Bản tin Covid-19 ngày 3.8: TP.HCM cam kết không để bà con bám trụ lại phải thiếu đói
03/08/2021 20:00 GMT+7
Bản tin Covid-19 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 3.8.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, kênh YouTube và Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok. Biên tập viên Yến Thi sẽ đồng hành cùng quý vị trong bản tin hôm nay.
Tự động phát
Bản tin Covid-19 ngày 3.8.2021 của Báo Thanh Niên sẽ có những thông tin đáng chú ý sau:
Cả nước 8.429 ca Covid-19, 3.866 ca khỏi; riêng TP.HCM 4.171 bệnh nhân
Bản tin của Bộ Y tế tối 3.8 thông báo tính từ 6h sáng đến 18h30 ngày 3.8 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 4.851 ca nhiễm Covid-19 mới, nâng tổng số bệnh nhân trong ngày lên 8.429 ca.
Có 3.866 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh trong ngày 3.8.
Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cũng thông báo bổ sung 190 bệnh nhân Covid-19 tử vong tại 10 tỉnh, thành phố từ ngày 25.7 đến ngày 3.8; nâng tổng số bệnh nhân tử vong lên 2.071 ca.
Thông tin về 8.429 ca Covid-19 được cống bố trong ngày 3.8 gồm:
- 52 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh
- 8.377 ca ghi nhận trong nước, trong đó có 1.570 ca trong cộng đồng. Gồm: TP.HCM (4.171), Bình Dương (1.606), Long An (566), Đồng Nai (364), Tây Ninh (298), Khánh Hòa (189), Đồng Tháp (141), Cần Thơ (120), Bến Tre (98), Hà Nội (98), Bà Rịa-Vũng Tàu (81), Vĩnh Long (72), Bình Thuận (72), Đà Nẵng (66), Phú Yên (60), Gia Lai (39), Sóc Trăng (33), Trà Vinh (33), Đắk Lắk (29), Ninh Thuận (29), An Giang (26), Quảng Ngãi (23), Bình Định (18), Đắk Nông (16), Kiên Giang (16), Hậu Giang (16), Nghệ An (12), Quảng Nam (12), Thừa Thiên-Huế (9), Lào Cai (8 ), Hà Tĩnh (7), Ninh Bình (7), Bạc Liêu (6), Bình Phước (5), Quảng Trị (4), Kon Tum (4), Phú Thọ (3), Sơn La (3), Hải Dương (3), Thanh Hóa (3), Quảng Bình (3), Điện Biên (2), Vĩnh Phúc (2), Bắc Giang (2), Hưng Yên (1), Cà Mau (1).
- Tính đến chiều 3.8, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 170.190 ca Covid-19 trong đó có 2.324 ca nhập cảnh và 167.866 ca mắc trong nước.
- Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27.4 đến nay là 166.296 ca.
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 50.831 ca.
- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 463 ca.
- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 20 ca.
- Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cũng thông báo bổ sung 190 ca bệnh Covid-19 tử vong tại 10 tỉnh, thành phố. Đây là các bệnh nhân Covid-19 tử vong thứ 1.882-2.071 tại Việt Nam.
TP.HCM cam kết không để bà con bám trụ thành phố thiếu đói
Sáng 3.8, tham dự buổi họp báo của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi đã trao đổi với báo chí về việc người dân đi về quê và công tác an sinh xã hội. Ông Phan Văn Mãi khẳng định, TP.HCM sẽ “không để bà con thiếu đói”.
Ông Phan Văn Mãi thông tin số lượng người dân từ các tỉnh đang công tác, làm việc ở thành phố rất lớn, có thể lên đến cả triệu người. Do đó, nếu tất cả người dân về quê vào thời điểm này thì công tác tổ chức, đặc biệt là đón nhận của các tỉnh sẽ rất khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh thành và TP.HCM đang thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế di chuyển giữa các địa bàn nên nếu số lượng người về lớn thì bất khả thi cho công tác tổ chức.
Do đó, ông Mãi đề nghị bà con bình tĩnh, yên tâm ở lại thành phố trong giai đoạn khó khăn này. Về phía chính quyền, TP.HCM sẽ tập trung nguồn lực, sự giúp đỡ của các địa phương, kể cả ngân sách, quỹ dự trữ để đảm bảo chăm lo. Ông Phan Văn Mãi khẳng định TP.HCM cam kết không để bà con thiếu đói.
TP.HCM vừa thành lập Trung tâm Tiếp nhận và cấp phát, hỗ trợ nhu yếu phẩm 3 cấp (thành phố, quận huyện và phường xã), phát huy hệ thống chính trị cơ sở, đoàn thể, tổ chức tình nguyện, các đảng viên ở khu phố nắm chắc bà con khó khăn để chăm lo kịp thời. TP.HCM xác định công tác chăm lo, hỗ trợ người dân không chỉ 1 - 2 tuần mà có thể kéo dài 1 - 2 tháng hoặc dài hơn nữa.
Về gói an sinh xã hội theo Nghị quyết 09/2021 của HĐND TP.HCM, ông Mãi thông tin có nhiều người chưa được nhận vì không nằm trong đối tượng thụ hưởng. Do đó, TP.HCM đã đề nghị các phường, xã, thị trấn nắm danh sách bà con công nhân, lao động, sinh viên bị mất việc thời gian qua, không có thu nhập, cuộc sống khó khăn... để hỗ trợ.
Ông Mãi nhìn nhận số lượng người dân ở thành phố rất đông, có thể các đơn vị không bao quát được hết nên bà con chủ động liên hệ địa phương hoặc thông qua tổng đài 1022 (bấm phím 2). Sắp tới, TP.HCM sẽ củng cố lại và mở thêm kênh tiếp nhận thông tin để kịp thời chăm lo.
Đề xuất tiêm vắc xin Nanocovax cho 1 triệu người
Ngày 2.8, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, phát triển vắc xin phòng Covid-19, đã có cuộc họp trực tuyến với các nhà khoa học của Học viện Quân y, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP.HCM về tiến độ thử nghiệm lâm sàng của vắc xin Covid-19 “made in Vietnam” Nanocovax do Công ty Cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen (TP.HCM) sản xuất.
Theo báo cáo của đại diện Nanogen, hiện nay công ty đang triển khai theo đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, tiêm vắc xin Nanocovax trên 13.000 người, chia làm 2 giai đoạn (3a: 1.000 người, 3b: 12.000 người), mỗi người tiêm 2 mũi Nanocovax, cách nhau 4 tuần.
Kết quả ngày thứ 42 sau tiêm mũi 1 của 1.000 người trong nghiên cứu 3a cho thấy: 100% đối tượng được tiêm Nanocovax có kháng thể trung hòa Surrogate (khả năng trung hòa các độc tố, vi khuẩn và vi rút) trên ngưỡng 30%; 99,2% đối tượng chuyển đổi huyết thanh của kháng thể IgG kháng Protein S (sinh kháng thể) cao gấp 4 lần so với nền. Hiện nghiên cứu đang tiếp tục theo dõi 13.000 người.
Song song với việc xin cấp phép sử dụng khẩn cấp có điều kiện, Công ty Nanogen kiến nghị Bộ Y tế, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia xem xét việc triển khai nghiên cứu giai đoạn 3c (tiêm vắc xin Nanocovax cho khoảng 500.000 - 1 triệu người), và cho triển khai nghiên cứu trên trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi sau khi được cấp phép.
Sau khi nghe báo cáo kết luận của các chuyên gia đầu ngành, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định Bộ Y tế rất mong sớm có vắc xin tự sản xuất trong nước để bảo vệ người dân, giúp chúng ta chủ động hơn, giảm sự lệ thuộc vào vắc xin nhập khẩu. Với Nanocovax, tín hiệu mừng là vắc xin an toàn và có tính sinh miễn dịch tương đối cao, hiện chờ thêm dữ liệu về khả năng bảo vệ của vắc xin trong thời gian bao lâu.
Bộ Y tế đề nghị Công ty Nanogen trước ngày 15.8 gửi báo cáo dữ liệu nghiên cứu, từ đó có số liệu gửi Hội đồng Đạo đức và Hội đồng cấp phép của Bộ Y tế xem xét cấp phép trong tình trạng khẩn cấp.
Vắc xin Sinopharm đang được Bộ Y tế thẩm định, TP.HCM chưa tiêm đợt này
Sáng 3.8, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh dưới sự chủ trì của ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM và ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tại điểm cầu Trung tâm Báo chí; ông Phan Văn Mãi, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM dự tại điểm cầu Thành ủy TP.HCM.
Ông Dương Anh Đức cho biết theo thống kê chưa đầy đủ đến tối 2.8, TP.HCM đã tiêm hơn 920.000 liều của đợt 5, tổng cộng 1.039 người có phản ứng sau tiêm, chủ yếu là triệu chứng nhẹ, tất cả đều an toàn. Sau 10 ngày tiêm, TP.HCM đã hoàn thành đợt 5 cho hơn 900.000 người, các vắc xin đã tiêm gồm: AstraZeneca, Moderna và Pfizer.
Tất cả nguồn vắc xin này đều được Bộ Y tế cung cấp, đến nay nhận tổng cộng khoảng 2,5 triệu liều; trong đó có khoảng 2 triệu người được tiêm 1 mũi, khoảng 70.000 người tiêm 2 mũi. Ngoài ra còn số lượng vắc xin khác được Bộ Y tế cấp cho các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn khoảng 400.000 liều, các đơn vị đã và đang tổ chức tiêm cho lực lượng của mình.
Ngày 31.7.2021, TP.HCM đã nhận 1 triệu liều vắc xin Sinopharm được nhà tài trợ ủng hộ. Ông Dương Anh Đức cho biết đơn vị nhập khẩu đã gửi hồ sơ để Bộ Y tế thẩm định theo đúng quy trình. Do đang được thẩm định nên TP.HCM chưa triển khai tiêm vắc xin Sinopharm đợt này, khi nào được Bộ Y tế thẩm định, đủ điều kiện thì thành phố tổ chức tiêm vắc xin theo nguyện vọng như đợt 5 vừa qua.
Ông Dương Anh Đức chia sẻ bản thân nhận được tin nhắn của nhiều người, nếu không tiêm thì có bị phạt không; đồng thời khẳng định “chính sách của Nhà nước là tiêm miễn phí, tự nguyện cho toàn dân”. Các loại vắc xin được tiêm phải thỏa mãn 2 điều kiện: được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép sử dụng khẩn cấp và Việt Nam cấp phép sử dụng khẩn cấp.
Đến nay, có 4 loại vắc xin tại TP.HCM gồm: AstraZeneca, Moderna, Pfizer và Sinopharm. Ông Đức thông tin vắc xin Sinopharm được WHO cấp phép khẩn cấp ngày 7.5 và Việt Nam cấp phép khẩn cấp ngày 3.6.
Lãnh đạo TP.HCM cho biết kể từ hôm nay, thành phố chính thức bước vào đợt tiêm vắc xin thứ 6, dự kiến kéo dài đến hết tháng 8. Với sự hỗ trợ của Chính phủ, nếu được cung cấp vắc xin đầy đủ và đúng tiến độ như đề xuất của TP.HCM thì sẽ đạt mục tiêu người từ 18 tuổi trở lên được tiêm. TP.HCM vừa đề xuất Chính phủ và Bộ Y tế cấp từ 5 - 5,5 triệu liều.
Theo thống kê, TP.HCM có khoảng 7 triệu người từ 18 tuổi trở lên, hiện đã tiêm được 2 triệu liều nên còn khoảng 5 triệu người cần được tiêm. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng phải tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1. Như vậy, tổng nhu cầu vắc xin để tiêm mũi 1 và mũi 2 khoảng 5,5 triệu liều.
Về năng lực tiêm chủng, ông Đức cho biết TP.HCM huy động đội ngũ nhân viên y tế công lập, tư nhân, quân đội và từ các tỉnh thành bạn. Riêng đội ngũ tiêm chủng của TP.HCM hiện đảm bảo 1.200 đội tiêm, với quy trình hiện nay có thể tiêm 250 người/đội/ngày.
Như vậy, TP.HCM có thể đạt 300.000 người/ngày; nếu đủ nguồn vắc xin thì có thể tăng năng lực tiêm lên 350.000 mũi/ngày và hoàn thành đúng tiến độ trong tháng 8.
Hà Nội phạt mạnh tay những người liều lĩnh leo rào ở khu phong tỏa
Tường cao, thậm chí hàng rào thép gai có vẻ vẫn không làm những người dân ở phía bên trong khu phong tỏa phòng chống Covid-19 ở quận Hoàn Kiếm (thuộc thành phố Hà Nội) nao núng. Đáng chú ý, những người trèo rào ra không chỉ thanh niên mà còn có cả người già và trẻ em.
Theo UBND quận Hoàn Kiếm, sau khi nhận được thông tin phản ánh của báo chí, quận đã chỉ đạo kiểm tra các lực lượng được phân công chốt trực tối 1.8 tại khu vực phong toả cách ly y tế phường Chương Dương, xác định địa điểm xảy ra vi phạm người dân trèo rào ra bên ngoài thuộc phường Phúc Tân.
UBND quận Hoàn Kiếm đã ra quyết định xử phạt 2 trường hợp trèo rào ra khỏi khu vực phong toả tại với tổng số tiền 4 triệu đồng.
Được cơ quan chức năng nhắc nhở, xử lý, người dân cho biết mình cũng đã nhận thức được sai phạm.
Ngày 2.8, tại khu vực phong tỏa, UBND quận Hoàn Kiếm cũng đã có phương án bố trí tăng cường lực lượng tại các chốt trực, trong đó bố trí thêm chốt trực tại phường Phúc Tân để ngăn ngừa vi phạm phát sinh. Theo lãnh đạo UBND phường Phúc Tân, hiện tổ phòng chống dịch trực 24/24 tại chốt gồm có công an, tự quản, dân quân tự vệ.
Trước đó, ngày 31.7, UBND quận Hoàn Kiếm đã quyết định cách ly y tế một phần địa bàn dân cư P.Chương Dương. Theo quyết định, trong thời gian áp dụng biện pháp cách ly (31.7 - 14.8), người dân tại địa bàn không tiếp xúc với người khác, không ra khỏi vùng cách ly, trừ trường hợp phải chuyển cơ sở khám chữa bệnh theo quy định hoặc những trường hợp khác.
Trưng dụng nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức thành điểm tiêm vắc xin
Kể từ ngày 2.8.2021, quận Đống Đa (thuộc thành phố Hà Nội) tiếp tục tổ chức tiêm vắc-xin cho người dân tại 10 điểm tiêm. Thời gian triển khai từ ngày 2 đến ngày 5.8.
Chính quyền đã trưng dụng nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức (ở phường Cát Linh) để triển khai chiến dịch tiêm vắc xin ngừa Covid-19 trên diện rộng cho người dân thủ đô. Với đặc thù rộng rãi của nhà thi đấu, người dân khi đến đây sẽ được tiêm chủng theo mô hình “một chiều”: Vào từ một cổng, tiến hành các thủ tục và tiêm chủng rồi đi ra bằng một cổng.
Người dân sẽ được kiểm tra, đối chiếu thông tin, nếu không có trong danh sách hoặc thông tin không phù hợp sẽ được yêu cầu ra về và quay lại tiêm đúng thời gian đã được quy định.
Bên cạnh đó, công tác ứng trực cấp cứu được đảm bảo với từ 1 đến 2 tổ tại mỗi điểm tiêm, sẵn sàng phối hợp với các bệnh viện để kịp thời xử lý các tình huống xảy ra.
Các điểm tiêm đều bố trí lực lượng đón tiếp công dân đến tiêm; đảm bảo người đến tiêm được kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn tay, khai báo y tế và có ghế ngồi chờ đảm bảo giãn cách.
Trạm ATM ô xy chính thức hoạt động, giao tận nhà F0
Sau chương trình ATM gạo đã được triển khai rất thành công và thiết thực tới người dân nghèo tại TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam, Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tiếp tục phối hợp với Thành đoàn TP.HCM và anh Hoàng Tuấn Anh - một doanh nhân trẻ tại TP.HCM triển khai chương trình ATM ôxy.
Sáng 2.8.2021, những trạm ATM ôxy đặt các các Quận Đoàn trong thành phố đã chính thức đi vào hoạt động. Từ đây, những bệnh nhân F0 Covid-19 cần đến bình ôxy chỉ cần liên lạc qua đường dây nóng các trạm này sẽ lập tức có các shipper là đoàn viên, tình nguyện viên có mặt và vận chuyển đến tận nhà.
Thời gian đầu, ATM ôxy sẽ hoạt động từ 8 giờ -17 giờ hằng ngày. Trước tiên, triển khai 90 bình ôxy loại 8 lít để lập các trạm ở các Quận Đoàn trên địa bàn sáu quận huyện đó là quận 7, quận 8, quận 10, quận Tân Phú, quận Bình Tân và huyện Bình Chánh.
Chiến sĩ gác việc nhà vào TP.HCM chống dịch Covid-19
Đoàn y, bác sĩ của Bệnh viện Quân y 105 và Viện Y học Cổ truyền Quân đội (thuộc Tổng cục Hậu cần - Bộ Quốc phòng) mang theo các trang thiết bị y tế đã tới TP.HCM để thực hiện nhiệm vụ tại bệnh viện truyền nhiễm dã chiến 5D hỗ trợ chống Covid-19.
Trong số những y bác sĩ của đoàn có 5 người là nữ. Họ đã chấp nhận xa gia đình để lên đường nhận nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM. Nhằm đảm bảo an toàn trước khi làm nhiệm vụ, các y bác sĩ cũng được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin Covid-19 hôm nay 3.8 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
bản tin Covid-19
Bản tin Covid-19 hôm nay
vắc xin Covid-19
trực tiếp Covid-19
Covid-19 ngày 3/8
Covid-19 tại TP.HCM
Bình luận (0)