Ngày 1.8.2021, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương xem xét,
điều chỉnh giảm giá nước sạch sinh hoạt, tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Văn bản nêu rõ, để hỗ trợ giảm bớt khó khăn cho người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Phó thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo thẩm quyền và quy định pháp luật, khẩn trương xem xét, thực hiện điều chỉnh giảm giá nước sạch sinh hoạt, tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt hỗ trợ cho người dân và các đối tượng sử dụng nước sạch sinh hoạt bị ảnh hưởng bởi
dịch bệnh Covid-19, nhất là tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các quận, huyện, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Trước đó, ngày 31.7, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã thay mặt Chính phủ ký nghị quyết về
giảm giá điện cho người dân các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 để chia sẻ khó khăn với đồng bào trong dịch Covid-19.
Cụ thể, mức hỗ trợ cho đối tượng này là giảm 15% tiền điện (trước thuế VAT) trên hóa đơn tiền điện cho các khách hàng sử dụng đến 200 kWh/tháng. Trong khi đó, các khách hàng sử dụng trên 200 kWh/tháng thì mức giảm là 10% tiền điện (trước thuế VAT) trên hóa đơn.
Thời gian hỗ trợ giảm tiền điện cho khách sử dụng điện là 2 tháng tại các kỳ hóa đơn tiền điện tháng 8 và kỳ hoá đơn tiền điện tháng 9 năm 2021.
Chính phủ yêu cầu giảm giá nước sạch cho người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19
|
Kết luận tại hội nghị mở rộng của
Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM để đánh giá 10 ngày triển khai thực hiện Chỉ thị 12 (ban hành ngày 22.7) về tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị số 16/2020 của
Thủ tướng chính phủ vào tối 31.7.2021, Bí thư Thành ủy TP.HCM
Nguyễn Văn Nên đánh giá về tổng thể, công tác phòng chống dịch của TP.HCM đã đi đúng hướng, có kết quả bước đầu nên cần tiếp tục phát huy để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn. Các biện pháp tăng cường được người dân ủng hộ nên càng phải quyết tâm, phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm cao hơn nữa để không phụ lòng tin của người dân.
Các biện pháp đã vào nề nếp, bài bản, hiệu quả hơn và tạo sự chuyển biến rất quan trọng, chính quyền địa phương và các đơn vị đã chủ động hơn khi ứng phó với các tình huống khẩn cấp. Trong từng khu dân cư, khu cách ly, vai trò tự quản của người dân rộng hơn, quyết liệt hơn.
Về tình hình dịch trên địa bàn, Bí thư Nguyễn Văn Nên đánh giá đã cơ bản kiểm soát được các ca lây lan mới, hầu hết các ca Covid-19 mới trong
khu phong tỏa. Việc thực hiện giãn cách trong khu dân cư, xóm làng hiệu quả, không có nhiều ca mới. Cần tập trung quản lý, theo sát, hỗ trợ điều trị F0, hỗ trợ y tế, thu dung điều trị, tổ chức chặt chẽ hơn, triển khai khẩn trương, trách nhiệm và hiệu quả từng cấp cao hơn để thực hiện mục tiêu hạn chế tử vong, bảo vệ sức khỏe người dân.
Nhìn nhận công tác an sinh xã hội là vấn đề cực kỳ khó khăn, Bí thư Nguyễn Văn Nên ghi nhận sự nỗ lực toàn hệ thống, các lực lượng khối đại đoàn kết từ thành phố đến cơ sở đã quy tụ được sức mạnh nồng hậu, rất lớn chặt chẽ để chăm lo. Điều này nói lên trách nhiệm niềm tin, lòng tử tế, rất đáng ghi nhận.
Hoạt động cung ứng hàng hóa hiện nay rất cần thiết nhưng cực kỳ khó khăn khi thực hiện trong điều kiện thực hiện Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng chính phủ. Do đó, các giải pháp thực hiện cần đồng bộ để không phát sinh mâu thuẫn trong hoạt động cung ứng hàng hóa.
Ông Nguyễn Văn Nên ghi nhận sự nỗ lực của các cơ quan, đơn vị đã tổ chức được hệ thống cung ứng, phân phối hàng hóa thiết yếu đến người dân; các địa phương có cơ chế tăng cường thông tin, phát hiện người nghèo, người khó khăn, cố gắng hết sức trong tổ chức hệ thống cung ứng, tiếp nhận phân phối.
Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của
biến chủng Delta, TP.HCM tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội thêm 2 tuần theo chỉ đạo của Thủ tướng với 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, tiếp tục tập trung triệt để giãn cách xã hội, phát huy vai trò nhân dân tự quản tại các khu phố, tổ dân phố, khu dân cư; đây là nhân tố quyết định thực hiện thắng lợi công tác phòng, chống dịch Covid-19. Bí thư Nguyễn Văn Nên bày tỏ mong muốn người dân tiếp tục chung tay cùng thành phố thực hiện công tác phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền,
hệ thống chính trị cần phát huy tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch, xử lý bài bản khi phát hiện ca Covid-19, không để dịch bệnh lây lan.
Thứ hai là tập trung quản lý, theo dõi, tư vấn hướng dẫn, vận chuyển điều trị F0 theo các quy trình, quy định đã đề ra, nơi nào để xảy ra tình trạng F0 chậm chăm sóc nơi đó người đứng đầu chịu trách nhiệm. Khi người dân cần tư vấn hay vào bệnh viện phải đảm bảo người trực, luân phiên chia ca 24/7 ca để giải quyết việc này.
Nhấn mạnh tiêm vắc xin là chìa khóa quan trọng để bảo vệ sức khỏe người dân, Bí thư Nguyễn Văn Nên một lần nữa đặt mục đến tháng 8 đạt trên 70% người dân được tiêm vắc xin Covid-19 bằng những giải pháp thích hợp, khẩn trương, chặt chẽ trên tinh thần càng sớm, càng tốt. Cách thức triển khai rải đều các điểm tiêm, thậm chí đến từng nhà dân, tiêm ngoài giờ, chuẩn bị tình huống xử trí khi có rủi ro.
Cuối cùng, Bí thư Thành ủy TP.HCM yêu cầu công tác hỗ trợ người nghèo cần được quan tâm đặc biệt, tránh để sót, không được kéo dài và cố gắng tiếp sức kịp thời bằng kinh nghiệm, cách làm của mỗi địa phương, không chủ quan; sẵn sàng đón nhận hỗ trợ của các địa phương để chăm lo cho người nghèo.
Các địa phương rà soát, thống kê người dân ở các tỉnh để có biện pháp hỗ trợ, chia sẻ tạo điều kiện để người dân bám trụ; nếu người dân muốn về quê thì có kế hoạch, lập danh sách cụ thể và giao về địa phương. TP.HCM sẵn sàng lo cho mọi người dân nhưng người dân cần hợp tác, không đi lại tự do gây nguy cơ lây nhiễm cho các tỉnh.
Đối với đội ngũ nhân viên y tế, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh cần bảo vệ nguồn lực y tế bằng nhiều cách, cần có chính sách dưỡng quân, giữ gìn, bảo vệ, hạn chế tối đa lây nhiễm để ngành y tế chiến đấu lâu dài, không chỉ riêng với dịch bệnh Covid-19 mà còn nhiều bệnh khác. Khẩn trương triển khai các chính sách, chế độ đối với cán bộ, nhân viên y tế; đồng thời đẩy nhanh mua sắm các trang thiết bị, phương tiện hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch.
TP.HCM cơ bản kiểm soát được các ca Covid-19 lây lan mới
|
Sáng 1.8.2021, công nhân của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO đã đi thu gom, hút đinh. Chỉ một đoạn đường ngắn chưa đầy 100m trên QL1 (Q.Bình Tân, TP.HCM), các công nhân vệ sinh đường đã thu gom cả ký đinh là loại mảnh đinh hình thoi. Mảnh đinh hình thoi nằm khắp mặt đường ở làn xe máy và cả làn ô tô.
Theo ông Nguyễn Văn Bông, Đội dịch vụ Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO,
tình trạng rải đinh trên QL1 (Q. Bình Tân) diễn ra từ ngày 8.7 đến nay. Chủ yếu là đoạn từ cầu vượt Tỉnh Lộ 10B về cầu vượt Tỉnh Lộ 10.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Bông, TP.HCM đang tập trung cao điểm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Người dân
thất nghiệp có nhu cầu đi xe máy về quê tránh dịch nhiều, do đó đinh tặc đã hoạt động mạnh những ngày qua.
Cùng ngày, một lãnh đạo UBND P.Tân Tạo (Q.Bình Tân, TP.HCM) cho biết, để đảm bảo công tác phòng chống dịch hiện nay các hoạt động vá, sửa xe trên đia bàn cũng đã được thông báo ngưng hoạt động. Đồng thời, UBND P.Tân Tạo sẽ cho người kiểm tra, rà soát lại các điểm vá xe dạo. Nếu trường hợp nào
vi phạm Chỉ thị 16, lén lút hoạt động sẽ cho xử lý nghiêm.
Nhắm vào người về quê tránh dịch Covid-19, “đinh tặc” hoành hành trở lại
|
Ngày 1.8.2021, hai đội tiêm vắc xin lưu động đã được thành lập và tiến hành tới tận các khu cách ly để tiêm vắc xin Covid-19 cho lực lượng làm nhiệm vụ tại đây.
Trong hơn một tiếng đồng hồ, đội vắc xin lưu động đã thực hiện xong
công tác tiêm chủng bao gồm chuẩn bị trang thiết bị, khám sàng lọc, tiêm và theo dõi sau tiêm cho gần 20 người tại khu cách ly này. Sau đó, đội tiêm vắc xin lưu động tiếp tục tới các khu cách ly khác. Dự kiến, trong ngày 1.8.2021, đội sẽ tiêm lưu động tại 8 điểm khác nhau.
Hiện có 2 đội với hai xe chuyên dụng, được trang bị phục vụ cho công tác tiêm và hỗ trợ cấp cứu sau tiêm như bình ô xy, cấp cứu khẩn cấp, thuốc huyết áp.
Mỗi đội tiêm có 6 nhân viên gồm 3 bác sĩ đo huyết áp và theo dõi sau tiêm, 2 điều dưỡng tiêm vắc xin, một tài xế. Nhiệm vụ của đội tiêm lưu động là di chuyển đến các khu dân cư, khu phong tỏa để tiêm cho người dân, hoặc phục vụ tiêm các chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ tại các
bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 không thể đi ra ngoài được.
Xe tiêm vắc xin Covid-19 vào tận khu cách ly thêm “áo giáp” cho dân quân
|
Một lãnh đạo UBND quận Nam Từ Liêm cho biết sau khi phát hiện một người bán rau tại chợ Phùng Khoang mắc Covid-19, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của quận Nam Từ Liêm đã cho triển khai các biện pháp y tế, lấy mẫu xét nghiệm cho các tiểu thương có liên quan.
Theo công bố, bệnh nhân này 39 tuổi; ở xã Tân Minh, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội. Hằng ngày, bệnh nhân thường lấy rau tại chợ Vồi ở huyện Thường Tín và lên bán tại
chợ Phùng Khoang từ khoảng 4 đến 8 giờ sáng.
Ngày 27.7, bệnh nhân xuất hiện đau lưng, mỏi người nên nghỉ ở nhà. Đến ngày 30.7, bệnh nhân có sốt, ho và đến Bệnh viện Nông nghiệp khám, được làm xét nghiệm nhanh cho kết quả dương tính, lấy mẫu
xét nghiệm Realtime-PCR và có kết quả khẳng định dương tính.
Từ 8 giờ sáng 1.8, lực lượng chức năng đã cho tạm phong tỏa một khu vực chợ Phùng Khoang để tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho các tiểu thương liên quan đến ca nhiễm. Hàng chục người đã đến chợ từ sớm để chờ lấy mẫu.
Lãnh đạo UBND quận Nam Từ Liêm cũng đã chỉ đạo tiếp tục triển khai lấy mẫu xét nghiệm khu vực chợ bên cạnh, đồng thời cho đóng cửa toàn bộ chợ Phùng Khoang chờ kết quả xét nghiệm.
Thấp thỏm vì người bán rau chợ Phùng Khoang dương tính Covid-19
|
Tỉnh lộ ĐT.741 đoạn giáp ranh giữa huyện Phú Giáo (Bình Dương) xã Tân Lập huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) suốt trưa và chiều 31.7.2021 thường xuyên trong tình trạng ùn ứ.
Dòng người, phương tiện từ các tỉnh thành đang
giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng chính phủ vẫn đổ về quê qua ngả này để lên các tỉnh Tây Nguyên và thậm chí là về miền Trung.
Mỗi người mỗi lý do, nhưng hầu hết đều do sợ dịch và không thể trụ lại được vì không tiền, không việc làm.
Các lực lượng tại chốt kiểm soát
dịch Covid-19 tại Bình Phước tđã rất nỗ lực để kiểm tra, kiểm soát giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 của người dân cũng như tổ chức các đoàn xe CSGT dẫn đường cho người dân đi qua tỉnh. Tuy nhiên, số lượng người đổ về nhiều hơn những ngày trước khiến xe dẫn đường vừa xuất phát thì các phương tiện đã ùn ùn từ hướng Bình Dương kéo lên.
Giữa tiết trời nắng như đổ lửa, hàng ngàn xe máy vẫn ken đặc dài hàng trăm mét trước chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 giáp ranh giữa Bình Dương và Bình Phước.
Khác với các ngày trước đó chỉ có người dân các tỉnh
Tây Nguyên từ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM về quê. Trong ngày 31.7 có thêm những người từ miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh và cả một số ít người ở các tỉnh miền bắc cũng đi qua tuyến đường ĐT.741 để theo Quốc lộ 14 ra các tỉnh miền Trung.
Cửa ngõ Bình Phước ken đặc dòng người ùn ùn về quê “chạy” dịch Covid-19
|
Bình luận (0)