), Thanh Hóa (3), Bạc Liêu (2), Bình Định (2), Bình Phước (2), Cao Bằng (2), Đắk Lắk (2), Hải Dương (2), Kiên Giang (2), Lạng Sơn (2), Ninh Bình (2), Quảng Bình (2), Thái Bình (2), Bình Thuận (1), Cần Thơ (1), Đồng Nai (1), Đồng Tháp (1), Hà Nam (1), Hậu Giang (1), Lâm Đồng (1), Long An (1), Phú Yên (1), Quảng Nam (1), Quảng Ninh (1), Quảng Trị (1), Thái Nguyên (1), TP.HCM (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 86 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 39.962 ca, chiếm tỉ lệ 1,3% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện là 33.384.331 mẫu tương đương 78.848.051 lượt người.

Trong ngày 24.2 có 187.683 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 192.865.977 liều, trong đó:

  • Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 176.110.836 liều: Mũi 1 là 70.849.206 liều; Mũi 2 là 67.187.585 liều; Mũi 3 là 1.441.597 liều; Mũi bổ sung là 13.628.967 liều; Mũi nhắc lại là 23.003.481 liều.
  • Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 16.755.141 liều: Mũi 1 là 8.620.184 liều; Mũi 2 là 8.134.957 liều.

Thuốc Molnupiravir được bán ở các nhà thuốc như thế nào?

Những ngày gần cuối tháng 2.2022, nhiều người dân TP.HCM đã tìm tới các nhà thuộc hệ thống nhà thuốc Long Châu để mua thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir điều trị Covid-19.

Thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19 được bán ở các nhà thuốc như thế nào?

Nhiều người cho biết họ có người thân đang bị nhiễm Covid-19 đã rất mong đợi loại thuốc này được bán chính thức tại các nhà thuốc.

Hiện tại nhà thuốc này có 2 loại thuốc chứa chứa hoạt chất Molnupiravir điều trị Covid-19 là Molravir 400mg của Boston và Molnupiravir 400mg của Stella. Cả hai đều đồng giá 250 ngàn hộp 20 viên. Tuy nhiên, để mua được thuốc này người mua phải có này phải có đơn chỉ định của bác sĩ hoặc chứng nhận đang điều trị F0.

Mặc dù vậy, vẫn có một số người khi tới nhà thuốc mới biết để mua được loại thuốc này cần phải tuân thủ các điều kiện trên. Ngày ở lối vào nhà thuốc cũng để các bảng thông báo và các nhân viên ở đây cũng hướng dẫn cho những khách hàng chưa biết khi họ hỏi mua thuốc.

Trước đó, chiều 23.2.2022, Cục quản lý dược Bộ Y tế đã công khai giá bán buôn thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir điều trị Covid-19 thì thuốc này đã được bán ra thị trường. Thuốc bán phải theo đơn bác sĩ.

Theo công bố giá của Cục Quản lý dược, thuốc Molravir 400g của Công ty cổ phần dược phẩm Boston Việt Nam sản xuất có giá bán 11.550 đồng/viên.

Giá thuốc Movinavir 200 mg của Công ty cổ phần hóa - dược phẩm Mekophar có giá 8.675 đồng/viên.

Thuốc Molnupiravir Stella 400 mg của Công ty TNHH liên doanh StellaPharm có giá 12.500 đồng/viên.

Tuy nhiên, Cục Quản lý dược cho biết đây là giá kê khai và được phê duyệt cho bán buôn, giá bán lẻ sẽ bao gồm chi phí của nhà thuốc, phí nhân công và vận chuyển.

Ngoài nhà thuốc Long Châu hiện đang bán loại thuốc này thì một số nhà thuốc khác cũng cho biết đang làm thủ tục để nhập loại thuốc này về bán trong một vài ngày tới.

Hướng dẫn mới nhất về dỡ bỏ cách ly cho trẻ em mắc Covid-19

Theo Hướng dẫn mới về chẩn đoán và điều trị Covid-19 ở trẻ em ban hành ngày 22.2.2022 kèm Quyết định 405 của Bộ Y tế, Bộ đã có quy định về dỡ bỏ cách ly hoặc xuất viện với trẻ mắc Covid-19, cụ thể như sau:

Hướng dẫn mới nhất về dỡ bỏ cách ly cho trẻ em mắc Covid-19
  • Về tiêu chuẩn dỡ bỏ cách ly với trẻ mắc Covid-19 điều trị tại nhà:

Đối với trẻ mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà theo quy định sẽ được dỡ bỏ cách ly, điều trị tại nhà khi:

- Thời gian cách ly, điều trị đủ 7 ngày và kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính vi rút SARS-CoV-2 do nhân viên y tế thực hiện hoặc người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.

- Trong trường hợp sau 7 ngày kết quả xét nghiệm còn dương tính thì tiếp tục cách ly đủ 10 ngày đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin theo quy định; và 14 ngày đối với người chưa tiêm đủ liều vắc xin theo quy định.

- Trạm y tế nơi quản lý người bệnh chịu trách nhiệm xác nhận khỏi bệnh cho người bệnh.

  • Về tiêu chuẩn dỡ bỏ cách ly với trẻ mắc Covid-19 điều trị tại cơ sở thu dung:

Thời gian cách ly, điều trị tại các cơ sở thu dung ít nhất là 5 ngày, các triệu chứng lâm sàng đỡ, giảm nhiều, hết sốt (không dùng thuốc hạ sốt) trước ngày ra viện từ 3 ngày trở lên và kèm theo điều kiện sau:

- Có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 hoặc nồng độ vi rút thấp (CT ≥ 30, bất kỳ gien đặc hiệu nào) hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính với vi rút SARS-CoV-2, người bệnh được ra viện.

- Nếu kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2 với nồng độ vi rút cao (CT < 30, bất kỳ gien đặc hiệu nào) hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên còn dương tính với vi rút SARS-CoV-2 thì tiếp tục cách ly đủ 10 ngày (không nhất thiết phải làm lại xét nghiệm).

Người bệnh sau khi ra viện tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong 7 ngày và đo thân nhiệt 2 lần/ngày. Nếu thân nhiệt cao hơn 38 độ C ở hai lần đo liên tiếp hoặc có bất kỳ dấu hiệu lâm sàng bất thường nào thì cần báo cho y tế cơ sở để thăm khám và xử trí kịp thời.

Ngoài ra, với trẻ cách ly, điều trị tại cơ sở thu dung mà có bệnh nền hoặc bệnh kèm theo cần lưu ý thời gian cách ly, điều trị ít nhất là 5 ngày, sau khi các triệu chứng lâm sàng đỡ, giảm nhiều và hết sốt (không dùng thuốc hạ sốt) từ 3 ngày trở lên và kèm theo điều kiện sau:

- Có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 hoặc nồng độ vi rút thấp (CT ≥ 30, bất kỳ gien đặc hiệu nào); hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính với vi rút SARS-CoV-2.

Khi đủ điều kiện, người bệnh được ra viện hoặc chuyển sang cơ sở khác hoặc khoa điều trị bệnh kèm theo hoặc khoa điều trị bệnh nền (nếu cần) của khoa đó để tiếp tục điều trị và được sàng lọc, theo dõi theo quy định đối với người bệnh nội trú hoặc về chuyển về nhà theo dõi, chăm sóc tại nhà theo quy định.

- Nếu kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2 với nồng độ vi rút cao (CT < 30, bất kỳ gien đặc hiệu nào) hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên còn dương tính với vi rút SARS-CoV-2 thì tiếp tục cách ly đủ 10 ngày (không nhất thiết phải làm lại xét nghiệm).

Cũng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, khi trẻ em mắc Covid-19 ra viện thì cần thông báo cho y tế cơ sở và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của địa phương biết và phối hợp. Cơ sở thu dung, điều trị có văn bản thông báo danh sách những người đủ tiêu chuẩn ra viện (thông tin ít nhất gồm số điện thoại hoặc Email, địa chỉ về lưu trú và bản chụp các giấy tờ liên quan) cho Sở Y tế tỉnh, thành phố nơi người khỏi bệnh về lưu trú.

Người bệnh sau khi ra viện tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong 7 ngày. Đo thân nhiệt 2 lần/ngày. Nếu thân nhiệt cao hơn 38 độ C ở hai lần đo liên tiếp hoặc có bất kỳ dấu hiệu lâm sàng bất thường nào thì cần báo cho y tế cơ sở để thăm khám và xử trí kịp thời. Đồng thời tuân thủ 5K.

Cùng con đi tiếp cuộc đời: Chia sẻ gánh nặng để cùng bước tiếp

Sáng 25.2, lễ ký thỏa thuận bảo trợ đầu xuân Nhâm Dần giữa Báo Thanh Niên với các nhà bảo trợ và gia đình các trẻ mồ côi do dịch Covid-19 đã diễn ra tại tòa soạn Báo Thanh Niên.

Cùng con đi tiếp cuộc đời: Chia sẻ gánh nặng để cùng bước tiếp

Ngoài lễ ký kết, chương trình còn tiếp nhận tiền ủng hộ và tài trợ cho chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời. Sau hơn 8 tháng phát động chương trình, số tiền mà Báo Thanh Niên nhận được để hỗ trợ các em lên đến 35 tỉ đồng.

Ngay sau khi Báo Thanh Niên phát động chương trình bảo trợ trẻ mồ côi vào ngày 16.9.2021, nhà thơ Đỗ Thị Thanh Bình (82 tuổi) đã gọi đến chương trình đề nghị được nhận bảo trợ một trẻ mồ côi trong thời gian sớm nhất. Đáp ứng mong mỏi của cụ, chương trình đã mời nhà thơ đến tòa soạn để ký thỏa thuận bảo trợ cho em Diệp Hoàng Nhã Văn, là con của anh Diệp Đức Minh - nguyên phóng viên ảnh của Báo Thanh Niên.

Tại buổi lễ, 12 trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19 đã nhận được sự bảo trợ từ 9 cá nhân. Trong đó, chị Hà Thị Nguyệt Ánh nhận bảo trợ 2 cho em, các em đã mất đi người cha thân yêu trong đại dịch Covid-19 vừa qua.

Trong buổi lễ, các nhà bảo trợ đã ký thỏa thuận chu cấp hàng tháng cho các trẻ gồm: Nhà thơ Đỗ Thị Thanh Bình, anh Nguyễn Đăng Toàn, chị Hà Nguyệt Ánh, nhà hàng chay Rau Ơi, chị Nguyễn Ngọc Oanh, nhà báo Nguyễn Đức Liên, nhà báo Nguyễn Đình Sơn (Báo Thanh Niên), chị Đoàn Thị Hà, anh Nguyễn Duy Thuật và anh Phạm Dương Sang.

Ngoài ra Họa sĩ Văn Y - phụ trách lớp âm thanh hội họa và thầy Võ Thanh Vân – Hiệu trưởng Trường THPT Ngọc Viễn Đông đã trao biểu trưng số tiền 312.500.000 đồng được trích từ 50% tổng số tiền bán tranh do cho đại diện Báo Thanh Niên.

Đồng hành với chương trình “Cùng con đi tiếp cuộc đời”, vợ chồng anh Nguyễn Lê Trường - Quách Gia Mẫn đã nhận bảo trợ hàng tháng cho 3 trẻ mồ côi trên địa bàn TP.HCM. Trong chương trình lần này, vợ chồng anh chị tiếp tục phối hợp cùng Báo Thanh Niên để xây dựng 2 phòng học cho trẻ em vùng cao thuộc huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, với tổng số tiền 200 triệu đồng.

Biến thể Omicron có khả năng gây tử vong thấp hơn 75% so với Delta

Theo dữ liệu thực tế do cơ quan y tế Hàn Quốc công bố hôm 21.2, những người nhiễm biến thể Omicron có nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong ít hơn gần 75% so với Delta.

Biến thể Omicron có khả năng gây tử vong thấp hơn 75% so với Delta

Nghiên cứu do Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thực hiện trên khoảng 67.200 ca được xác nhận kể từ tháng 12.2021. Theo đó, tỉ lệ bệnh nghiêm trọng và tỉ lệ tử vong do biến thể Omicron lần lượt là 0,38% và 0,18%, so với 1,4% và 0,7% đối với ca mắc Delta.

KDCA phân loại các trường hợp nghiêm trọng là người phải vào phòng chăm sóc đặc biệt.

Nghiên cứu cho thấy khoảng 56% trong số 1.073 người chết trong 5 tuần qua không được tiêm ngừa hoặc chỉ mới tiêm 1 liều, trong đó những người trên 60 tuổi chiếm 94% số ca tử vong.

Tính đến nay, hơn 86% dân số Hàn Quốc đã được tiêm 2 liều vắc xin và gần 60% đã được tiêm liều nhắc lại.

Nước này đã giữ cho các trường hợp mắc và tử vong ở mức tương đối thấp nhờ vào các biện pháp giãn cách xã hội, xét nghiệm và tích cực truy vết.

Biến thể Omicron đã dẫn đến sự gia tăng số ca nhiễm mới trong ngày kỷ lục lên 100.000 vào tuần trước.

Tuy nhiên, giới chức đã nới lỏng giãn cách trong bối cảnh tỷ lệ tử vong thấp hơn. Hàn Quốc đã loại bỏ việc truy vết và cách ly bắt buộc, thay vào đó ưu tiên cho việc tự chẩn đoán và điều trị tại nhà để giải phóng nguồn lực y tế.

KDCA cho biết Omiron đã trở thành biến thể phổ biến vào cuối tháng 1. Vào đầu tháng 2, có đến 90% ca mắc mới đều nhiễm biến thể này.

Theo Johns Hopkins, Hàn Quốc hôm 22.2 đã ghi nhận 171.448 ca mắc mới, trong đó có 99 ca tử vong.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 21.2 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.